Theo thông tin từ Cục Thuế TP Hà Nội, hiện nay, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh mẽ, đáp ứng xu thế của thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh theo hình thức này cũng làm phát sinh các vấn đề trong quản lý nhà nước nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng.
Thời gian qua, cơ quan thuế Hà Nội đã nghiên cứu, phân loại ra các nhóm để triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế lĩnh vực thương mại điện tử.
Qua đó, cơ quan này đã lập được danh sách của 47 tổ chức với số tiền 78,6 tỷ đồng (gồm các doanh nghiệp kê khai nộp thuế GTGT, TNDN), và 526 cá nhân với số tiền 291,3 tỷ đồng phát sinh từ Google, Apple Store, YouTube... trên tại địa bàn thành phố.
Dựa vào danh sách này, Cục Thuế thành phố đã phân loại và mời các cá nhân có doanh thu trên 1 tỷ đồng đến cơ quan thuế để hướng dẫn, kê khai nghĩa vụ thuế.
Hiện tại, Cục Thuế Hà Nội đã hướng dẫn đăng ký, kê khai và nộp thuế với 33 cá nhân có phát sinh doanh thu lớn với số tiền dự kiến thu được khoảng 11 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Cục Thuế thành phố cho biết còn một cá nhân có doanh thu 80 tỷ đồng từ các hoạt động này, đang được cơ quan quản lý hỗ trợ để thực hiện nghĩa vụ về thuế.
Trong trường hợp cá nhân này không thực hiện đúng nghĩ vụ thuế, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Được biết, thời gian gần đây, tại TP.HCM, Cục Thuế TP cũng đã truy thu 1,5 tỷ đồng đối với một cá nhân tại địa phương đã làm và đăng tải nhiều clip trên Youtube, có thu nhập 19 tỷ đồng nhưng lại không đóng thuế.
Sự việc được phát hiện khi Cục này đề nghị các ngân hàng hợp tác trong việc kiểm tra dòng tiền từ Google, Facebook... được chuyển về Việt Nam.
Khi làm việc với Cục Thuế TP.HCM, cá nhân trên thừa nhận chưa thực hiện nghĩa vụ về thuế đối với khoản thu nhập từ nước ngoài.
Bán hàng trên Facebook phải đóng thuế
Cùng với việc quản lý và truy thu thuế với cá nhân có doanh thu từ Google và YouTube, Cục Thuế Hà Nội đã thu thập thông tin, rà soát để phát hiện các trường hợp cá nhân có nhà cho thuê thông qua các đơn vị trung gian như AirBnB, Booking.com, Agoda, Luxstay…
Theo đó, Cục Thuế sẽ xác minh trực tiếp địa chỉ nhà cho thuê đang đăng kí qua các ứng dụng lưu trú để xác định doanh thu của cá nhân và tiến hành thu thuế GTGT, TNCN theo quy định.
Hiện tại, cơ quan này đã yêu cầu 483 địa chỉ cá nhân có nhà cho thuê theo hình thức thương mại điện tử tới kê khai và nộp hơn 10 tỷ đồng tiền thuế.
Đối với cá nhân kinh doanh qua Facebook, từ năm 2017, Cục Thuế TP Hà Nội đã hướng dẫn, hỗ trợ người kinh doanh tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế.
Cơ quan quản lý đã tiến hành rà soát trên 13.000 tài khoản Facebook có các hoạt động kinh doanh bán hàng qua mạng. Sau khi xác minh được thông tin của chủ tài khoản, Cục Thuế thành phố đã gửi thông tin về đăng ký thuế, kê khai nộp thuế cho các cá nhân (3 lần).
Qua đó, Cục Thuế Hà Nội đã phân loại được 2.000 cá nhân có hoạt động kinh doanh qua mạng theo từng đối tượng, tình trạng hoạt động, xác định được trên 1.000 chủ tài khoản phải thực hiện đăng ký và kê khai thuế.
Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh sàn giao dịch điện tử, Cục Thuế TP Hà Nội đã thu thập thông tin của các cá nhân kinh doanh qua các sàn này. Trong đó, cơ quan quản lý đã mời 57 cá nhân có doanh thu bán hàng 600 tỷ đồng lên để kê khai nộp thuế theo quy định.
Mộc Diệp (T.H)/ SHTT