Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Những sự kiện giáo dục đáng chú ý năm 2020

DTVN 11:25 03/01/2021

Học trực tuyến do Covid-19, đổi tên kỳ thi THPT Quốc gia; sai sót hàng loạt trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, vụ bằng giả tại Đại học Đông Đô, cô giáo Mường lọt vào vào top 10 xuất sắc toàn cầu

Học trực tuyến do Covid-19

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tính đến ngày 06/2, đã có 63 tỉnh/thành phố báo cáo Bộ GD&ĐT về việc quyết định cho học sinh nghỉ học. Việc cho học sinh nghỉ học, thời điểm đi học trở lại vào lúc nào… tạo nên những tranh cãi gay gắt trong dư luận.

Trong thời gian học sinh nghỉ học, học sinh đã chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình. Bộ GD&ĐT đã ban hành Hướng dẫn, trong đó có việc công nhận kết quả đánh giá thường xuyên đối với hình thức học tập này.

Đổi tên “kỳ thi THPT Quốc gia” thành “kỳ thi Tốt nghiệp THPT”

Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án thi THPT năm 2020 trong hoàn cảnh học sinh cả nước phải nghỉ học kéo dài vì dịch Covid -19. Dù vẫn tổ chức thi nhưng tên gọi của kỳ thi năm nay thay đổi là “kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020” thay vì thi THPT như trước đây. Kỳ thi năm nay chỉ tập trung vào mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được diễn ra. Tuy nhiên, do một số địa phương bị cách ly xã hội do ảnh hưởng của dịch nên kỳ thi được chia làm 2 đợt. Đợt đầu diễn ra từ ngày 8 đến 10/8. Đợt 2 của kỳ thi diễn ra vào ngày 03 và 04/9. Đợt thi thứ hai tổ chức cho 26014 thí sinh của 27 tỉnh/thành chưa thể dự thi đợt 1 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sai sót hàng loạt trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1

Năm học 2020 là năm đầu tiên triển khai chương trình và sách giáo khoa mới. Theo đó, thay vì chỉ có một bộ sách như trước, chương trình mới cho phép các trường chọn lựa các bộ sách như: Chân trời sáng tạo, Cánh diều, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Kết nối tri thức với cuộc sống…

Nhiều trường học đã lựa chọn bộ sách “Cánh diều” cho chương trình học, tuy nhiên, sau hơn một tháng triển khai dạy học, nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, đặc biệt là phụ huynh có con đang học lớp một đã nổi lên đối với bộ sách này.

Không chỉ có sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều, mà tiếp sau đó, một loạt các bộ sách khác cũng đã được chỉ ra có những lỗi sai. Trong đó, đối với sách Tiếng Việt, có những lỗi sai lặp lại.

Bộ GD&ĐT đã yêu cầu rà soát tất cả những bộ sách còn lại và NXB Giáo dục Việt Nam đã có đề xuất điều chỉnh một số nội dung, chủ yếu là sách Tiếng Việt trong cả 4 bộ sách lớp 1 do đơn vị này sản xuất.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có chỉ đạo, yêu cầu các nhà xuất bản tổng rà soát các bộ sách giáo khoa trên tinh thần cầu thị tiếp thu ý kiến góp ý của dư luận, giáo viên, đề xuất phương án chỉnh sửa phù hợp.

Đến nay, bộ Cách Diều đã được duyệt phương án chỉnh sửa. NXB sẽ in 1 triệu tài liệu chỉnh sửa để phát cho học sinh.

Vụ cấp bằng giả tại Đại học Đông Đô

Trong kết luận điều tra, Cơ quan An ninh điều tra xác định Trần Khắc Hùng, 48 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô, là chủ mưu nhưng đã bỏ trốn nên đình chỉ điều tra bị can, khi bắt được sẽ xử lý sau.

Dương Văn Hòa (37 tuổi, cựu hiệu trưởng), Trần Kim Oanh (42 tuổi, cựu phó hiệu trưởng kiêm Phó viện trưởng đào tạo liên tục), Lê Ngọc Hà (42 tuổi, cựu phó hiệu trưởng), Trần Ngọc Quang (58 tuổi, cựu phó Phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên), Nguyễn Thị Huệ (34 tuổi, cựu trưởng Phòng Tài chính, kế toán) cùng năm cựu cán bộ của trường là Phạm Vân Thùy, 39 tuổi, Lê Thị Thanh Tâm, 37 tuổi, Nguyễn Thị Ngọc Thái, 32 tuổi, Ngô Quang Hiển, 42 tuổi và Lê Thị Lương, 24 tuổi bị đề nghị truy tố về tội “Giả mạo trong công tác”, theo khoản 2 Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao liên quan đến vụ việc cấp và sử dụng bằng giả tại Trường Đại học Đông Đô.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan mở rộng điều tra vụ án, tiếp tục làm rõ số cá nhân được Trường Đại học Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh giả và các văn bằng, chứng chỉ khác (nếu có) không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng để thu hồi và kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật. Báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2021.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục đào tạo trong việc cấp văn bằng, chứng chỉ; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân cho phép Đại học Đông Đô thông báo tuyển sinh hệ văn bằng hai; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, không để xảy ra sai phạm tương tự.

Thủ tướng đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an sớm đưa các đối tượng phạm tội ra xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Gian lận hồ sơ phong tặng giáo sư, phó giáo sư

Năm 2020, việc công bố ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư bị lùi khoảng một tháng rưỡi so với kế hoạch ban đầu do 2020 là năm thứ hai việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư thực hiện theo Quyết định 37/2018. Ngày 06/12, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 39 ứng viên giáo sư và 300 ứng viên phó giáo sư đạt đủ phiếu tín nhiệm.

Thời gian công bố danh sách này bị muộn hơn nửa tháng so với kế hoạch do Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhận được đơn tố cáo 31/40 ứng viên ngành Y, 5/10 ứng viên ngành Dược không đủ tiêu chuẩn, “khai gian” bài báo quốc tế. Các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành có ứng viên bị tố cáo đã phải rà soát, thẩm định lại.

Lùm xùm đã khép lại, nhưng những đơn thư tố cáo ứng viên “khai gian” đã tạo ra một cuộc tranh luận lớn xoay quanh việc tính bài báo quốc tế và các tiêu chuẩn công nhận giáo sư, phó giáo sư.

Cô giáo Mường lọt vào vào top 10 xuất sắc toàn cầu

Sáng 11/11, cô Hà Ánh Phượng, giáo viên Tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ được tổ chức Varkey Foundation công bố nằm trong top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020. Cô Hà Ánh Phượng (SN 1991, dân tộc Mường) là giáo viên tiếng Anh của trường.

Ngôi trường nơi cô giáo Phượng đang giảng dạy có tới 85% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhưng nhờ vào công nghệ thông tin và mạng Internet, cô Phượng đã đưa học sinh của mình tham gia vào các tiết học xuyên biên giới.

Với những đóng góp của mình cho ngành giáo dục, tháng 9 vừa qua, cô Phượng cũng được vinh danh là điển hình tiên tiến tại Đại hội thi đua ngành giáo dục toàn quốc.

Xử lý hậu gian lận thi THPT quốc gia 2018

Trong năm 2018 xảy ra vụ gian lận thi THPT quốc gia với sai phạm nghiêm trọng trong công tác tổ chức, chấm thi. Vụ việc liên quan đến hàng loạt bài thi của thí sinh được nâng điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Trong cuối năm 2018 và cả năm 2019, trong quá trình điều tra vụ gian lận thi cử, hàng chục cán bộ ngành Giáo dục và Công an bị khởi tố. Nhiều bị can trong số này đã bị khai trừ khỏi Đảng. Không chỉ có các bị can, nhiều người khác cũng bị kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, hoặc khai trừ khỏi Đảng) vì nâng điểm, hoặc nhờ nâng điểm cho con cháu trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Đến cuối năm 2019, tại Sơn La có 8 bị can bị truy tố, Hòa Bình có 15 bị can bị truy tố, tại Hà Giang có 5 bị cáo bị tuyên án trong vụ án gian lận thi THPT quốc gia.

Sáng 21/5/2020, TAND tỉnh Sơn La đã mở phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại địa phương này.

Nhiều đại học lọt top thế giới

Năm học này, việc tự chủ đại học tiếp tục được đẩy mạnh và tạo đột phá trong quản trị đại học, giúp nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trong năm học này, lần đầu tiên, Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học lọt vào tốp 1000 thế giới. Nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới.

Dữ liệu được Times Higher Educatinon (THE) công bố ngày 28-10, ba Đại học Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP. HCM, Bách Khoa Hà Nội có năm ngành thuộc các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế lọt top thế giới.

Đại học Quốc Gia Hà Nội góp mặt với ba ngành Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học máy tính và Khoa học Vật lý.

Đại học Bách Khoa Hà Nội có ba ngành được ghi tên trong bảng xếp hạng thế giới là Khoa học máy tính, Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học Vật lý.

Đại học Quốc gia TP. HCM ngoài 3 ngành nói trên, còn có thêm ngành Kinh doanh và kinh tế, Khoa học đời sống.

Theo Luật sư Việt Nam

Link gốc : https://lsvn.vn/nhung-su-kien-giao-duc-dang-chu-y-nam-2020.html

Bạn đang đọc bài viết Những sự kiện giáo dục đáng chú ý năm 2020 tại chuyên mục Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Xã hội