Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Xe buýt TP.HCM có nguy cơ ngừng hoạt động từ ngày 15/8 vì...hết tiền

Mai Hương(T/H) 16:28 07/07/2020

Điều nghịch lý ở đây dù là ngân sách trợ giá xe buýt tăng theo từng năm nhưng khối lượng vận chuyển trên các tuyến buýt có trợ giá lại giảm đều, các doanh nghiệp làm ăn bết bát.

Dự kiến đến ngày 15/8 phải ngưng hoạt động vì...hết tiền

Các doanh nghiệp vận tải xe buýt cho biết tình hình hoạt động vận tải công cộng bằng xe buýt hiện nay đang rất khó khăn, nhiều đơn vị phải vay tiền ngân hàng để trả lương nhân viên hàng tháng.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng vẫn chưa ký hợp đồng đặt hàng với các doanh nghiệp xe buýt và chỉ ký hợp đồng nguyên tắc để nhận tiền tạm ứng trợ giá xe buýt. Vì vậy, các đơn vị đề nghị cần ký ngay hợp đồng đặt hàng năm nay.

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã không đủ chi phí trả lương, nhiên liệu và chậm trả tiền lãi vay mua xe cho các ngân hàng. Từ đó, một số tuyến xe buýt xảy ra đình công như tuyến xe buýt số 19, 99. Đồng thời, một số doanh nghiệp, hợp tác xã buộc tạm dừng hoạt động một số tuyến xe buýt.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang nợ tiền nhiên liệu rất lớn như: Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn thiếu nợ 80 tỉ đồng. Công ty cổ phần Vận tải TP thiếu nợ 7 ti đồng. Hợp tác xã vận tải Quyết Thắng thiếu nợ 5,2 tỉ đồng. Hợp tác xã 28 thiếu nợ 1,1 tỉ đồng...

Với tình hình khó khăn về tài chính hiện nay, các doanh nghiệp xe buýt cho biết đang cố gắng duy trì hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe buýt đến ngày 30/7/2020. Trường hợp chưa đươc giải quyết khó khăn, các đơn vị xe buýt đề nghị tạm dừng hoạt động xe buýt từ 15/8/2020.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều tối ngày 6/7 vừa qua, ông Nguyễn Văn Lèo, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải TP HCM, cho biết các doanh nghiệp vận tải xe buýt đang gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện đơn vị cùng 11 hợp tác xã vận tải xe buýt khác tại TP HCM đang kiến nghị về việc phân bổ tiền trợ giá xe buýt chưa đầy đủ, kéo dài trong nhiều tháng qua.

Theo ông Lèo, đến nay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở Giao thông Vận tải (TP HCM, vẫn chưa ký hợp đồng đặt hàng với các doanh nghiệp để phân bổ tiền trợ giá năm 2020. Khoản chi phí trợ giá phân bổ về cho các doanh nghiệp những tháng qua chỉ nhỏ giọt ở mức khoảng 50% của đơn giá năm 2019. Số tiền này không đủ để các xã viên trả lãi ngân hàng tiền mua xe mới, trả lương nhân viên và nhiên liệu.

"Nếu các cơ quan chức năng không giải quyết sớm thì đến ngày 15/8, các hợp tác xã vận tải xe buýt sẽ không còn tiền trả lương, đổ dầu dẫn đến phải ngưng hoạt động" - ông Lèo nói.
Nghịch lý: Trợ giá xe buýt tăng, khối lượng vận chuyển lại...giảm đều

Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Sở Giao thông vận tải TPHCM đề xuất dự toán chi ngân sách trợ giá cho xe buýt năm 2020 là 1.311 tỷ đồng, tăng 161 tỷ đồng so với dự toán được giao. Nếu không, xe buýt chỉ hoạt động đến giữa tháng 11.

Theo Sở GTVT TP, hoạt động xe buýt có thay đổi và điều chỉnh để thích ứng với đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

Nếu dự toán ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 vẫn ở mức 1.150 tỷ đồng, hệ thống xe buýt chỉ hoạt động đến khoảng giữa tháng 11; hoặc phải giảm xuống còn 85% số chuyến theo kế hoạch giai đoạn từ ngày 1/7 đến 31/12 (trong đó phải ngưng một số tuyến).

Tuy nhiên, điều nghịch lý ở đây dù là ngân sách trợ giá xe buýt tăng theo từng năm nhưng khối lượng vận chuyển trên các tuyến buýt có trợ giá lại giảm đều, các doanh nghiệp làm ăn bết bát.

Theo thống kê, năm 2012 lượng khách đi xe buýt ở TP.HCM đạt trung bình 305 triệu lượt mỗi năm. Nhưng giai đoạn 2014-2018, khách đi xe buýt giảm bình quân 6,65% mỗi năm. Đến năm 2019, lượng khách đi xe buýt chỉ đạt khoảng 255 triệu lượt, giảm 12,1% so với mức 289,9 triệu lượt so với năm 2018. Năm nay dự kiến chỉ còn 159 triệu lượt.

Tính từ năm 2018 đến nay, có 11/105 tuyến xe buýt ở TP.HCM có trợ giá ngưng hoạt động vì nhu cầu đi lại thấp, không hiệu quả.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến xe buýt hoạt động chưa hiệu quả được cho là thiếu cơ sở hạ tầng, việc bố trí các tuyến chưa hợp lý để kết nối thu hút người dân sử dụng. Thành phố hiện có khoảng 70% tuyến đường bề rộng dưới 5 m, dẫn đến khó tổ chức cho người dân tiếp cận trạm xe buýt có bán kính nhỏ.

Cùng với đó, sự phát triển của xe ứng dụng công nghệ cạnh tranh trực tiếp với xe buýt nhờ sự tiện lợi, cơ động và chi phí gần bằng đi xe buýt. Về lâu dài cần có các chính sách trợ giá xe buýt tiết kiệm và đúng quy định, đồng thời nâng cao hiệu quả của loại hình vận tải công cộng này.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/xe-buyt-tphcm-co-nguy-co-ngung-hoat-dong-tu-ngay-15-8-vihet-tien-d78775.html

Bạn đang đọc bài viết Xe buýt TP.HCM có nguy cơ ngừng hoạt động từ ngày 15/8 vì...hết tiền tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước