Liên quan tới khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, ngày 11/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương; bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Phan Chí Dũng nguyên Vụ trưởng vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.
Đối với Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, Cơ quan Cảnh sát điều tra nhận định đây là hành vi có dấu hiệu của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Cao Quốc Hưng được phân công phụ trách Sabeco thay bà Hồ Thị Kim thoa từ ngày 1/8/2016. Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thấy chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Cao Quốc Hưng về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm khắc về mặt kỷ luật Đảng, chính quyền.
Hô biến đất công thành tư nhân
Năm 2018, trước khi mất quyền điều hành về tay công ty của tỉ phú Thái Lan, Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã từng trực tiếp sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng trong hơn hai thập niên.
Nhưng thật lạ lùng, Sabeco lại dễ dàng từ bỏ "món ngon" trị giá hàng ngàn tỷ đồng ở khu đất vàng, khi quyết định bán 26% cổ phần của mình cho ba công ty tư nhân chỉ sau một năm góp vốn.
Cụ thể, tháng 6/2014 từ một văn bản của Bộ Công Thương đồng ý chủ trương lựa chọn nhà đầu tư mới thay thế nhóm nhà đầu tư cũ (xin rút), bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco ở thời điểm đó là ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT, đã ký báo cáo ngày 8/7/2014, đề xuất nhóm nhà đầu tư thành lập CTCP Sabeco Pearl.
Đề xuất đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương lúc bấy giờ là ông Vũ Huy Hoàng chấp thuận. Công ty CP đầu tư Sabeco Pearl được thành lập vào ngày 14/2/2015 với vốn điều lệ khoảng 567 tỷ đồng.
Một điều đặc biệt là, các công ty có liên quan đến ông Ngô Văn An đều có cùng trụ sở tại số 8 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM (Tòa nhà của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Các cổ đông hầu hết là người gốc Hoa, hoặc có quốc tịch Trung Quốc. |
Ngoài Sabeco, bộ ba nhà đầu tư mới gồm Công ty CP Attland, Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An và Công ty CP đầu tư Mê Linh.
Bộ phận quản lý vốn nhà nước của Sabeco đề xuất phương án hợp tác đầu tư với nhóm các nhà đầu tư nói trên bằng cách góp 18% vốn điều lệ bằng tiền mặt, cộng với 8% giá trị được hưởng lợi thế từ khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Theo phương án, Sabeco sẽ được nhận kết quả kinh doanh tương ứng với số vốn góp bằng 26% vốn điều lệ. Các cổ đông còn lại sẽ góp vốn bằng tiền mặt, và nộp tiền sử dụng khu đất khoảng 1.236 tỷ đồng.
Sabeco cũng nói rõ về nguồn vốn của chính mình trong dự án này là "không phải góp vốn đầu tư (dự kiến 3.000 tỷ đồng)". Các cổ đông còn lại cam kết thu xếp nguồn tiền cho việc triển khai dự án. Đặc biệt, Sabeco báo cáo với Bộ Công Thương rằng "Sabeco sẽ chuyển giao quyền sử dụng khu đất cho CTCP (tức Sabeco Pearl) khi được thành lập để khai thác dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng".
Ngày 11/2/2015, hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Sabeco và nhóm các nhà đầu tư chính thức được ký kết.
Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến xấp xỉ 2.423 tỷ đồng. Căn cứ để Sabeco tham gia thành lập Sabeco Pearl được đơn vị này khẳng định "tuân thủ theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, không vi phạm Luật đất đai 2013, không vi phạm nghị định 94/NĐ-CP về đầu tư ngoài ngành".
Đặc biệt, căn cứ hợp đồng cũng được thực hiện dựa trên một loạt nghị định, nghị quyết, công văn của Bộ Công Thương và Sabeco phát hành liên tục từ năm 2013-2015.
Sau khi xin Bộ Công Thương để được thành lập Sabeco Pearl và khẳng định chắc như đinh đóng cột "không vi phạm đầu tư ngoài ngành", chỉ sau đúng một năm thành lập, Sabeco lập tức xin thoái vốn với lý do "tuân theo chỉ đạo không được đầu tư ngoài ngành" một cách đầy mâu thuẫn.
Quá trình này có sự tham gia của cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Bà Hồ Thị Kim Thoa biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được sắp xếp, giao cho Bộ Công Thương, Sabeco quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê, không được thành lập pháp nhân mới.
Thế nhưng, bà Hồ Thị Kim Thoa vẫn báo cáo ông Vũ Huy Hoàng (lúc đó là Bộ trưởng) phê duyệt; đã ký 3 văn bản chấp thuận chủ trương cho Sabeco liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl, lợi dụng việc sắp xếp cơ sở nhà đất của doanh nghiệp Nhà nước, dùng thủ đoạn để dần dần dịch chuyển quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng từ Tổng công ty Sabeco.
Ngay sau khi Công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư và được chuyển quyền sử dụng đất (tháng 6/2015), mặc dù chưa triển khai hoạt động nhưng đến tháng 2/2016, lợi dụng chủ trương thoái vốn của Chính phủ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa đã ký 2 văn bản chỉ đạo Tổng công ty Sabeco thoái 26% vốn góp tại Công ty Sabeco Pearl và phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá là 13.247 đồng/cổ phần.
Tuy nhiên, để thực hiện việc đấu giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã căn cứ vào tham mưu của bị can Phan Chí Dũng (lúc đó là Vụ trưởng vụ công nghiệp nhẹ) ký công văn số 8060/BCT-CNN ngày 30/8/2016, trả lời tổng công ty Sabeco việc thực hiện đấu giá công khai giữa các cổ đông sáng lập của Sabeco Pearl là phù hợp và đề nghị của bộ phận quản lý vốn Nhà nước có ý kiến với HĐQT thực hiện các quy định của pháp luật để phê duyệt kết quả đấu giá theo thẩm quyền, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà nước...
Từ đó, Sabeco có căn cứ phê duyệt kết quả đấu giá và hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần.
Với giá khởi điểm 13.247 đồng/cổ phần, Sabeco đã bán đấu giá 14.733.342 cổ phần cho chính các cổ đông sáng lập, thu về khoảng 196,64 tỷ đồng vào tháng 6/2016, còn khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng lúc này (vì đã chuyển nhượng cho Sabeco Pearl) cũng coi như là đã rơi vào tay tư nhân. Tờ Dân Việt phân tích.
Sau đó, Kiểm toán Nhà nước vào cuộc và đã chỉ ra hàng loạt sai phạm về quản lý, sử dụng vốn của Sabeco, đặc biệt là ở vụ thoái vốn khỏi Sabeco Pearl. Cơ quan kiểm toán kết luận Sabeco đã chuyển nhượng khu đất với mức giá quá rẻ so với giá trị thực.
Bí ẩn tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Theo Nhà đầu tư, 4 cổ đông sáng lập ban đầu của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn Pearl bao gồm: Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An (25,5%) và CTCP Đầu tư Mê Linh sở hữu 25,5%%, Sabeco sở hữu 26% và Công ty Cổ phần Attland sở hữu 23%.
Để xác định giá khởi điểm, công ty mẹ đã thuê 3 doanh nghiệp thẩm định giá trị doanh nghiệp. Gồm: Công ty TNHH Cushman & Wakefield, Công ty TNHH chứng khoán ACB và Công ty Cổ phần tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam, chỉ có Công ty CP tư vấn và thẩm định giá Đông Nam là doanh nghiệp có chức năng và đủ điều kiện thẩm định giá được Bộ tài chính chấp thuận.
Trên cơ sở kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH Cushman & Wakefield là đơn vị đưa ra giá trị doanh nghiệp cao nhất, Công ty mẹ xác định giá khởi điểm là 13.247 đồng/cổ phần, giá trúng đấu giá là 13.347 đồng/cổ phần, đơn vị trúng đấu giá mua toàn bộ cổ phần là Công ty CP Attland (thành viên sáng lập).
Như vậy, đến thời điểm này, Công ty Cổ phần Attland đã sở hữu 49% tại Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Pearl, 51% còn lại được chia đều cho Công ty Hà An và Công ty Mê Linh.
Tháng 10/2016, Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Pearl được đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh đồng thời ông Nguyễn Như Pho lên làm Chủ tịch HĐQT thay cho ông Bùi Cao Nhật Quân.
Nhưng 1 tháng sau đó (tháng 11/2016), ông Nguyễn Như Pho bị thay bởi ông Ngô Văn An. Theo giấy phép đăng ký kinh doanh mới thì ông Ngô Văn An sinh năm 1977 người dân tộc Hoa. Đồng thời với việc thay thế Chủ tịch HĐQT là việc các cổ đông sáng lập ra Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Pearl thoái sạch vốn tại đây.
Được biết, nhân vật Ngô Văn An là một cái tên kín tiếng trong giới đầu tư nhưng lại đứng tên cho 8 doanh nghiệp có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng. 8 doanh nghiệp đó là Công ty TNHH BĐS Đức Khải 1; Công ty TNHH dịch vụ thương mại và đầu tư Tương lai; Công ty Cổ phần Đầu tư Mê Linh Square; Công ty Cổ phần Đức Khang; Công ty Cổ phần đầu tư Trade Wind; Công ty Cổ phần Đầu tư Golden Hill; Công ty TNHH quản lý tài sản & BĐS Alpha King; Công ty cổ phần quản lý phát triển dự án Đông Sài Gòn.
Trong đó, ngoại trừ Công ty TNHH dịch vụ thương mại và đầu tư Tương lai, Công ty TNHH BĐS Đức Khải 1 và Công ty Cổ phần Đức Khang đã dừng hoạt động, tại các công ty còn lại ông An chỉ là người đại diện pháp luật và không có cổ phần vốn.
Một điều đặc biệt là, các công ty có liên quan đến ông Ngô Văn An đều có cùng trụ sở tại số 8 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM (Tòa nhà của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Các cổ đông hầu hết là người gốc Hoa, hoặc có quốc tịch Trung Quốc.
Theo giới thiệu, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là một nhóm các doanh nghiệp có vốn điều lệ từ vài nghìn tỷ tới cả chục nghìn tỷ đồng, sở hữu nhiều bất động sản có giá trị lớn, trong đó phải kể đến 5 dự án/tòa nhà trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, chiếm 1/3 diện tích khu đất “vàng” đắt đỏ nhất TP.HCM.
Năm 2017, bà Trương Mỹ Lan và 9 người xin thôi quốc tịch vào ngày 15/5/2014 là thành viên trong một gia đình. Những cá nhân này đều không nêu lý do khi nộp đơn xin rút hồ sơ sau đó.
Ngăn chặn lợi ích nhóm
Báo Người lao động nêu vấn đề, trong vụ án Vũ Huy Hoàng (SN 1953, đã bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương), Hồ Thị Kim Thoa (nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương, đang bị truy nã) gây thất thoát, thiệt hại nặng nề tại khu "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM), Bộ Công an nhận thấy mô hình tổ chức và cơ chế thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước của Bộ Công Thương nói riêng và các bộ, ngành nói chung còn có nhiều bất cập.
Ngoài ra, hạn chế về cơ chế điều hành, quản lý, mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với bộ phận quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn tới vướng mắc và lúng túng trong phối hợp giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu với đầu mối là các vụ, cục chức năng không bảo đảm về nhân sự có chuyên môn trong nhiều lĩnh vực quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, từ đó dẫn tới làm cho cơ quan nhà nước không còn đủ nguồn lực để làm tốt nhiệm vụ chính của mình là quản lý hành chính nhà nước.
Đồng thời, khó có thể theo dõi, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm của doanh nghiệp thông qua các biện pháp hành chính, làm căn cứ để tham mưu, ban hành các chính sách phù hợp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Theo Bộ Công an, để giải quyết những hạn chế, yếu kém nêu trên cần thiết phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, xóa bỏ cấp hành chính trung gian phía trên can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình hoạt động kinh doanh, sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; phòng chống "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Bên cạnh đó, cần thiết phải sửa đổi và hoàn thiện các quy định của pháp luật về việc thoái vốn của các tổng công ty, tập đoàn kể cả các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và dưới 100% vốn nhà nước... để phòng ngừa việc lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, từ đó các đối tượng thực hiện hành vi "thâu tóm", làm giá gây thất thoát vốn, tài sản Nhà nước ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế đất nước và hoạt động bình thường của các doanh nghiệp nhà nước.
Thanh Sơn (TH)/Sở hữu trí tuệ