Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để đảm bảo nhu cầu dân sinh, nhiều cửa hàng bán nhu yếu phẩm trên địa bàn TP Hà Nội đã có những đổi mới mô hình trong tình hình mới, nhằm tạo thuận tiện cho việc kinh doanh cũng như đáp ứng yêu cầu giãn cách xã hội.
Hiện, tại Hà Nội có một chuỗi “Cửa hàng không người bán” trong đó, chủ yếu là các mặt hàng rau, củ, quả các loại... được đóng gói với giá niêm yết dán bên ngoài, người mua tự lựa chọn và trả tiền. Cửa hàng “3 không” (không người bán - không tiếp xúc - không giám sát) nhằm hạn chế việc trao đổi tiền mặt, đề cao sự trung thực rất được người dân ủng hộ trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Khởi phát của mô hình cửa hàng này tại phố Đại Linh (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) là một gian hàng được thiết kế đơn giản, khoảng 10m2, có đầy đủ rau, củ, quả… đều đồng giá 10 ngàn/1 sản phẩm. Tất cả những người dân khi đến đây tuỳ chọn sản phẩm mình cần mua và tự động bỏ tiền vào hộp. Nếu những người khi đến đây lấy đồ, không có tiền có thể được nợ và đến trả sau.
Theo anh Bùi Văn Tiến – người quản lý hệ thống chuỗi cửa hàng này, mô hình cửa hàng không người bán không phải mới mà từ quan sát, học hỏi khi anh còn làm việc bên Nhật Bản. Theo anh Tiến, mô hình này đề cao tính trung thực, sự tử tế của nhân viên từ khâu đóng gói, bày bán, kiểm soát thu chi, kiểm đếm hàng hóa... đặc biệt trong bối cảnh các cửa hàng phải giảm số lượng nhân viên lẫn phòng, chống dịch COVID-19.
"Người dân rất trung thực, ý thức cao khi mua hàng. Tỉ lệ thất thoát gần như bằng 0 mặc dù mình thông báo ai khó khăn thực sự cứ lấy về dùng, khi nào hết dịch tính sau. Để tiện cho người dân, mình chia thành từng hộp 10.000 đồng cà rốt, khoai tây…
"Hiện "Cửa hàng giãn cách không người bán" chủ yếu để giúp đỡ người dân, không quan tâm đến doanh thu và lợi nhuận. Chính vì vậy, người dân khó khăn có thể tới lấy hàng mà không cần trả tiền, nếu khi nào đỡ khó khăn thì trả tiền sau cũng được...", quản lý hệ thống cửa hàng cho biết.
Rau củ được nhập ngay tại hợp tác xã rau địa phương để đảm bảo sự tươi ngon. Gian hàng mở từ 7h - 8h sáng do phụ thuộc thời gian nhận hàng và bày bán. Cửa hàng chỉ đóng cửa vào 21h tối để phục vụ người dân đi làm về muộn.
Mô hình lạ mà quen này được khởi sinh trong mùa dịch ngay tức khắc tạo hiệu ứng tốt, được rất đông người dân đồng tình và ủng hộ.
“Tôi nghĩ đây là mô hình bán hàng tốt, đặc biệt phù hợp trong thời điểm đại dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp, người dân có thể chủ động mua hàng mà vẫn đảm bảo 5K theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước. Tôi rất ủng hộ và hi vọng sẽ có nhiều cửa hàng như thế này, vừa bình ổn giá, vừa tiện lợi, giảm gánh nặng cho các siêu thị và chợ dân sinh”, anh Nguyễn Văn Minh (nhà ở phố Đại Linh cho biết.
Còn chị Đàm Tâm cũng cho hay, ban đầu khá lạ lẫm và còn bỡ ngỡ, thậm chí, có chút ngờ vực về cửa hàng này, tuy nhiên, chị cũng mạnh dạn tới thử một lần, cảm nhận chất lượng hàng hóa hóa tươi ngon, phù hợp giá tiền và đặc biệt, đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả.
Hiện mô hình cửa hàng này đang được nhân rộng và tiếp tục mở rộng tại nhiều tuyến phố khác phục vụ nhu cầu dân sinh của người dân.
Cùng thời điểm này, phát huy tính hiệu quả của hệ thống “siêu thị mini 0 đồng” đang được triển khai thí điểm ở một số địa điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Hà Nội yêu cầu mỗi LĐLĐ quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành, Công đoàn Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội tổ chức ít nhất 1 “Siêu thị 0 đồng” tại những nơi tập trung đông công nhân lao động hoặc bố trí ít nhất 1 “Chuyến xe Siêu thị 0 đồng” thường trực hằng ngày để kịp thời tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động.