Trả lời Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, chủ đầu tư dự án Wyndham Lynn Times Thanh Thủy (Wyndham Thanh Thủy) chưa được cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản tại địa bàn huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Sau thời gian dài bị chậm tiến độ, dự án Wyndham Thanh Thủy hiện đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng ở các hạng mục bao gồm căn hộ khách sạn, codotel, penthouse, shophouse….
Wyndham Thanh Thủy được chủ đầu tư quảng cáo là dự án khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao tọa lạc tại xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Cùng với đó, dự án cũng được quảng cáo là xây dựng ngay tại khu mỏ khoáng nóng Thanh Thủy, thích hợp vừa nghỉ dưỡng vừa chăm sóc sức khỏe, cân bằng cuộc sống. Hoạt động quảng cáo của chủ đầu tư cũng nhấn mạnh rằng, khi mua các căn hộ tại đây, khách hàng sẽ được sử dụng nguồn nước khoáng nóng tự nhiên được khai thác từ trong lòng đất.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là dự án đã có giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản để có thể tiến hành các hoạt động khai thác nguồn nước khoáng như những lời quảng cáo hay không?
Trả lời Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, ông Lại Hồng Thanh khẳng định, chủ đầu tư dự án Wyndham Thanh Thủy là Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Onsen Fuji (Công ty Onsen Fuji) không có giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản tại địa bàn xây dựng.
“Bộ chỉ cấp phép giấy phép hoạt động thăm dò khoáng sản từ năm 2019 cho Công ty Sơn Hải, thời hạn thăm dò là 36 tháng”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thông tin.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi thêm với phóng viên, ông Đỗ Cảnh Dương – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho rằng, theo quy định của luật khoáng sản, tất cả các dự án liên quan đến khai thác khoáng sản đều có giấy phép về hoạt động khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.
Theo ông Đỗ Cảnh Dương, dự án của Wyndham Lynn Times Thanh Thủy nếu có các hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng cũng cần phải tuân thủ theo Luật Khoáng sản. “Nước khoáng ở trong lòng đất, dù được tái tạo nhưng không phải chỗ nào cũng có khoáng sản và có công suất lớn. Ví dụ ở những chỗ có khe nứt hay dập vỡ thì thể tích nước khoáng ở khu vực đó sẽ không lớn. Vì vậy cần có các đánh giá tổng thể về công suất tối đa và tối thiểu để có các tính toán cân bằng”, ông Dương nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đỗ Cảnh Dương, khai thác khoáng sản dù là nguồn nước khoáng thì cũng không thể khai thác mãi được, càng không thể khai thác bừa bãi. Với một dự án bất động sản lớn lên đến hàng trăm căn hộ bao gồm nhiều hạng mục thì chủ đầu tư dự án càng có những tính toán xem lượng nước có đáp ứng đủ hay không, trong thời gian bao lâu.
Những thông tin được cung cấp từ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đặt ra những dấu hỏi về tính pháp lý tại dự án Wyndham Thanh Thủy trong các hoạt động quảng bá là dự án khai thác khoáng nóng.
Dù chưa được cấp phép về hoạt động khai thác khoáng sản, Công ty Onsen Fuji vẫn quảng cáo rầm rộ và giới thiệu với khách hàng về việc thăm dò, khai thác khoáng nóng. Theo đó, khách hàng sau khi mua sản phẩm sẽ được sử dụng khoáng nóng khi mua, thuê căn hộ tại khu nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy.
Tháng 2/2021, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã giao giao Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ kiểm tra làm rõ những bất cập liên quan đến các hoạt động quảng cáo sai phạm về khai thác khoáng nóng tại dự án Wyndham Thanh Thủy.
Đoàn kiểm tra đã kiểm tra hoạt động thăm dò nước khoáng nóng của Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Sơn Hải (Công ty Sơn Hải) tại buổi kiểm tra, Công ty Sơn Hải khẳng định không có việc chuyển nhượng Giấy phép thăm dò khoáng sản cho bên nào.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhấn mạnh, qua rà soát tài liệu cho thấy Công ty Onsen Fuji không có giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng trên địa bàn huyện Thanh Thủy do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Tại kết luận này, theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, các hoạt động của Công ty Onsen Fuji trong việc quảng bá, mời chào khách hàng mua dự án là Wyndham Thanh Thủy được xây dựng trong khu vực lõi của mỏ khoáng nước nóng Thanh Thủy và khách hàng mua dự án sẽ được sử dụng nguồn khoáng nóng được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua là không chính xác, gây hiểu lầm đối với khách hàng, dự luận.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Dự án Wyndham Thanh Thủy từng vướng nhiều lùm xùm như việc bị phản ánh khi chưa đủ điều kiện cho phép đã rao bán, có dấu hiệu huy động vốn trái phép vào giai đoạn cuối năm 2019 và đầu 2020.
Theo thông tin trên trang web giới thiệu về dự án Wyndham Thanh Thủy, Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Onsen Fuji có tên chính thức là ONSEN FUJI TRAVEL., JSC, tên quốc tế Onsen Fuji Services Travel Joint Stock Company. Chủ tịch hội đồng quản trị là bà Đặng Thanh Tú.
Trang web này cũng khẳng định, Onsen Fuji đã ký kết hợp tác toàn diện với ngân hàng cổ phần Phương Đông (OCB).
Trong khi đó, Wyndham Group đơn vị ký hợp tác với Onsen Fuji tại dự án Wyndham Thanh Thủy được quảng cáo là một tập đoàn quản lý khách sạn lớn nhất thế giới của Mỹ.
Onsen Fuji có được ưu ái? Chủ đầu tư của dự án - Công ty Onsen Fuji được thành lập vào tháng 10/2018, có trụ sở chính tại số 1 Phạm Huy Thông, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP.Hà Nội. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là dịch vụ đặt chỗ và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch. Như vậy, năm 2019, tại thời điểm được UBND tỉnh Phú Thọ cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án Wyndham Thanh Thủy, Công ty Onsen Fuji mới chỉ có lịch sử ra đời và hoạt động đúng 1 năm với vốn điều lệ ban đầu chỉ có 50 tỉ đồng, không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản. Dự án ban đầu chỉ là khu du lịch tắm bùn, tắm khoáng nóng của Công ty cổ phần dịch vụ Sơn Hải. Sau đó UBND tỉnh Phú Thọ đã có các quyết định điều chỉnh tên dự án thành Khu phố thương mại, dịch vụ tổng hợp và công viên khoáng nóng Wyndham Thanh Thủy, chủ đầu tư mới là Công ty Onsen Fuji. Thời hạn cho thuê đất tại dự án là 50 năm kể từ ngày quyết định giao đất (ngày 5/4/2010). Theo tìm hiểu, dự án Wyndham Thanh Thủy trúng đấu giá đất chỉ hơn 1 triệu đồng/m2 nhưng so với giá thực tại thì dự án đang giao dịch với mức giá gấp 40 lần. Theo đó, một căn liền kề tại dự án này đang có mức giá hơn 4 tỉ đồng. Theo tính toán, mỗi năm Công ty Onsen Fuji chỉ mất khoảng 25.000 đồng/m2 tiền thuê đất. Điều này làm dấy lên nhiều câu hỏi về việc chính quyền địa phương đã quá ưu ái đối với đơn vị này từ việc giao đất đến cấp phép dự án, thậm chí làm ngơ cho những sai phạm của chủ đầu tư Wyndham Thanh Thủy. Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin. |
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường