Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Phó Thủ tướng yêu cầu đảm bảo thị trường ổn định, không để xảy ra “sốt đất”

DOANH NHÂN VN 20:22 27/08/2021

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Xây dựng trong thời gian tới cần theo dõi diễn biến của thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, không để tái diễn "sốt đất"

Ngày 24/8, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý II.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công Thương chủ động nghiên cứu một số giải pháp nhằm giám sát, bình ổn giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, cát xây dựng...

Ngoài ra, yêu cầu Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến của thị trường bất động sản, tránh khả năng tăng nóng cục bộ giá bất động sản trong các tháng còn lại của năm khi dịch bệnh được kiểm soát và dòng vốn tập trung vào thị trường bất động sản tăng. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.

Về phía Bộ Tài nguyên môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi); chỉ đại, hướng dẫn các địa phương khẩn trương lập, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật; thẩm định, trình Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện quy định về tính toán giá đất, về chuyển nhượng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân xây dựng nhà ở…không để chuyển nhượng trái pháp luật, sai mục đích. Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cung cấp đầy đủ, kịp thời, minh bạch về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lộ trình triển khai các dự án; phát hiện và xử lý triệt để các đối tượng đưa tin sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã có báo cáo thị trường bất động sản quý II/2021 cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thị trường bất động sản vẫn cơ bản ổn định. Nhiều cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản đã được ban hành, tháo gỡ khó khăn để tăng nguồn cung cấp cho thị trường bất động sản.

Bộ Xây dựng khẳng định thị trường bất động sản, lượng giao dịch, giá giao dịch các loại hình bất động sản có biến động nhưng cơ bản vẫn ổn định, không rơi vào tình trạng “đóng băng” hay “sốt nóng”. Hiện tượng tăng giá cục bộ đất nền tại các địa phương đã kịp thời được kiểm soát.

Trong khi đó, Ngân hàng nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục thắt chặt hơn đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay kinh doanh chứng khoán trong 6 tháng đầu năm 2021.

Theo Ngân hàng nhà nước, tính đến tháng 4/2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đạt khoảng 1,85 triệu tỉ đồng, tăng 3% so với tháng 12/2020. Dù đây là con số không lớn, tuy nhiên tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế là 9,46 triệu tỉ đồng, trong đó cho vay bất động sản là 1,8 triệu tỉ đồng, chiếm 19%.

Bên cạnh đó, từ cuối năm 2020, hoạt động mua bán sáp nhập cũng liên tục được các ông lớn bất động sản đẩy mạnh, xu hướng gom đất không chỉ xuất hiện ở phân khúc nhà ở mà cả bất động sản công nghiệp, khách sạn, nghỉ dưỡng.

Hiệp hội Bất động sản TP.CM (HoREA) mới đây đã có văn bản gửi đến Ngân hàng nhà nước (NHNN) góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo kiến nghị của HoREA, sau hơn một năm rưỡi đồng hành với Nhà nước trong phòng, chống đại dịch COVID-19 và nỗ lực chống chịu để tự cứu mình, cho đến nay hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức, thậm chí có một số doanh nghiệp lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt, nguồn lực bị bào mòn, có nguy cơ bị phá sản, nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận thấy, lĩnh vực bất động sản đóng góp khoảng 7-8% GDP cả nước và có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác nhau và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động. Do vậy, Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt qua cơn bão đại dịch COVID-19 lần này, để tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.

Theo Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, trong gần hai năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp hỗ trợ khá hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu như các doanh nghiệp bất động sản chưa được các ngân hàng xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro.

Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng (doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân) và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 đến ngày 30/06/2022 (do Thông tư 03/2021/TT-NHNN chỉ quy định kéo dài đến 31/12/2021), nhất là việc xem xét cho khách hàng được vay vốn mới, sẽ hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, giúp giảm chi phí vốn vay, giảm chi phí đầu vào, được tiếp cận các khoản vay mới, để có thêm thời gian dần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/yeu-cau-dam-bao-thi-truong-on-dinh-khong-de-xay-ra-sot-dat-36926.html

Bạn đang đọc bài viết Phó Thủ tướng yêu cầu đảm bảo thị trường ổn định, không để xảy ra “sốt đất” tại chuyên mục Tin tức bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức bộ ngành