Hà Nội, Thứ Ba Ngày 16/04/2024

[Bài 2] TS Trần Khắc Tâm: “Vaccine ngân hàng” là “cứu cánh” để doanh nghiệp sinh tồn

DTVN 22:30 23/08/2021

Theo TS Trần Khắc Tâm, trong thời điểm hiện tại, “vaccine ngân hàng” là một trong những “toa thuốc” quan trọng để doanh nghiệp có thể sinh tồn và vượt qua khó khăn.

4 "cơn bão" COVID-19 liên tiếp ập đến gây ra vô số khó khăn cho các doanh nghiệp Việt. Nhiều doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, hoặc “đóng băng” trong khi đó vẫn phải trả lãi ngân hàng và đối diện với các khoản vay sắp đến hạn.

Những ngày qua, rất nhiều doanh nghiệp kiến nghị lên Thủ tướng về việc ngân hàng giảm lãi suất, cơ cấu lại các khoản nợ để “giải cứu” họ vượt qua thời điểm “ngàn cân treo sợ tóc”.

Về vấn đề này, Tạp chí Doanh nhân Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Kinh tế Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Ông Tâm cũng đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Trần Liên Hưng Sóc Trăng.

-Trải qua 4 “cơn bão” COVID-19 liên tiếp, doanh nghiệp của ông hiện đang hoạt động như thế nào?

-Doanh nghiệp của tôi là doanh nghiệp nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Khó khăn phải đối mặt cũng giống như rất nhiều doanh nghiệp khác trên cả nước.

Trong thời gian thực hiện giãn cách, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng không thiết yếu như công ty tôi gần như không có doanh thu. Bởi chúng tôi phải đóng cửa hoàn toàn theo chỉ thị của Chính phủ và yêu cầu của cơ quan chức năng. Nói chung, đây là thời điểm vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp.

Trước đây, nhiều người nói rằng đợt dịch COVID-19 lần 1, 2 là “thuốc thử” cho sức khỏe, sự thích ứng của doanh nghiệp. Nhưng đến lúc này, nó không còn là “thuốc thử” nữa. Nó đã cuốn phăng đi thành quả bao nhiêu năm gầy dựng, sự nghiệp và cơ đồ của nhiều người. Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, trên thế giới và cả ở Việt Nam, hàng triệu doanh nghiệp phải giải thể. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ đâu, nhiều công ty được coi là “ông lớn, đại gia” trước đây cũng lao đao, khốn đốn vì dịch.

-Ngừng sản xuất, “đóng băng” kinh doanh, lãi ngân hàng vẫn phải trả, các khoản nợ sắp đến hạn, mất công nhân …đó có phải là nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp?

-Đúng vậy. Lãi suất ngân hàng, các khoản nợ đến hạn chính là nỗi lo rất lớn của các doanh nghiệp. Nếu không trả đúng hạn sẽ thành nợ xấu, rất khó cho việc tái cấp vốn sau này. Còn nếu trả thì không biết lấy đâu ra dòng tiền. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang có cảm giác “ngồi trên đống lửa” vì các khoản nợ ngắn hạn.

Chúng tôi có may mắn là trong giai đoạn này không có phát sinh nợ và không có nợ lãi phải trả. Công việc của tôi trong giai đoạn giãn cách là động viên nhân viên, người lao động trong công ty chấp hành nghiêm cách quy định phòng, chống dịch của Nhà nước, giữ gìn sức khoẻ để ngay khi kết thúc thời điểm giãn cách thì quay lại với công việc.

Quan điểm của tôi là “chống dịch như chống giặc”. Đất nước đang muôn bề khó khăn, đối với tôi thì tình hình của công ty như vậy là măn mắn hơn nhiều công ty khác. Tận dụng khoảng thời gian “tĩnh lặng” này, tôi đọc sách, suy ngẫm, tìm tòi ý tưởng cho các giải pháp kinh doanh trong tương lai.

-Thời gian qua, các doanh nghiệp liên tiếp lên tiếng đề xuất việc giảm lãi suất, giãn nợ vì COVID-19. Quan điểm của ông về đề xuất của các doanh nghiệp như thế nào? Có cần thiết trong thời điểm này?

- Tôi hoàn toàn đồng ý và cho rằng đó là những giải pháp cần thiết. Chúng ta đều biết diễn biến dịch bệnh, đặc biệt là tại TP.HCM – đầu tàu kinh tế của cả nước và các tỉnh phía Nam rất nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề và lâu dài đối với một số lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng đầu năm nay có tới 79.673 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020 (năm 2020 là năm chúng ta đã rất khó khăn rồi). Riêng TP.Hồ Chí Minh đã có hơn 23.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Có lẽ là tôi không cần phải nói thêm về hiện trạng khó khăn của các doanh nghiệp, bởi con số đã nói lên tất cả.

Hoạt động của doanh nghiệp khó khăn, số lượng lớn doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường sẽ đồng nghĩa với tình trạng gia tăng số nợ xấu, nợ khó đòi của các ngân hàng. Điều này là không thể tránh khỏi.

Nhưng trong lúc này, như lời kêu gọi của Tổng Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta cần sự đồng cam cộng khổ của các bên để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Chúng tôi đọc báo cáo tài chính của các ngân hàng thì thấy rằng phần lớn đều có lợi nhuận tốt trong 6 tháng đầu năm. Do đó tôi cũng tha thiết mong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chính sách phù hợp, các ngân hàng thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách khoanh nợ, hoãn nợ, tái cấp vốn, hạ lãi suất cho vay…, để giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, chờ đợi cơ hội sau giãn cách để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Tôi cho rằng, “vaccine ngân hàng” với các “tác dụng” hạ lãi suất, giãn nợ bây giờ chính là một trong những biện pháp cứu cánh cho doanh nghiệp. Bởi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành đã có nhiều chính sách, chủ trương để hỗ trợ doanh nghiệp như cấp “luồng xanh” trong lưu thông hàng hóa, tiêm vaccine, tìm đầu ra cho sản phẩm…thì bây giờ cộng đồng doanh nghiệp cần được các ngân hàng hỗ trợ nhiều hơn nữa.

Ở một mặt khác, chúng ta thấy rằng doanh nghiệp có khoẻ, có cầm cự được và vượt qua được khó khăn thì hoạt động ngân hàng mới lành mạnh và phát triển tốt được. Các ngân hàng hỗ trợ tốt đội ngũ doanh nghiệp cũng là bảo đảm tương lai của chính mình.

Cũng đáng mừng là trong thời gian qua Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều văn bản về vấn đề này. Gần đây một số ngân hàng thương mại lớn đã tuyên bố có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng biện pháp hạ lãi suất cho vay. Chúng tôi hy vọng các ngân hàng thương mại có nhiều động thái và quyết định mạnh mẽ hơn nữa, vì nhiệm vụ chung là khôi phục kinh tế đất nước trong tương lai gần.

-Ông kỳ vọng gì về việc kiềm chế dịch bệnh trong thời điểm hiện tại?

-Việc kiềm chế dịch bệnh càng sớm sẽ giúp các doanh nghiệp có nhiều hơn cơ hội để tái sản xuất, kinh doanh và phục hồi sức khỏe.

Phải nói là thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, đồng sức, đồng lòng phòng, chống COVID-19. Các quyết sách được Đảng, Nhà nước đưa ra là kịp thời, chính xác để bảo vệ người dân và giúp đỡ các doanh nghiệp duy trì hoạt động.

Chính phủ cũng đã làm hết sức để tiếp cận, mua vaccine từ nước ngoài để thực hiện chiến dịch tiêm ngừa COVID-19. Đó là sự nỗ lực lớn của của cả hệ thống chính trị. Ngoài ra, chúng ta cũng tranh thủ nguồn lực trong nước để sản xuất vaccine hướng đến sự ổn định bền vững và chủ động.

Theo tôi, với sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cộng với việc vaccine ngừa COVID-19 sẽ về sớm, chúng ta sẽ sớm kiềm tỏa, đẩy lùi COVID-19.

-Là chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, ông có đề xuất gì đối với Chính phủ, UBND tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp?

- Trước hết nói về khó khăn. Mô hình “3 tại chỗ” nếu áp dụng trong thời gian ngắn (2 tuần) thì được, nhưng nếu áp dụng thời gian dài sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Do đó, trong thời gian giãn cách, một số doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” chỉ hoạt động cầm chừng, sản xuất với 20-30% công suất. Có doanh nghiệp cả ngàn lao động, nhưng khi thực hiện “3 tại chỗ”, do các yêu cầu phòng dịch nghiêm ngặt, họ chỉ có thể bố trí được 200-250 công nhân làm việc, không đảm bảo hoạt động theo dây chuyền sản xuất. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận lỗ để duy trì sản xuất, giữ đơn hàng.

Khó khăn nhất là khâu lưu thông hàng hoá. Do toàn bộ phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, một số địa phương còn đặt thêm các điều kiện, do đó xe vận tải đi lại rất khó khăn. Áp lực công việc, phải xét nghiệm thường xuyên, phải cách ly…, khiến nhiều tài xế xin nghỉ việc, một số doanh nghiệp vận tải dừng hoạt động. Thời điểm hiện tại, hàng triệu tấn lúa tại khu vực ĐBSCL bị ùn ứ, trong khi nhiều tàu hàng nước ngoài vẫn đợi ở phao số 0 chờ “ăn hàng”; nhiều sản phẩm nông, thuỷ sản khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các bộ, ngành cũng đã từng bước tháo gỡ cho khâu lưu thông hàng hoá bằng cách tạo ra những luồng xanh, quy định mặt hàng thiết yếu được lưu thông. Tuy nhiên, khó khăn chỉ được cải thiện giảm bớt thôi, bởi lái xe vẫn phải thực hiện nhiều thủ tục, vận chuyển sẽ mất thêm thời gian do đó ảnh hưởng đến chất lượng hàng hoá, đồng thời doanh nghiệp phải tăng khá nhiều chi phí.

Đối với Sóc Trăng, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh mà trực tiếp là đồng chí Chủ tịch Trần Văn Lâu, chúng tôi đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương. Về phần tỉnh thì các lãnh đạo rất quan tâm đến tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là khâu lưu thông hàng hoá. Sóc Trăng là một trong những tỉnh sớm nhất cả nước lập danh sách tài xế các công ty vận tải để tiêm vaccine. Tuy nhiên, do tình hình khan hiếm vaccine, Chính phủ ưu tiên nguồn vaccine cho TP.HCM, tỉnh Sóc Trăng được phân bổ rất ít nên chúng tôi vẫn đang phải chờ.

Trong tình hình dịch bệnh như vậy, không có cách nào khác là phải chấp hành nghiêm Chỉ thị 16, bảo vệ sức khoẻ và an toàn cho nhân dân, thực hiện tốt các giải pháp an sinh xã hội. Ông bà ta có câu “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, đối với doanh nghiệp cũng vậy, sau khi tình hình dịch bệnh chuyển biến tốt, chúng tôi lại lao vào sản xuất kinh doanh và nhiều anh em doanh nhân chấp nhận làm lại từ đầu.

Xin cảm ơn ông!

Theo Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/vaccine-ngan-hang-la-cuu-canh-de-doanh-nghiep-sinh-ton-36708.html

Bạn đang đọc bài viết [Bài 2] TS Trần Khắc Tâm: “Vaccine ngân hàng” là “cứu cánh” để doanh nghiệp sinh tồn tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp