Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt giam Cao Thị Minh Thuận (52 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát), Hoàng Mạnh Chiến (39 tuổi, Giám đốc Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội) và 5 bị can khác vì liên quan đến đường dây sách giáo khoa giả.
Cảnh sát xác định họ đã làm giả hàng triệu bản sách giáo khoa của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam suốt một năm qua, thu lợi bất chính gần 50 tỷ đồng.
|
Hệ lụy nguy hiểm của sách giả tới nền giáo dục |
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an C03, đây là đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả với số lượng lớn nhất cả nước từ trước tới nay. Thủ đoạn của chúng là chia nhỏ các khâu để qua mặt cảnh sát.
"Khách hàng" là một số nhà sách tại Hà Nội và các tỉnh như Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Trên thực tế, hoạt động in lậu, in nhái, tàng trữ và tiêu thụ xuất bản phẩm in lậu, in nhái đã và đang là vấn đề nhức nhối, trong thời gian dài nhưng vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý hiệu quả. Cho đến thời gần đây, tình trạng này có xu hướng ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Đáng báo động là trong số những xuất bản phẩm bị làm giả, làm nhái có cả xuất bản phẩm phục vụ dạy và học trong nhà trường phổ thông như sách giáo khoa, sách bổ trợ, các loại sách tham khảo, bản đồ – tranh ảnh giáo dục, đĩa CD nghe nhìn giáo dục… (xuất bản phẩm giáo dục).
Với sản lượng chiếm tới hơn 70% sản lượng ngành xuất bản, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị xuất bản phần lớn xuất bản phẩm giáo dục hiện nay, và cũng chính xuất bản phẩm giáo dục của đơn vị này bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu về số lượng, về địa bàn và cả mức độ công khai.
Giới làm lậu tung ra nhiều chiêu thức mới đẩy giá bìa lên cao rồi bán với giá rất thấp, tạo cảm giác được mua rẻ. Tuy nhiên, người mua sách giả bị thiệt hại vì chất lượng của giấy, chữ, nội dung. Do đối tượng làm lậu scan và copy mà không hiểu biết nên nội dung sách bị sai nhiều, lỗi dày đặc.
Tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho tác giả, cho các nhà xuất bản, đối tác liên kết, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Nghiêm trọng hơn là sự ăn mòn văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức của công chúng. Người quen đọc sách giả cũng dần quen với sự kém chất lượng, vô tình tự hạ thấp thẩm mỹ lẫn cảm quan thưởng thức của bản thân.
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo