UBND tỉnh Cao Bằng vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bổ sung dự án Sân bay Cao Bằng vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết, do điều kiện tự nhiên của Cao Bằng không cho phép hoặc chưa được đầu tư các loại hình giao thông khác nên hiện tại địa phương này mới chỉ có duy nhất loại hình giao thông đường bộ.
Hiện tại địa phương này mới chỉ có duy nhất loại hình giao thông đường bộ. |
Do đó, theo Quy hoạch phát triển GTVT Cao Bằng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Sân bay Cao Bằng đã được xác định tại vị trí cách TP Cao Bằng 13km về phía Đông Nam. Sân bay Cao Bằng sẽ được khai thác ở cả 2 mục đích quân sự và dân sự, vừa phục vụ chính sách dân tộc, du lịch, nhu cầu đi lại của người dân vừa đảm bảo an ninh quốc phòng biên giới phía Bắc.
Bộ GTVT ghi nhận đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng và trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. “Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu, đánh giá, đề xuất phát triển một số cảng hàng không mới cho phù hợp”, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.
Trong thời gian vừa qua, tỉnh này đã nhiều lần đề xuất dự án đầu tư sân bay Cao Bằng với các bộ, ngành Trung ương với vai trò là sân bay nội địa dùng chung giữa dân dụng và quốc phòng.
Ông Hoàng Xuân Ánh khẳng định, việc đầu tư xây dựng sân bay Cao Bằng là bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển KT - XH, giữ vững trật tự an ninh biên giới của tỉnh Cao Bằng.
Trong Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 1/2009, sân bay Cao Bằng đã từng được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2020 và xây dựng thành cảng hàng không giai đoạn 2030.
Tuy nhiên, tại Quyết định số 236/QĐ – TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không, đã không có danh mục đầu tư sân bay Cao Bằng trong quy hoạch. Do đó, tỉnh Cao Bằng chưa có cơ sở lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và triển khai các bước tiếp theo.
Khu vực miền Bắc gồm 10 sân bay gồm 5 sân bay quốc tế (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh) và 5 sân bay quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới); Khu vực miền Trung gồm 8 sân bay gồm 4 sân bay (Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai) và 4 sân bay quốc nội (Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hoà). Khu vực miền Nam có 10 sân bay gồm 4 sân bay quốc tế (Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Long Thành) và 6 sân bay quốc nội (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Phan Thiết, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau). |
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ