Theo một nguồn tin, Malta đã ra thông báo cấm tiêu thụ mì tôm chua cay Hảo Hảo vì có khả năng chứa Ethylene Oxide từ ngày 19/8, trước Ireland (ngày 20/8).
Cụ thể, ngày 19/8, Ban Giám sát Sức khoẻ Cộng đồng (Bộ Y tế Malta) phát đi thông báo: “Theo Quy định EC số 178/2002 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu, Ban Giám sát Sức khoẻ Cộng đồng, Bộ Y tế Malta mong muốn thông báo cho công chúng biết rằng, sản phẩm dưới đây không được tiêu thụ vì có khả năng chứa Ethylene oxide”.
Theo đó, sản phẩm là mì ăn liền Hảo Hảo hương vị tôm chua cay, trọng lượng: 77g và hạn sử dụng là ngày 24/9/2022.
Ethylene Oxide là một loại thuốc trừ sâu không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở EU, nhưng được các nước khác ngoài EU chấp thuận sử dụng.
Mặc dù việc tiêu thụ sản phẩm bị ô nhiễm không gây nguy hiểm ngay lập tức cho sức khỏe, nhưng sẽ có nguy cơ gia tăng nếu tiếp tục tiêu thụ thực phẩm có hóa chất trong một thời gian dài. Do đó, việc tiếp xúc với ethylene oxide cần được giảm thiểu càng nhiều càng tốt.
Việc thu hồi này cũng phù hợp với cách tiếp cận chung mà các Quốc gia Thành viên đã đồng ý tại https://ec.europa.eu/food/syst...;
Để biết thêm thông tin, công chúng có thể liên hệ với Bộ phận Thanh tra Y tế từ 8 giờ sáng đến 2 giờ 30 chiều qua số điện thoại 21337333 hoặc email [email protected]”.
Điều đáng nói, trong thông cáo báo chí phát đi ngày 28/8, chủ sở hữu 2 sản phẩm bị cấm bán gồm mì Hảo Hảo chua và miến Good – Ace Cook Việt Nam vẫn khẳng định, sự việc chỉ xảy ra ở Ireland.
Acecook Việt Nam cho biết: “Theo thông tin từ Cơ quan quản lý thực phẩm Ireland, đã thu hồi lô hàng sản phẩm xuất khẩu của Acecook Việt Nam do liên quan đến chất Ethylene Oxide. Cụ thể là miến Good, hương vị sườn heo, loại 56gr, ngày sản xuất 10/5/2021. Mì Hảo Hảo, hương vị tôm chua cay, loại 77gr, ngày sản xuất 24/3/2021”.
Doanh nghiệp này khẳng định: Hai sản phẩm nói trên là sản phẩm xuất khẩu, dành riêng cho thị trường Châu Âu, không phải sản phẩm nội địa. Chúng tôi xin cam kết tất cả các sản phẩm đang lưu hành tại thị trường Việt Nam đều tuân thủ Quy định và Pháp luật Việt Nam, đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng”.
Ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Acecook Việt Nam thông tin, công ty đang xuất khẩu cho 40 nước và vấn đề báo chí đưa tin xảy ra ở Ireland.
Trên Báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Hữu Tường Quân, Bộ phận PR - Văn phòng Acecook Việt Nam cho biết: “Chỉ có Ireland mới gặp vấn đề này thôi. Các nước khác vẫn bình thường. Chẳng hạn như Hảo Hảo đang được bán ở Nhật bình thường. Các nước khó khăn như Mỹ, Nhật vẫn bán. Tại cái này theo quy định của từng nước thôi. Mình chơi nước nào mình phải chấp nhận luật của nước đó”.
Nhiều người dân đặt câu hỏi, liệu ngoài Malta và Ireland, còn bao nhiêu quốc gia khác đã đang và sẽ cấm các sản phẩm của Acecook do nghi nhiễm chất cấm này?
Chị Nguyễn Thị Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) đặt câu hỏi: "Tại sao Acecook không chủ động thông tin đến người tiêu dùng. Phải đến khi báo chí đăng tải họ mới lên tiếng giải thích. Chúng tôi tiếp tục chờ lời giải thích của họ về việc mì Hảo Hảo bị cấm ở Malta".
Trước đó, ngày 27/8, đồng loạt các cơ quan báo chí đăng tải thông tin sản phầm mì tôm chua cay Hảo Hảo và miến Good của Acecook Việt Nam bị Ireland “cấm cửa” vì phát hiện có chứa Ethylene Oxide – thành phần thuốc trừ sâu.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên các sản phẩm ăn liền do công ty Acecook Việt Nam sản xuất bị thu hồi. Tháng 12/2020, hãng tin Hàn Quốc Yonhap News cho biết Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) cùng cơ quan chức năng đã thu hồi và xử lý sản phẩm phở bò ăn liền Peacook của Acecook do chứa hàm lượng Benzopyrene vượt quá giá trị tiêu chuẩn trong dầu hương liệu.
Vậy Ethylene Oxide là chất khiến các nước châu Âu mạnh tay “cấm cửa” như vậy?
Ethylene oxide (hay còn gọi là oxiran và epoxit) là một hợp chất hữu cơ có công thức hóa học C2H4O, thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy.
Tại châu Âu, Ethylene oxide được xếp nhóm các sản phẩm thuốc trừ sâu, bị cấm dùng trong thực phẩm bán ra do có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài.
Theo FSAI (Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland), việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm Ethylene Oxide tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng có thể gây ung thư nếu sử dụng thường xuyên trong thời gian dài. Cụ thể, chất này khi bị nhiễm vào cơ thể sẽ làm rối loạn cấu trúc của đại phân tử protein và ADN, từ đó tạo nên chất gây ung thư cơ bản.
Ngày 28/8, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, ngay sau khi có thông tin báo chí phản ánh, đã đề nghị Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất và sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 2 sản phẩm này để đánh giá sự xuất hiện chất Ethylene Oxide.
Bộ này cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Acecook Việt Nam phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất và các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Công ty cổ phần Acecook Việt Nam - chủ sở hữu của thương hiệu Mì Hảo Hảo, miến Good được thành lập tại TP. HCM từ cuối năm 1993 và mang quốc tịch Việt Nam, nhưng bản chất là một doanh nghiệp FDI. Tổng giám đốc hiện tại của Acecook Việt Nam là ông Kajiwara Junichi.
Tiền thân của doanh nghiệp này là Công ty liên doanh Vifon Acecook, kết quả hợp tác theo tỷ lệ góp vốn 60:40 giữa nhà đầu tư Nhật Bản Acecook Co., Ltd và đối tác Việt Nam, là Công ty kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) – doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, khi ấy trực thuộc Bộ Công nghiệp.
Từ lâu, mì Hảo Hảo đã được xem như một “thương hiệu quốc dân” của Việt Nam, hằng năm đem lại doanh thu “khủng” cho Acecook Việt Nam.
Doanh nghiệp này đều đặn kiếm cả nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm. Con số năm sau cao hơn năm trước, tăng trưởng một cách bền vững.
Điều này không khó hiểu, bởi Việt Nam là nước có sức tiêu thu mì tôm luôn đứng trong top đầu thế giới. Thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA) cho thấy, thị trường châu Á có sức tiêu thụ lớn nhất, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) chiếm 56,45% tổng tiêu thụ toàn cầu năm 2020; thứ hai là Đông Nam Á với 5 thị trường tiêu thụ chính gồm Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Malaysia, chiếm 25,24%.
Cũng theo thống kê này, Việt Nam ăn mì tôm nhiều thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc, vượt Ấn Độ. Trong top các nhà sản xuất và chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường mì ăn liền toàn cầu có tên Acecook Việt Nam.