Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường tất yếu phải đi

DTVN 12:59 04/10/2019

Tham gia cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 là con đường tất yếu mà Việt Nam phải đi nếu muốn tăng tốc phát triển.

Toàn cảnh Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2019.

Bước tiến nhanh, mạnh và dài

Một sự trùng hợp thú vị, đó là ngay trước phiên cao cấp của Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2019 (Industry 4.0 Summit) một ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1269/QĐ-TTg thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo kế hoạch, cuối năm nay, NIC sẽ chính thức được xây dựng để cuối năm sau, có thể chính thức đi vào hoạt động.

Đưa thông tin này tại Industry 4.0 Summit, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là một bước tiến “nhanh, mạnh và dài”, thể hiện phương châm hành động nhanh, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 52 mà Bộ Chính trị vừa ban hành về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tất nhiên, xây dựng NIC chỉ là một trong những bước đi quan trọng để Việt Nam chủ động tham gia CMCN 4.0. Phát biểu tại phiên cao cấp Industry 4.0 Summit, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 của Việt Nam được xây dựng bao gồm 3 yếu tố nền tảng.

Đó là đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xây dựng hệ thống thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập và thân thiện với các mô hình kinh tế mới, dựa trên nền tảng của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn; phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện các hoạt động chuyển đổi, nâng cấp công nghệ và nghiên cứu phát triển các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới.

“Tham gia CMCN 4.0 là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và cho rằng, CMCN 4.0 là con đường để Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên.

Điều này cũng đã một lần nữa được ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định. Theo ông Bình, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã chỉ ra rằng, CMCN 4.0 chính là cơ hội để Việt Nam có thể bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, mức độ chủ động và sẵn sàng của Việt Nam đối với CMCN 4.0 còn thấp. Vẫn có quan điểm cho rằng, CMCN 4.0 là chuyện của “ai đó”, cũng có ý kiến khẳng định “Việt Nam cứ làm 0.4 tốt đi đã”. Nhưng cũng lại có ý kiến cho rằng, CMCN 4.0 là “chìa khóa vạn năng”. “Không được thờ ơ, cũng không được chủ quan, nóng vội như vậy. Cần bước đi và lộ trình phù hợp để thực hiện CMCN 4.0”, ông Bình nói.

Bước đi nào là phù hợp?

Nội hàm của việc chủ động thực hiện CMCN 4.0, theo Nghị quyết 52, đó chính là thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Nhưng làm sao để thực hiện được điều đó?

Có hai thách thức lớn mà ông Nguyễn Văn Bình đề cập trong quá trình Việt Nam thực hiện CMCN 4.0 là nguồn lực và chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng khá lạc quan, ông Bình lại cho rằng, Việt Nam không nên tự ti là không có đủ nguồn lực thực hiện CMCN 4.0. “Nếu có thể chế, chính sách tốt, chúng ta sẽ có nguồn lực để thực hiện CMCN 4.0”, ông Bình nói.

Tất nhiên, cùng với nỗ lực tự thân, theo ông Bình, Việt Nam cũng cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài để thực hiện CMCN 4.0. Đó là lý do khiến ông Bình đề xuất việc mở rộng hợp tác về khoa học - công nghệ đối với các đối tác chiến lược.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số sẽ thúc đẩy “Make in Vietnam”, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và từ đây đi ra toàn cầu. “Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển”, ông Hùng nói.

Đây cũng là điều được Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định. Theo Phó thủ tướng, để thực hiện thành công chuyển đổi số, CMCN 4.0, “doanh nghiệp phải là đơn vị tiên phong”. Bên cạnh đó, cần có “những con người có thể sẵn sàng tận dụng thời cơ, thích ứng với những thay đổi mà ngày hôm nay chúng ta không lường trước được”.

Đáng mừng là, phát biểu tại Diễn đàn, đại diện doanh nghiệp đều khẳng định sự sẵn sàng tham gia CMCN 4.0. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp chờ đợi, vẫn là các thể chế, chính sách tạo điều kiện để họ có thể phát triển, nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH:

Công tác thể chế rất quan trọng

(Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội)

Công tác thể chế rất quan trọng, tạo ra những vấn đề khó nhưng cũng không khó. Khó là nó mới, nhưng không khó vì dù Nghị quyết 52 mới ban hành, nhưng nội dung này đã được khởi động từ 2-3 năm nay. Bài học các nước cũng đã giúp chúng ta triển khai hiệu quả.

Chính phủ lần này đã rất quyết liệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin - Truyền thông đều vào cuộc để chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội. Quốc hội sẽ đồng hành, sẵn sàng và triển khai ngay chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Tôi hoan nghênh ý tưởng sandbox

(Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc be Group)

Chúng tôi vui mừng khi thấy Nghị quyết 52 ra đời, thể hiện sự quyết liệt của Đảng và Nhà nước. Vai trò của Chính phủ rất quan trọng trong thực hiện định hướng này.

Chính phủ cần có chính sách khuyến khích đầu tư cụ thể. Việt Nam cần có đầy đủ nguồn lực, con người, công nghệ. Cần có chính sách thuế thu nhập cá nhân cho nhân sự trong ngành, chính sách thuế trong ngành, qua đó tận dụng nguồn lực toàn xã hội.

Tôi hoan nghênh ý tưởng sandbox, không nên cấm, mà nên thử nghiệm, nhưng cần khống chế không gian nhằm đề phòng doanh nghiệp lợi dụng quá trình thử nghiệm để chiếm thị phần lớn.

Nền kinh tế Việt Nam có thể bị tác động bởi những con rồng số

(Ông Andrew Rowsell-Jones, Phó chủ tịch Công ty Gartner Australia)

Những con rồng số hóa như Google, Tencent, Alibaba, Amazon, Facebook, Apple ngày càng trở thành một phần quan trọng trong thời 4.0. Nền kinh tế Việt Nam có thể bị tác động bởi những con rồng số. Trước hết, những con rồng số hóa ở vị thế rất mạnh, nên kết nối với họ giúp chúng ta tăng trưởng nhanh, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ. Do vậy, cần thận trọng trong giữ khoảng cách với những con rồng này.

Hai là, những con rồng số có cách vận hành riêng trong kinh doanh, có sự khác biệt trong thái độ với rủi ro, văn hóa… và chúng ta có thể học hỏi từ việc hợp tác với những con rồng số.

Ba là, những con rồng số có phạm vi hoạt động rộng, có thể “chạm” tới hoạt động của chúng ta ở nhiều nơi. Do vậy, cần có cái nhìn, đánh giá nhất quán với những con rồng mà chúng ta hợp tác.

Thành Quảng (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường tất yếu phải đi tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước