Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) có trụ sở tại Geneva vừa công bố số liệu mới nhất về số lượng bằng sáng chế quốc tế kỷ lục đã được nộp vào năm 2021. Theo số liệu thống kê của WIPO, Thụy Sỹ được xếp ở vị trí thứ tám trong bảng xếp hạng bằng sáng chế hàng năm do WIPO công bố.
Cũng theo WIPO, một kỷ lục 277.500 bằng sáng chế quốc tế đã được nộp vào năm 2021 - tăng 0,9% so với năm 2020. Châu Á chiếm hầu hết các đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế (54,1%), trong đó Trung Quốc giữ vị trí đầu bảng với 69.540 hồ sơ. Mỹ vẫn ở vị trí thứ hai trong năm ngoái, với 59.570 hồ sơ, tiếp theo là Nhật Bản (50.260), Hàn Quốc (20.678) và Đức (17.322).
Đây là năm thứ 5 liên tiếp, tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei Technologies có trụ sở tại Trung Quốc đứng đầu bảng với 6.952 đơn đăng ký bằng sáng chế. Tiếp theo là công ty Qualcomm của Mỹ (3.931), Samsung Electronics của Hàn Quốc (3.041) và LG Electronics (2.855) và Mitsubishi Electric Corp của Nhật Bản (2.673).
Công nghệ máy tính chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các đơn xin cấp bằng sáng chế, tiếp theo là công nghệ truyền thông kỹ thuật số và công nghệ y tế. Lĩnh vực dược phẩm ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất đối với hồ sơ tăng 12,8%), tiếp theo là công nghệ sinh học tăng 9,5%.
Ảnh minh hoạ
Thụy Sỹ dù đứng ở vị trí thứ tám nhưng tổng số bằng sáng chế được nộp (5.386) lại tăng 6% so với năm 2020. Hãng dược phẩm khổng lồ của Thụy Sỹ, Novartis đã trượt từ vị trí thứ nhất xuống vị trí thứ năm về số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế (94) được đăng ký vào năm 2021.
Oréal của Pháp đứng đầu bảng xếp hạng, tiếp theo là ADP Gauselmann, Glaxo Group và Huawei Technologies. Thụy Sỹ đã đăng ký tổng cộng 3.832 nhãn hiệu quốc tế vào năm ngoái, xếp thứ sáu về tổng thể.
Hệ thống nộp hồ sơ thương hiệu toàn cầu của WIPO (Hệ thống Madrid cho Đăng ký Quốc tế về Nhãn hiệu) và thiết kế (Hệ thống La Hay cho Đăng ký Quốc tế Kiểu dáng Công nghiệp), được sử dụng để bảo vệ và quảng bá thương hiệu cũng như giao diện của các sản phẩm.
Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang khẳng định: "Những con số này cho thấy sự khéo léo và tinh thần kinh doanh của con người vẫn mạnh mẽ bất chấp những gián đoạn do đại dịch gây ra".
Hoạt động nộp đơn sở hữu trí tuệ đã phát triển trong thời kỳ đại dịch toàn cầu, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới giảm vào năm 2020. Hoạt động đổi mới và hoạt động toàn cầu hóa ngày càng trở thành trọng tâm của nhiều doanh nghiệp và là cam kết dài hạn.
Các hồ sơ đăng ký nhãn hiệu của Hệ thống Madrid, phản ánh các hoạt động kinh doanh mới và việc tạo ra các thương hiệu, đã giảm xuống vào đỉnh điểm của đại dịch vào năm 2020 nhưng đã phục hồi trở lại vào năm 2021 với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các hồ sơ có nguồn gốc từ Pháp, Đức, Vương quốc Anh và Mỹ.
Sự hấp thụ mạnh mẽ của các nhãn hiệu quốc tế trong năm 2021 cho thấy cách các công ty nắm bắt cơ hội giới thiệu hàng hóa và dịch vụ mới khi nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi và quá trình số hóa các nền kinh tế được đẩy mạnh trong bối cảnh đại dịch.
Các dịch vụ sở hữu trí tuệ toàn cầu của WIPO giúp các doanh nghiệp địa phương vươn ra toàn cầu bằng cách quảng bá doanh nghiệp của họ ra nước ngoài dễ dàng và rẻ hơn.
Mặc dù các hạn chế liên quan đến COVID-19 đã khiến con người và gia đình xa cách nhau, nhưng nó không thể ngăn chặn phong trào toàn thế giới về ý tưởng mới, sản phẩm sáng tạo và dịch vụ mới.