Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

HTX Chiến Công bị Thanh tra Chính phủ 'bêu tên' tại dự án mỏ mangan – sắt Phú Tiến

ĐTVN 10:12 23/07/2021

Tại dự án khai thác mỏ mangan - sắt Phú Tiến, Thanh tra Chính phủ khẳng định việc Hợp tác xã Chiến Công chưa hoàn thành các công trình về bảo vệ môi trường theo cam kết nhưng đã hoạt động.

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra số 1113/TB-TTCP về công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 – 2018. Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã “điểm mặt” hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong việc khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh này.

Trong đó có nhắc đến dự án Dự án khai thác mỏ mangan – sắt Phú Tiến (xã Phú Tiến, huyện Định Hóa) của Hợp tác xã Chiến Công.

Vi phạm môi trường

Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc cấp phép khai thác khoáng sản Dự án khai thác mỏ mangan – sắt Phú Tiến theo quy định tại khoản 1 điều 61 Nghị định 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ là phù hợp.

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ tại dự án khai thác mỏ mangan - sắt Phú Tiến, việc Hợp tác xã Chiến Công chưa hoàn thành các công trình về bảo vệ môi trường theo cam kết nhưng đã tiến hành hoạt động khai thác là vi phạm Điều 26 và 27 Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29/11/2005; Điều 26 và Điều 27 Luật Bảo vệ Môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng xác định, đơn giá thuê đất 5 năm theo hợp đồng đã hết hạn từ 2016 cũng chưa được điều chỉnh lại theo quy định.

Doanh nghiệp nợ đọng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là gần 1 tỉ đồng; thuế tài nguyên là 461 triệu đồng; phí bảo vệ môi trường là 160 triệu đồng; tiền ký quỹ phục hồi môi trường là 633 triệu đồng. “Trách nhiệm thuộc Sở TN&MT, Cục thuế, Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2011- 2018 và Hợp tác xã Chiến Công”, Kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, các vi phạm liên quan đến lĩnh vực môi trường trở thành nỗi bức xúc của dư luận.

Theo Luật sư Hùng, đối với các mỏ khai thác khoáng sản, việc vi phạm liên quan đến công tác bảo vệ môi trường xảy ra rất nhiều. Đó có thể là việc xả thải khi khai thác, chưa đánh giá tác động môi trường, không có kế hoạch bảo vệ môi trường, thậm chí là thiếu quỹ bảo vệ, phục hồi môi trường… Điều này cho thấy việc cam kết bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp hiện nay có vấn đề.

Luật sư này nhận định, để xảy ra tình trạng này có hai nguyên nhân. Thứ nhất là việc chấp hành các quy định, Luật Bảo vệ Môi trường của các doanh nghiệp không tốt. Thậm chí có doanh nghiệp biết sai nhưng vẫn làm hòng qua mắt cơ quan chức năng. Thứ hai, luật, các quy định đã có đầy đủ nhưng việc kiểm tra và xử lý của chính quyền địa phương có vấn đề, chưa thực hiện đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra rất rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT và các cá nhân liên quan. Dư luận đang chờ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên.

“Lợi ích từ việc khai thác khoáng sản quá lớn nên nhiều doanh nghiệp dám đánh đổi để vi phạm. Họ chấp nhận bị xử phạt và nộp phạt. Đây là điều đáng lo ngại”, Luật sư Hùng chia sẻ.

Dính nhiều lùm xùm

Theo Báo Xây dựng, tại báo cáo của Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên, căn cứ biên bản đối chiếu số liệu tháng 5/2018, tính đến 31/3/2018 HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công còn nợ các khoản thuế phí lên đến gần 200 tỷ đồng. Cụ thể: Nợ thuế thu nhập DN: 2,28 tỷ đồng; nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: 33,6 tỷ đồng; nợ thuế tài nguyên: 18,285 tỷ đồng; nợ thuế phi nông nghiệp 105 triệu đồng; nợ thuế Giá trị gia tăng: 8,6 tỷ đồng; nợ phí bảo vệ môi trường 18,66 tỷ đồng; nợ tiền thuê đất: 60 tỷ đồng; nợ tiền nộp chậm khoảng 48 tỷ đồng…

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công có trụ sở chính đóng tại tỉnh Thái Nguyên, tiền thân là tổ hợp tác kim khí, được thành lập từ năm 1993. Chiến Công từng được biết đến là một DN có những thành công trong lĩnh vực thăm dò, khai khoáng và luyện kim không chỉ của tỉnh Thái Nguyên mà còn ở nhiều tỉnh phía Bắc với các mỏ khai thác khoáng sản, các nhà máy luyện Fero silico mangan ở Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang và tại hai tỉnh XiengKhuang, Huaphanh của nước bạn Lào.

Tuy nhiên, những câu chuyện đàm tiếu về “Chiến khởi” cũng xuất hiện khá lâu theo “sự phát triển” ngoạn mục của HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công. Kèm theo đó là những nụ cười ra nước mắt khi các ngân hàng luôn trong tình trạng lo sợ ông chủ của DN này “ốm” hơn là người thân nằm viện.

Chẳng hạn, tính đến hết ngày 25/9/2017 tổng dư nợ của HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công tại VietinBank là 93,5 tỷ đồng (nợ gốc) và hơn 59,1 tỷ đồng (lãi cộng dồn và lãi phạt); tổng cộng nợ vay chưa trả của DN này là hơn 152,7 tỷ đồng.

Theo Nam Ninh/Sở Hữu Trí Tuệ và Sáng Tạo

Bạn đang đọc bài viết HTX Chiến Công bị Thanh tra Chính phủ 'bêu tên' tại dự án mỏ mangan – sắt Phú Tiến tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước