Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Hàng giả trên sàn thương mại điện tử - ‘lỗ hổng’ xói mòn nguồn thu thuế

VIETQ 16:24 16/05/2022

Hiện nay, khả năng thất thu ngân sách Nhà nước từ thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử đang hiện hữu khi các cơ quan quản lý rất khó giám sát và thu thập thông tin trong mua bán kinh doanh trực

Khả năng thất thu nguồn thuế lớn

Như Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã thông tin trong bài viết đầu tiên: “Nhận diện vấn nạn hàng giả trên sàn thương mại điện tử: Tẩu tán hàng ‘nhanh như chớp’”, cho thấy các đối tượng vi phạm sử dụng thủ đoạn ngày càng được “nâng cấp” để qua mắt cơ quan chức năng, gây "thiệt hại đơn, thiệt hại kép" cho cả phía Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hàng giả, hàng nhái làm xấu môi trường kinh doanh, méo mó sự cạnh tranh, hình ảnh doanh nghiệp, đất nước, thui chột tính hấp dẫn, sức sáng tạo và tổn hại sức khỏe, kinh tế cho người tiêu dùng. Đồng thời, mối nguy rất lớn nữa phải kể đến đó là khả năng thất thu thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử đang hiện hữu khi các cơ quan quản lý rất khó giám sát và thu thập thông tin trong mua bán kinh doanh trực tuyến.

Tình trạng hàng giả, nhái lộng hành trên sàn thương mại điện tử dẫn đến xói mòn nguồn thu thuế. Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tính riêng năm 2021, lực lượng Quản lý Thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phát hiện hơn 3.000 trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua thương mại điện tử. Trong vòng 2 - 3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử có thể chiếm 50 - 60% tổng hình thức gian lận thương mại.

Cũng trong năm 2021, số thuế thu được từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook... là 1.314 tỷ đồng, trong đó số thu từ một số tập đoàn lớn như Facebook được 521 tỷ đồng; Google 490 tỷ đồng; Microsoft 164 tỷ đồng.

Riêng số thu từ cá nhân tự kê khai, số thuế truy thu, tiền phạt qua thanh tra kiểm tra đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại các trang mạng xã hội nước ngoài Google, Facebook, Youtube, Apple... tính đến hết tháng 10/2021 là 498 tỷ đồng.

Dư địa thu thuế từ thương mại điện tử

Với tốc độ phát triển thương mại điện tử 2 con số, dư địa thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử được nhận định là rất lớn, cùng với đó là bài toán chống thất thu ngân sách Nhà nước.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý thuế thương mại điện tử hiện nay là việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế nhất là khi họ không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định.

PGS. TS. Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính cho biết, với sự đa dạng về phương thức, việc kiểm soát hoạt động thanh toán thương mại điện tử là rất khó khăn. “Thêm vào đó, ngay cả khi xác định có luồng tiền từ một chủ thể này sang chủ thể khác cũng chưa thể khẳng định đó là hoạt động thanh toán cho giao dịch thương mại điện tử, bởi lẽ có hàng trăm lý do để các chủ thể chuyển tiền cho nhau…”, Chuyên gia này dẫn chứng.

Ngoài ra, nếu chủ thể kinh doanh thương mại điện tử cố tình gian lận thuế và sử dụng phương thức thanh toán trả tiền mặt khi giao hàng (COD), thì việc kiểm soát luồng tiền để xác định giao dịch thương mại điện tử càng trở nên khó khăn.

Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cũng cho rằng, tình trạng hàng giả, nhái lộng hành dẫn đến xói mòn nguồn thu thuế: “Hàng lậu thường đi kèm trốn thuế. Không phải ngẫu nhiên chúng ta đang có những cải cách để thu thuế tốt hơn qua các giao dịch thương mại điện tử”.

Hiện nay, đất nước đang chuyển sang mô hình phát triển kinh tế dựa trên sự sáng tạo, giảm phụ thuộc vào năng suất hay sức lao động. Do đó, nếu không hạn chế được vấn đề này, khát vọng, mong mỏi của Việt Nam khó mà đạt được khi đất nước thiếu người sáng tạo.

Ngoài ra, về trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ, ông Vũ Anh, Giám đốc chiến lược sàn thương mại điện tử Vỏ Sò đánh giá, việc cố gắng mở rộng quy mô, số lượng người bán của sàn khiến các khâu kiểm soát, xác minh hàng hóa chưa được chặt chẽ, từ đó nảy sinh nhiều vấn đề nhức nhối. Song song, tiêu chuẩn chất lượng của một sản phẩm cũng chưa được chú trọng, đảm bảo khiến người cuối cùng chịu thiệt thòi chính là người tiêu dùng.

Thời gian qua, hàng loạt vụ việc liên quan hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, trốn thuế... đã được cơ quan chức năng vạch trần, tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng vẫn còn nhiều lỗ hổng trong quản lý khiến cho tình trạng này tồn tại, thậm chí biến tướng đa dạng hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích trong bài viết tiếp theo!

Link gốc : https://vietq.vn/bai-2-hang-gia-tren-san-thuong-mai-dien-tu-%E2%80%98lo-hong%E2%80%99-xoi-mon-nguon-thu-thue-d200249.html

Bạn đang đọc bài viết Hàng giả trên sàn thương mại điện tử - ‘lỗ hổng’ xói mòn nguồn thu thuế tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước