Theo thống kê từ cơ quan quản lý chứng khoán, kết thúc tháng 4/2022, thị trường chứng khoán trong nước đã ghi nhận mức giảm ở hầu hết chỉ tiêu, từ điểm số thị trường, vốn hóa cho tới thanh khoản giao dịch.
Tính đến ngày 29/4/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.366,8 điểm, giảm 8,4% so với cuối tháng trước và giảm 8,8% so với cuối năm 2021. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 365,83 điểm, giảm 18,6% so với cuối tháng trước và giảm 22,8% so với cuối năm 2021.
Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM ngày 29/4/2022 đạt 7,166 triệu tỷ đồng, giảm 7,7% so với cuối năm 2021, tương đương 85,3% GDP. Về quy mô giao dịch, trong tháng 4/2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 26.299 tỷ đồng/phiên, giảm 19% so với tháng trước.
Tuy nhiên, nếu tính chung từ đầu năm tới nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 29.924 tỷ đồng/phiên, tăng 12,5% so với bình quân năm trước.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước giảm mạnh chỉ trong thời gian ngắn, Bộ Tài chính cho biết từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ thực hiện và rà soát vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật chứng khoán, các Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thi hành trong lĩnh vực liên quan.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho biết sẽ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán được chấp thuận trên cơ sở kế hoạch đã được điều chỉnh. Trường hợp xác định có vi phạm trên cơ sở kết quả giám sát, cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm.
Để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, Bộ Tài chính sẽ thực hiện giám sát chặt chẽ các giao dịch có dấu hiệu bất thường, phối hợp với các Sở Giao dịch để đánh giá, phân tích, tiến hành kiểm tra đối với các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định.
Ngoài ra, cơ quan quản lý chứng khoán cũng sẽ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra với cả các doanh nghiệp kiểm toán doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng. Đặc biệt chú ý đối với các doanh nghiệp có khách hàng có báo cáo tài chính sai lệnh hoặc có nhiều sai sót.
Đồng thời, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu không có tài sản bảo đảm; tiếp tục triển khai Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo đúng lộ trình và quy định...
Cũng trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về một loạt nghị định sửa đổi liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu. Trong đó bao gồm, Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2018 quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán; Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ báo cáo Chính phủ Nghị định về phát hành công cụ nợ của Chính phủ; Nghị định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp; Nghị định sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng đầu tư nhà nước