Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ khi sân bay Thọ Xuân được đưa vào khai thác dân dụng, tốc độ phát triển vận tải trong những năm qua liên tục tăng cao cả về lượng hành khách và hàng hóa (khoảng 17,5%) vượt xa so với dự báo trước đây.
Trong khi đó, quy hoạch Cảng hàng không Thọ Xuân được duyệt tại quyết định 116 năm 2013 và điều chỉnh tại quyết định 3912 năm 2014 cách đây đã 5 năm. Do đó, cần phải rà soát để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay và phù hợp với quyết định 236 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo tờ trình của Cục Hàng không, sân bay Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế cấp 4E, có thể khai thác các máy bay B787-9, A350-900 và tương đương trở xuống. Công suất khai thác sau khi nâng cấp là 5 triệu khách và 25.000 tấn hàng hóa mỗi năm.
Ngày 5/2/2013, chuyến bay đầu tiên giữa TP. HCM và Thanh Hóa đã hạ cánh xuống Cảng hàng không Thọ Xuân, đánh dấu thời kỳ phát triển mới của sân bay hỗn hợp quân sự - dân dụng. Sản lượng hành khách thông qua Cảng hàng không Thọ Xuân tăng theo từng năm.
Đến tháng 12/2019, sân bay Thọ Xuân đón hành khách thứ 1 triệu trong năm. Đó là mốc cho thấy tốc độ phát triển vận tải tăng cao, vượt xa các dự báo.
Hiện, sân bay khai thác các chuyến bay nội địa với tần suất khoảng 22 lượt cất hạ cánh mỗi ngày. Vào dịp Tết, tần suất khai thác mới chỉ đạt 50 lượt cất hạ cánh mỗi ngày nhưng đã khiến nhà ga thường xuyên quá tải.
Năm 2013, sản lượng hành khách thông qua Cảng hàng không Thọ Xuân đạt 90.929 lượt khách; năm 2014 đạt 160.270 lượt khách... và đến ngày 10/12/2019 đã có 1 triệu hành khách thông qua Cảng hàng không Thọ Xuân trong năm 2019. Sau gần 7 năm đi vào khai thác, tổng sản lượng hành khách thông qua Cảng hàng không Thọ Xuân đạt 4,5 triệu lượt.
Định hướng đến năm 2050, sân bay Thọ Xuân sẽ được nghiên cứu xây dựng đồng bộ khu hàng không dân dụng mới tại khu vực phía bắc khi có nhu cầu. Tổng công suất các công trình phía bắc đạt khoảng 20 triệu khách mỗi năm.
Khu vực phía Nam sẽ được tiếp tục sử dụng và các công trình cung cấp dịch vụ sẽ được tính toán để chuyển dần sang khu vực phía Bắc khi cần phải tăng công suất để đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển của cảng.
Việt Nam hiện có 22 cảng hàng không nhưng trong đó chỉ có 10 sân bay quốc tế gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cát Bi, Vinh, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cần Thơ, Phú Bài, Phú Quốc, Vân Đồn.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ