Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Ô tô nội có được tái giảm 50% phí trước bạ?

DOANH NHÂN VN 07:14 27/08/2021

Công ty cổ phần Thành Công Motor Việt Nam vừa văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tái áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Phí trước bạ là loại phí do địa phương chịu trách nhiệm thu dựa trên điều kiện của địa phương, chính vì vậy hiện có sự khác nhau giữa Hà Nội và cả nước. Nếu Chính phủ đồng ý giảm 50% phí trước bạ sẽ có khoảng trên 30 mẫu xe lắp ráp trong nước được hưởng mức ưu đãi này.

Ôtô nội đối diện với thách thức về tài chính

Tiếp theo câu chuyện về lệ phí trước bạ khi các nhà nhập khẩu xe đòi hỏi được giảm 50% phí trước bạ thì mới đây Công ty cổ phần Thành Công Motor Việt Nam cũng đã gửi văn bản kiến nghị tái áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đến Thủ tướng Chính phủ.

Theo TC Motor: “Thị trường ô tô 6 tháng đầu năm 2020 chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng với hơn 35%, đây là mức sụt giảm thấp nhất trong vòng 05 năm trở lại đây. Sang tới nửa đầu 2021, thị trường có tăng trưởng nhẹ nhưng chỉ mang tính chất ngắn hạn”.

Thị trường 6 tháng đầu năm có tăng nhưng vẫn âm 24% so với 6 tháng liền kề trước đó (tính riêng xe du lịch). Phân khúc xe khách/xe buýt bị tác động nghiêm trọng nhất khi 06 tháng đầu năm 2020 đã giảm gần 80% so với cùng kỳ 2019.

Một vấn đề khác hiện nay là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất linh kiện ô tô trên khắp thế giới vẫn tiếp tục đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh, sản xuất đình trệ và việc hạn chế giao thương giữa các quốc gia. Các lệnh đóng cửa thường xuyên được ban hành đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp linh kiện sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước.

Dịch bệnh cũng khiến tài chính của người tiêu dùng sụt giảm, tâm lý tích trữ tiết kiệm gia tăng. Người tiêu dùng chuyển hướng sang quan tâm đến các mặt hàng thiết yếu nhiều hơn là ô tô.

Đầu tháng 8, UBND tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng cho phép gia hạn chương trình ưu đãi thuế đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước cho giai đoạn từ sau năm 2022.

Đồng thời, cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian phù hợp, tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô nội địa. Ngoài các chính sách ngắn hạn, cần phải có biện pháp dài hạn để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước.

Được biết, trong năm 2020, nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đối với ngành sản xuất ô tô trong nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP, theo đó quy định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020. Nghị định này đã hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021. Ước tính của Bộ Tài chính, tổng số lệ phí ước giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 3.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi tổng kết việc thực hiện Nghị định số 70/2020/NĐ-CP, nhờ việc giảm 50% phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng cuối năm, số thuế, phí của doanh nghiệp ôtô đóng góp vào ngân sách tăng khoảng 11.200 tỷ đồng. Có thể thấy chính sách đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, kích thích nhu cầu mua xe ô tô của các tổ chức, cá nhân; đồng thời góp phần ổn định nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tại Việt Nam, ngành Công nghiệp ô tô có đóng góp trung bình khoảng 3% GPD, doanh số ngành đạt gần 400.000 xe/năm, chưa tương xứng với năng lực sản xuất và nhu cầu phát triển thị trường công nghiệp ô tô trong nước.

Nhưng với cơ hội của một nền kinh tế 100 triệu dân, Việt Nam có đủ động lực để phát triển một ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất, lắp ráp ô tô lớn mạnh với năng lực tương tự, thậm chí là lớn hơn nước phát triển nhất trong khu vực hiện nay là Thái Lan.

Để đạt được mục tiêu đó, ngành Công nghiệp ô tô cần có những hỗ trợ trước mắt và ngắn hạn từ Chính phủ để có đủ động lực khôi phục lại thị trường. Một trong những hỗ trợ được được đề xuất áp dụng là tiếp tục hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ tới ít nhất hết năm 2021.

Việc áp dụng giảm lệ phí trước bạ có thể gây ảnh hưởng tới thu ngân sách, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách vẫn đang bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh. Nhưng báo cáo của Tổng Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ngày 28/6 đến 31/12/2020 đã giúp thu ngân sách tăng hơn 11.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó riêng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng tăng hơn 8.200 tỷ đồng, phí và lệ phí trước bạ tăng hơn 3.000 tỷ đồng.

Từ các dữ liệu này, các nhà sản xuất xe cho rằng giảm trước bạ vừa tạo ra lợi thế cho ngành Công nghiệp ô tô trong nước, vừa có thể đảm bảo thu ngân sách.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2020, Chính phủ nước này đã quyết định miễn toàn bộ thuế bán hàng với xe lắp ráp trong nước. Trước đó mức thuế này được xác định bằng 10% (tương đương với mức phí trước bạ ở Việt Nam) với giá bán xe.

Kết quả doanh số bán xe trong năm 2020 của nước này vẫn duy trì được con số tổng cộng 529.434 xe. Tới tháng 6/2021, số xe lượng xe đã được đăng ký mới ở nước này đạt 249.129 xe, đạt gần 50% tổng doanh số 2020. Chương trình giảm thuế của Malaysia sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm 2021.

Ôtô nào sẽ giảm giá sâu?

Nếu Chính phủ quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô lắp ráp trong nước, nhiều người cho rằng có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp giá xe lắp ráp trong nước giảm sâu, người mua xe được hưởng nhiều ưu đãi.

Cụ thể, ở phân khúc sedan hạng B hoặc C, hiện các mẫu lắp ráp trong nước như Toyota Vios, Honda City, Hyundai Accent, Kia Cerato, Mazda 3… là những dòng xe được ưa chuộng, bán rất chạy. Nếu được giảm 50% lệ phí trước bạ thì đó là tín hiệu rất đáng mừng cho người mua xe trong thời gian tới.

Đối với xe Toyota Vios, nếu mua bản 1.5G CVT có giá khoảng 580 triệu đồng, mà được giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ chỉ phải đóng 34,8 triệu đồng (hiện đang phải đóng 69,6 triệu đồng).

Các dòng xe như Mazda CX5, Hyundai SantaFe, Ford Ecosport, Hyundai Kona, Toyota Innova - nếu được "tiếp sức" bởi chính sách thuế phí mới cũng sẽ nhanh chóng nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh doanh số bán hàng.

Ở phân khúc SUV, các dòng xe như Toyota Fortuner (bản lắp ráp trong nước), Mazda CX8, VinFast LuxSA2.0, nếu có các mức ưu đãi chính sách thuế phí sẽ giúp các loại xe này cạnh tranh tốt trên thị trường, tăng doanh số bán.

Đối với một mẫu xe hạng sang lắp ráp tại Việt Nam như Mercedes-Benz E300 AMG có giá bán khoảng 2,92 tỉ đồng, nếu được giảm 50% lệ phí trước bạ, đăng ký tại Hà Nội thì chủ xe sẽ chỉ phải bỏ ra số tiền lệ phí trước bạ 175,2 triệu đồng, thay vì 350,4 triệu đồng như hiện nay.

Nếu trong cùng một phân khúc, với mức giá ngang nhau (mọi yếu tố không thay đổi như hãng, đại lý giảm giá, giảm chiết khấu xe bán ra) so với xe nhập ngoại, lợi thế của xe lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ tương đương với tỉ lệ giảm giá tiền từ vài chục triệu hoặc hàng trăm triệu đồng/chiếc, đây là số tiền đủ để người tiêu dùng cân nhắc, lựa chọn thiệt hơn.

Như vậy, việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được kỳ vọng sẽ giảm giá mua ôtô khi đến tay người tiêu dùng và kích cầu tiêu thụ các sản phẩm nội địa trong bối cảnh thị trường ảm đạm bởi dịch COVID-19.

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/oto-noi-co-duoc-tai-giam-50-phi-truoc-ba-36888.html

Bạn đang đọc bài viết Ô tô nội có được tái giảm 50% phí trước bạ? tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước