Hà Nội, Thứ Năm Ngày 18/04/2024

Vì đâu bờ biển Đà Nẵng xói lở, xâm thực nặng nề?

DTVN 08:48 17/01/2021

Được vinh danh là một trong những bãi biển du lịch đẹp nhất Việt Nam thế nhưng biển Đà Nẵng đang ngày càng bị thu hẹp bởi tình trạng sạt lở nghiêm trọng.

Xói lở bờ biển ngày càng phức tạp

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng, đoạn bờ biển ở phía Đông (giáp với Biển Đông) của TP, dọc theo tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa trên địa bàn hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn có chiều dài khoảng 16 km được cấu tạo bởi thành phần là cát bở rời. Trong thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng xói lở xảy ra tại một số vị trí trên đoạn bờ biển này.

Bờ biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn xói lở nghiêm trọng từ cuối tháng 12/2020. (Ảnh: Tấn Việt)

Qua kiểm tra thực tế, Sở TN&MT Đà Nẵng ghi nhận có 6 khu vực bị xói lở, cụ thể: Khu vực bãi biển đối diện ngã ba đường Hồ Thấu với Võ Nguyên Giáp; khu vực bãi biển phía sau dãy nhà hàng Phước Mỹ 2 đến nhà hàng Mỹ Hạnh; Khu vực bãi biển từ ngã ba Võ Văn Kiệt đến trướckKhách sạn Grand Tourane; khu vực bãi biển từ Bãi tắm số 9 đến trước khách sạn Mường Thanh; khu vực bãi biển Ngã ba Võ Nguyên Giáp – Hoàng Kế Viêm (trước khách sạn Holiday); và khu vực bãi tắm Sơn Thủy.

Theo Sở TN&MT Đà Nẵng, hiện tượng này cũng đã xuất hiện trong các năm 2017 và 2018, và tiếp tục xảy ra trong thời gian từ cuối tháng 12/2020 đến đầu tháng 1/2021.

Đâu là nguyên nhân?

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo CAND, ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.Đà Nẵng cho biết, từ kết quả khảo sát, kết hợp với các dữ liệu trong một đề tài đang nghiên cứu trong những năm qua cho thấy: Xói lở tại khu vực bờ biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa thường xuất hiện vào những ngày có thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh hoạt động mạnh gây sóng to, gió mạnh và nước dâng trong bão, trùng với thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa Đông Bắc ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển Đà Nẵng.

Đến mùa khô, tức là mùa hoạt động của gió mùa Tây Nam, thì bãi cát được bồi trở lại. Khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 hàng năm thì các bãi cát dọc theo bờ biển đạt chiều rộng lớn nhất. Do đó, bờ biển Đà Nẵng đến thời điểm hiện nay tuy xuất hiện hiện tượng xói lở nhưng vẫn tương đối ổn định.

Ông Chương cũng cho hay, tại các khu vực bị xói lở, nước biển có xu hướng xói sâu vào bãi biển, hình thành các vũng xoáy, ăn sâu vào bãi cát, thường xuyên bị dịch chuyển theo thời gian.

Những năm gần đây, mức độ tác động của xói lở bờ biển khu vực Miền Trung có xu hướng tăng lên và phức tạp hơn cùng với xu thế gia tăng tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, gây ảnh hưởng đến hình thái bãi biển, hư hại nhỏ cho một số công trình tại khu vực ven biển.

“Từ những khảo sát thực tế trong thời gian qua tích hợp với nghiên cứu của Chi cục Biển và hải đảo, chúng tôi nhận thấy năm nào gió mùa Đông Bắc càng nhiều, càng kéo dài thì hiện tượng xói lở càng mạnh. Năm nay hiện tượng này xảy ra trùng với khoảng thời gian có 3 đợt không khí lạnh kéo dài. Tất nhiên các bộ ngành trung ương cũng như thành phố đang tiến hành nghiên cứu chuyên sâu để đưa ra kết luận khoa học, phục vụ cho các phương án khắc phục bền vững. Đây mới là kết quả của một khảo sát của Sở”, ông Chương cho hay.

Trong khi đó, trao đổi với PLO, TS Nguyễn Thị Minh Phương (Trưởng Khoa môi trường và công nghệ hóa - ĐH Duy Tân) lại chỉ ra một nguyên nhân quan trọng khác khiến bờ biển Đà Nẵng mất dần. Đó là tình trạng khai thác nước ngầm quá mức ở ven biển mà “thủ phạm” chính là các công trình cao tầng.

Nhiều năm nghiên cứu tài nguyên nước, bà Phương chỉ rõ trong các giáo trình giảng dạy của mình rằng trước đây chỉ cần đào sâu xuống đất ven biển Đà Nẵng 1,2 m là đã thấy nước ngầm. Tuy nhiên, hiện nay nước ngầm tại đây đang cạn dần.

Bà Phương nêu ví dụ, một móng công trình ven biển rộng khoảng 500 m2, mỗi ngày đêm bơm hút ra cống 200 m3 nước. Những móng công trình này thường được thi công cả năm nên lượng nước ngầm mất đi là rất lớn. Chưa kể trong quá trình xây dựng, các nhà thầu khoan giếng hút nước ngầm tại chỗ để thi công.

“Nước ngầm ven biển mất đi làm sụt lún cát, từ đó xâm thực nhanh và nặng nề hơn. Khảo sát của chúng tôi cho thấy đoạn biển xói lở hiện nay trùng khớp với đoạn có nhiều công trình cao tầng nhất ở bên trong. Nếu cứ như vậy thì tương lai tuyến đường ven biển tại đây liệu có còn không?” - bà Phương cảnh báo.

Từ đó, bà Phương cho rằng Đà Nẵng cần dừng ngay các hoạt động làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, trong đó có việc hạn chế tối đa bê tông hóa ven biển cho đến khi nguồn nước phục hồi. TP cũng phải tính toán sự thâm nhập của nước mặn, tốc độ xói lở và quy mô xói lở để đưa ra giải pháp.

11 resort năm sao xây dựng sát biển

Thống kê từ Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho hay ven biển phía đông TP hiện có 11 resort năm sao cùng nhiều resort khác đang xây dựng sát biển, tạo thành bức tường chắn dọc theo cung đường Võ Nguyên Giáp - Trường Sa. Có thể kể đến những cái tên nổi bật như Furama, Crowne Plaza, Olalani, Hyatt Regency… Cùng với đó là hàng trăm khách sạn cao tầng khác ngay phía trong.

Sở TN&MT cũng cho biết đang hoàn chỉnh hồ sơ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển TP.Đà Nẵng. “Việc tuân thủ lập hành lang bảo vệ bờ biển với một khoảng cách được xác định khoa học sẽ giúp giảm thiểu và thích ứng với các tác động của xói lở bờ biển, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nhờ đó, Đà Nẵng sẽ hạn chế thiệt hại đến tài sản và cơ sở hạ tầng tại vùng bờ biển, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và phòng, chống thiên tai” - Sở TN&MT cho hay.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/vi-dau-bo-bien-da-nang-xoi-lo-xam-thuc-nang-ne-52522.html

Bạn đang đọc bài viết Vì đâu bờ biển Đà Nẵng xói lở, xâm thực nặng nề? tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước