Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Bài 1: Doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng đề xuất 5 giải pháp hỗ trợ DN vượt khó thời Covid-19

DOANH NHÂN VIỆT NAM 07:07 23/08/2021

Ông Nguyễn Tiến Thắng, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Sơn quốc tế Mỹ, Ủy viên BCH Trung ương Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chia sẻ 5 sáng kiến, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Lời tòa soạn

Tại Việt Nam, 4 “cơn bão” Covid-19 quét qua khiến nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, phá sản và đứng trên bờ vực phá sản. Theo số liệu từ Bộ KH&ĐT, chỉ trong 7 tháng đầu năm nay có đến gần 80.000 doanh nghiệp dừng hoạt động. Con số này đã nói lên sự khó khăn của các doanh nghiệp thời dịch bệnh.

Nhiều giải pháp đã được Chính phủ đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc” như vậy, các doanh nghiệp cho rằng họ cần đến “vaccine ngân hàng”. Đó là việc giảm lãi suất, hoãn, giãn nợ.

Tạp chí Doanh nhân Việt Nam xin đăng tải tuyến bài về góc nhìn của chủ các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, tài chính, các ngân hàng về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chúng ta hoàn toàn có thể thấy, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và kéo dài chưa có chính xác thời điểm kết thúc. Có lẽ, các quốc gia trên thế giới và người dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải sống chung với đại dịch.

Năm 2020 qua đi đã để lại những thiệt hại vô cùng to lớn cho những lĩnh vực như du lịch, lưu trú, nhà hàng, dịch vụ….Minh chứng cho điều đó là chỉ trong 7 tháng đầu năm 2021 đã có trên 79,7 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động tăng 25,5% so với cùng kì 2020.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng tiến hành khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trên 87% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. Các lĩnh vực như dệt may, truyền thông, bất động sản, xây dựng, sản xuất thiết bị điện, xe có động cơ, giáo dục, lao động, bán lẻ, điện tử, du lịch,... bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Đa số doanh nghiệp cho biết dịch Covid -19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, đến dòng tiền và nhân công của họ.

Theo tôi, để hỗ trợ được doanh nghiệp tiếp tục tồn tại và vượt qua khó khăn cần 5 giải pháp.

Thứ nhất, đảm bảo chuỗi cung ứng được hoạt động một cách liên tục.

Chuỗi sản xuất luôn bắt đầu từ các công ty sản xuất, nhập khẩu nguyên vật liệu. Đầu ra của công ty A là đầu vào của công ty B .... chuỗi sản xuất kéo dài cho đến tay người tiêu dùng cuối. Thay vì quy định sản xuất bắt buộc 3 tại chỗ, test covid cho người lao động thì cần khẩn trương tiêm vaccine cho người lao động.

Doanh nghiệp đồng ý với chính phủ là vaccine là miễn phí, là an sinh xã hội và phân bổ theo quy định của Chính phủ, nhưng có lẽ doanh nghiệp không thể chờ đợi lâu hơn được nữa. Vậy những doanh nghiệp thực sự cần hoạt động cần vaccine sẵn sàng tự chi trả chi phí tiêm.

Cụ thể là vaccine là Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, cho người lao động nhưng doanh nghiệp nào thực sự cần hoạt động và hoạt động đó có lợi cho nền kinh tế thì doanh nghiệp đăng kí xin ưu tiên tiêm cho doanh nghiệp mình và trả phí dịch vụ tiêm vaccine.

Bộ KHĐT và Bộ Y tế có thể thành lập một tiểu ban “vaccine doanh nghiệp”. Thực tế là trong các khu công nghiệp cũng có doanh nghiệp sản xuất được tiêm vaccine nhưng còn vô vàn các doanh nghiệp nhỏ khác nữa. Ví dụ doanh nghiệp làm về dịch vụ máy văn phòng, các doanh nghiệp này dù nhỏ dù không trực tiếp sản xuất nhưng rất quan trọng. Giờ máy tính hỏng, máy in hết mực, máy chiếu cháy bóng hình không biết gọi ai để sửa. Các doanh nghiệp kiểu này thậm chí còn không được ra đường chứ đừng nói là tiêm vaccine. Họ cũng như bao người dân khác cũng có thể đăng kí tiêm vaccine online qua cổng dịch vụ công về tiêm chủng nhưng để đến lượt họ chắc cũng lâu lắm.

Thứ hai, tạo mọi điều kiện cho chuỗi tiêu thụ cũng được hoạt động trở lại.

Để sản xuất được hàng hóa thì cũng cần phải có đối tượng tiêu thụ. Đối tượng này không trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp nhưng lại là nhân tố đóng góp quan trọng nhất cho quá trình tiêu thụ sản phẩm đảm bảo doanh số doanh thu cho doanh nghiệp. Cũng cần có chính sách vaccine cho các đối tượng này sớm. Các thành phần kinh tế này có thể được hiểu rất rộng như:

-Chuỗi siêu thị điện máy

-Cửa hàng vật liệu xây dựng, điện nước

-Cửa hàng quần áo, may mặc

-Cửa hàng kim khí, máy móc công cụ công nghiệp

-Thợ xây, thợ cơ khí....

-Lao động tự do là lao động chính trong 1 gia đình....

Thứ ba, cơ cấu lại các khoản vay đến hạn cho doanh nghiệp

Các doanh nghiệp đang có dư nợ tín dụng với các tổ chức ngân hàng là các doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm và có uy tín, có tài sản đảm bảo với các tổ chức ngân hàng. Nhóm các doanh nghiệp này bao gồm rất nhiều các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và rất ít các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thực trạng là doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa lại là những doanh nghiệp vay tiền ngân hàng nhiều nhất để hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp rất đông nhưng lại chưa tiếp cận được nguồn vốn của các ngân hàng do uy tín và doanh thu, tài sản chưa có nhiều.

Trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, các doanh nghiệp có dư nợ và dư nợ lớn với các ngân hàng đang rất khó khăn trong việc trả nợ đến hạn, trả lãi cho ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có các chính sách điều chỉnh lãi suất, cơ cấu lại khoản vay trung dài hạn nhưng hoàn toàn chưa có chính sách cơ cấu các khoản vay ngắn hạn (các khoản vay có thời hạn dưới 1 năm).

Dịch bệnh ảnh hưởng đến doanh thu là đương nhiên nhưng chính sách phòng dịch cần thiết như phong tỏa, giãn cách, hạn chế đi lại đã là một “cú bồi” cho doanh nghiệp đã khó càng thêm khó. Doanh nghiệp không thể có doanh thu, doanh số, không thể sản xuất được hàng hóa, không thể tiêu thụ và vận chuyển hàng hóa như bình thường thì làm sao có tiền xoay vòng để đến hạn trả gốc và lãi cho các tổ chức tín dụng. Dòng tiền ngắn hạn là huyết mạch của doanh nghiệp, vậy mà giờ đây huyết mạch bị đóng băng bị phong tỏa.

Các ngân hàng cũng hoàn toàn không muốn xử lý nợ xấu của doanh nghiệp theo các quy định tài chính vì doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, trả nợ trả lãi tốt thì ngân hàng cũng mới có lãi. Doanh nghiệp nợ xấu mất uy tín tín dụng là điều tối kị cho doanh nghiệp. Đây là thực tế khách quan rất mong ngân hàng nhà nước sớm có quyết định khai thông bế tắc này cho doanh nghiệp và cả các ngân hàng.

Thứ tư, tăng tín dụng, tái cấp vốn cho doanh nghiệp

Trải qua gần 2 năm dịch bệnh thực sự doanh nghiệp đã kiệt quệ. Doanh nghiệp cũng đã hi sinh trực tiếp đóng góp cho an sinh xã hội trong việc cố gắng vận hành doanh nghiệp, trả lương, đóng bảo hiểm... trong giai đoạn cực kì khó khăn này. Doanh nghiệp thực sự đáng thương. Doanh nghiệp rất cần sự đồng cảm chia sẻ hơn nữa nhằm bơm tiền cho nền kinh tế thông qua hình thức tăng tín dụng cho doanh nghiệp đang có các khoản vay với ngân hàng rồi, tái cấp vốn cho doanh nghiệp đang bị dừng hoạt động do dịch bệnh làm thiếu vốn, mất vốn.

Thứ năm, thành lập cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch

Hiện nay rất nhiều thông tin doanh nghiệp cần tra cứu liên quan đến đáp ứng các vấn đề phòng dịch, các điều kiện về hoạt động sản xuất trong mùa dịch đều rất khó tra cứu và thường các thông tin bị rời rạc không tập trung, thiếu tính thống nhất và không có sự thuân lợi cho doanh nghiệp trong vấn đề tra cứu để làm đúng hướng dẫn. Không có sự tương tác giải đáp thắc mắc kịp thời cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp luôn rơi vào trạng thái bị động, chạy theo quy định, nhưng quy định thì lại chưa có hướng dẫn, chưa có biểu mẫu nhiều quy định, công văn thông báo hôm trước hôm sau thu hồi khiến doanh nghiệp lao đao, tốn kém chi phí vô cùng mà không biết kêu ai không biết bắt đền ai.

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/5-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-vuot-kho-thoi-covid-19-36743.html

Bạn đang đọc bài viết Bài 1: Doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng đề xuất 5 giải pháp hỗ trợ DN vượt khó thời Covid-19 tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn