Sóc Trăng: Phạt 1,3 tỉ đồng với Công ty TNHH Dịch vụ môi trường An Nghiệp
Ngày 18/9, UBND tỉnh đã có quyết định xử phạt Công ty TNHH Dịch vụ môi trường An Nghiệp ở Sóc Trăng số tiền 1,3 tỉ đồng vì xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, gây ô nhiễm môi trường.
Hành vi của Công ty TNHH Dịch vụ môi trường An Nghiệp vi phạm vào Điều 13, Nghị định 155/NĐ/2016 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Bãi bùn ô nhiễm, bốc mùi hôi thối nồng nặc cạnh nhà máy xử lí nước thải trong KCN An Nghiệp. |
Qua kiểm tra của ngành chức năng, từ tháng 7-8/2020 cho biết, lượng xả thải của các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong KCN An Nghiệp tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng tăng cao, doanh nghiệp có mức xả thải tăng ít nhất là 36% và cao nhất gần 100%. Vì vậy, lượng nước thải tiếp nhận về nhà máy xử lý nước thải tập trung tăng lên đột biến, dẫn đến tình trạng quá tải và chất lượng nước thải sau xử lý thải ra môi trường chưa đạt quy chuẩn, do đó gây ra tình trạng ô nhiễm. Do nằm trong khu dân cư nên tình trạng ô nhiễm đã gây ra mùi hôi thối khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc.
Xử phạt 726 triệu đối với Công ty TNHH liên danh Lever Việt Nam
Ngày 4/8, UBND tỉnh Hưng Yên đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 726 triệu đồng đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn liên danh Lever Việt Nam, có trụ sở tại phường Minh Đức (thị xã Mỹ Hào), do làm ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, doanh nghiệp này đã có 4 hành vi vi phạm về chất thải. Trước hết, công ty không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định, dù dự án đi vào hoạt động đã 99 tháng, vi phạm Điểm O, Khoản 2, Điều 9 Nghị định số 155/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Với sai phạm này, công ty bị phạt 380 triệu đồng, bị đình chỉ hoạt động 3 tháng để khắc phục ngay hậu quả, buộc phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt.
Quyết định xử phạt hành chính 726 triệu đồng của UBND tỉnh Hưng Yên đối với Công ty TNHH liên danh Lever Việt Nam vì có nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. |
Nguy hiểm hơn, công ty bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Tại thời điểm bị phát hiện, khu chứa chất thải của công ty không có mái che nắng, mưa một cách toàn bộ; không có thiết bị phòng cháy chữa cháy theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; không có vật liệu hấp thụ (cát khô và mùn cưa) và xẻng để sử dụng trong trường hợp rò rỉ, rơi vãi, đổ tràn chất thải nguy hại ở thể lỏng; không có biển dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa phù hợp với loại chất thải nguy hại được lưu giữ theo TCVN6707:2009. Hành vi trên đã vi phạm Điểm d, Khoản 5, Điều 21 Nghị định số 155/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, doanh nghiệp bị phạt 90 triệu đồng; buộc phải khắc phục ngay hậu quả bằng việc cải tạo nâng cấp khu xử lý chất thải nguy hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định trong thời hạn đến cuối tháng 8/2020.
Mặt khác, công ty đã thải bụi và khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,1 lần đến dưới 1,5 lần trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 10.000 m3/h - 15.000 m3/h. Theo kết quả phân tích mẫu khí thải do Trung tâm Quan trắc - Thông tin Tài nguyên và Môi trường, thông số CO vượt 1,48 lần, vi phạm Điểm d, Khoản 2, Điều 15 Nghị định số 155/NĐ-CP của Chính phủ. Với vi phạm trên, tỉnh Hưng Yên đã phạt 80 triệu đồng và yêu cầu công ty phải dừng ngay việc xả khí thải ra môi trường, phải xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường, việc khắc phục phải hoàn thành trong tháng 9/2020.
Cùng với các vi phạm trên, Công ty Lever Việt Nam còn xả nước thải vượt quy chuẩn về chất thải từ 10 lần trở lên, trong trường hợp thải lượng nước nhỏ hơn 5 m3/ngày đêm. Theo kết quả phân tích mẫu nước thải của cơ quan chuyên môn, có một số thông số vượt cột A Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt gồm: thông số TSS vượt 12,8 lần; Coliform vượt 3,1 lần; TDS vượt 2,23 lần; BOD vượt 2,42 lần, NH4+ vượt 3,5 lần. Các thông số này cho thấy việc xả thải của công ty đã vi phạm Điểm a, Khoản 6 và Khoản 7, Điều 13 Nghị định số 155/NĐ-CP của Chính phủ. Với hành vi vi phạm này, công ty bị phạt 80 triệu đồng và chịu phạt tăng nặng thêm 96 triệu đồng; tổng mức phạt là 176 triệu đồng. Tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu công ty dừng ngay việc xả nước thải ra môi trường, đồng thời phải xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường, việc khắc phục phải hoàn thiện trong thời hạn đến cuối tháng 10/2020.
Công ty TNHH Hưng Nguyên bị phạt 750 triệu, buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp trên 2,9 tỉ đồng
Ngày 17/12, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với Công ty TNHH Hưng Nguyên, Công ty TNHH Hà Thanh, Công ty TNHH xây dựng thương mại và dịch vụ Hà Hưng, Công ty Cổ phần đầu tư và khai thác khoáng sản Đức Phú, Công ty Cổ phần Minh Định và Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng.
Đáng chú ý, tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2886/QĐ-XPVPHC, Công ty TNHH Hưng Nguyên (địa chỉ tại 86 Nguyễn Đình Chiểu, phường 9, TP Đà Lạt), người đại diện pháp luật là ông Lê Hữu Chiến (Giám đốc công ty), bị xử phạt với số tiền lên tới 750 triệu đồng, buộc nộp lại số tiền số tiền bất hợp pháp do hành vi khai thác ngoài ranh cấp phép hơn 2,9 tỉ đồng.
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản với 6 công ty. (Ảnh minh họa) |
Theo Quyết định xử phạt, Công ty TNHH Hưng Nguyên đã thực hiện các hành vi vi phạm sau đây:
- Đối với Giấy phép số 30/GP-UB ngày 31/3/2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng: Công ty TNHH Hưng Nguyên đã khai thác vượt ra ngoài ranh giới được cấp phép với diện tích 1,46 ha, khối lượng đá nguyên khối đã khai thác ngoài ranh là 196.00 m3; không lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ và các kho chứa; lập không đầy đủ sổ sách, chứng từ, tài liệu có liên quan đến việc xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm; đổ thải không đúng vị trí đã xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt mà chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.
- Đối với Giấy phép số 07/GP-UBND ngày 17/01/2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng: Công ty TNHH Hưng Nguyên đã khai thác vượt ra ngoài ranh giới được cấp phép với diện tích 1,46 ha, chiều cao tầng đá trung bình 5 m, khối lượng đá nguyên khối đã khai thác ngoài ranh là 25.000 m3; không lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ và các kho chứa; lập không đầy đủ sổ sách, chứng từ, tài liệu có liên quan đến việc xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm.
Ngoài phạt tiền, công ty này còn buộc phải cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện các biện pháp đưa diện tích khai thác ngoài ranh của 2 giấy phép trên về trạng thái an toàn và đổ thải đúng vị trí đã xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định (17/12/2020).
Phú Thọ: Xử phạt cá nhân hơn 650 triệu đồng vì khai thác cát trái phép trên sông Lô
Ngày 17/3, tỉnh Phú Thọ quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với cá nhân ông Hán Đức Chính do có hành vi khai thác khoáng sản (cát) trái phép trên sông Lô thuộc xã Trưng Vương, TP. Việt Trì.
Ông Hán Đức Chính đã thực hiện hành vi "khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" khi khối lượng khoáng sản là cát lòng sông đã khai thác từ 50 m3 trở lên (khối lượng đã khai thác 89,1 m3 cát).
Tàu khai thác cát trên sông Lô. |
Chiếu theo quy định tại Điểm h, Khoản 1, Điều 44, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoảng sản, ông Hán Đức Chính bị phạt tiền với mức trung bình của khung phạt là 150 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung là buộc ông Hán Đức Chính phải nộp 507,5 triệu đồng vào Ngân sách Nhà nước. Tổng số tiền xử phạt đối với ông Hán Đức Chính là 657,5 triệu đồng, nộp vào ngân sách Nhà nước.
Đắk Nông: Xử phạt 529 triệu đồng đối với Công ty Đức Tiến Lê
Ngày 6/1, ông Trương Thanh Tùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Đức Tiến Lê tại thôn 9, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức với tổng số tiền là 529 triệu đồng vì đã có hành vi xả nước thải có thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường.
Cụ thể: Công ty Đức Tiến Lê đã xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường, nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về nước thải Công nghiệp (với thông số TSS vượt 4,01 lần, cop vượt 13,31 lần, BOD5 vượt 23,6 lần, Coliform vượt 86 lần) vào môi trường (hồ chứa không lót đáy, để tự thấm) với lượng nước thải từ 20m3 đến dưới 40m3/ngày.
Quyết định xử phạt của UBND tỉnh Đắk Nông. |
Cụ thể: Công ty Đức Tiến Lê đã xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường, nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về nước thải Công nghiệp (với thông số TSS vượt 4,01 lần, cop vượt 13,31 lần, BOD5 vượt 23,6 lần, Coliform vượt 86 lần) vào môi trường (hồ chứa không lót đáy, để tự thấm) với lượng nước thải từ 20m3 đến dưới 40m3/ngày.
Theo Hoài Thu/Kinh tế Môi trường