Đây là những nội dung được trao đổi tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp lần thứ tư - Industry 4.0 Summit 2019 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức mới đây.
|
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu, trao đổi tại diễn đàn. Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Cơ chế tốt mới tạo ra nguồn lực
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Việc Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Nghị quyết này được đánh giá là hết sức đúng lúc, thể hiện rõ trí tuệ, tầm nhìn bản lĩnh và khát vọng quyết tâm của toàn đảng toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc chủ động tích cực tham gia cách mạng CMCN 4.0.
Khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong những năm gần đây tạo ra lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh, làm cho khuôn khổ thể chế bấy lâu nay không còn phù hợp nữa và thậm chí nếu tiếp tục duy trì khuôn khổ này sẽ kìm hãm sự phát triển. "Cần phải có cách tiếp cận mở, sáng tạo và mạnh dạn cho làm thí điểm" - ông Nguyễn Văn Bình khẳng định.
“Từ trước đến nay nếu vẫn giữ tư duy quản lý theo lối mòn là cái gì chưa quản lý được hoặc không quản lý được thì cấm. Như vậy làm gì còn đổi mới sáng tạo và nói đến cùng thế thì không thể có CMCN 4.0, coi như ta đứng lại trong khi CMCN 4.0 sẽ lại là người đến sau và sẽ lại là người bị bỏ rơi ở phía sau”, ông Nguyễn Văn Bình nói.
Do đó, phần lớn các chuyên gia hàng đầu thế giới cũng đánh giá rằng cuộc CMCN 4.0 về bản chất là một cuộc cách mạng về thể chế.
Nghị quyết 52 cũng khẳng định là phải huy động tối đa các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế cả trong nước lẫn ngoài nước đảm bảo đủ nguồn lực cho việc thực hiện chủ trương chủ động tích cực tham gia CMCN 4.0.
Thứ nhất khi nói đến nguồn lực thì chúng ta có hai yếu tố quan trọng, đó là vốn và nguồn lực con người. Việt Nam có yếu điểm là chưa có được một điểm xuất phát tốt, nhưng vì vậy ta lại có thể tập trung nguồn lực bỏ qua đầu tư cho 3 giai đoạn phát triển trước mà tiếp cận ngay với CMCN 4.0.
Thứ hai, trong CMCN 4.0 nguồn lực chủ yếu do cơ chế chính sách mang lại, nếu có cơ chế chính sách tốt, chúng ta sẽ có đổi mới sáng tạo hiệu quả.
Những sản phẩm tốt sẽ kêu gọi được các nguồn lực đầu tư không những trong nước mà của toàn thế giới.
Chính sách của Chính phủ và kỳ vọng của doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết dự kiến Chính phủ sẽ triển khai ba nhóm chính sách quan trọng để triển khai cụ thể các chủ trương của Đảng.
Thứ nhất, áp dụng công nghệ, chuyển đổi quản trị khu vực công: bao gồm xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số để quản lý nhà nước nhanh hơn, minh bạch hơn, hiệu lực và hiệu quả hơn; nâng cao hiệu quả theo dõi, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, đem lại sự hài lòng cao hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp để tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực; phát triển sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, thông minh hơn và hiệu quả hơn; cắt giảm chi phí; mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng quản trị chuỗi cung ứng; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới; nâng cao năng suất của doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Thứ ba, cơ cấu lại và tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và nghiên cứu phát triển, hướng tới làm chủ một số công nghệ đặc trưng của Cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ thế hệ tiếp theo, vươn lên vị trí dẫn đầu trong một số lĩnh vực công nghệ hiện đại, giúp cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu các giải pháp bổ sung cũng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện thành công các chính sách đề ra ở trên, như: thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; các dự án đầu tư, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ sử dụng các công nghệ đặc trưng của Cách mạng công nghiệp 4.0; thu hút đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới; thu hút đầu tư mạo hiểm nước ngoài cho các Start-up Việt Nam.
Ngoài ra, trong khuôn khổ hợp tác APEC 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất sáng kiến kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực và đang mở rộng kết nối với các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Singapore và nhiều quốc gia khác để mở rộng thị trường, khơi thông các nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, tăng cường hỗ trợ và kết nối các nhà đầu tư cho các Start-up Việt Nam.
|
Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0. Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Ở nhóm chính sách Chính phủ điện tử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo Chính phủ điện tử là hoàn thiện khung pháp lý, đồng bộ Chính phủ điện tử. Theo đó, cần hoàn thiện các Nghị định về kết nối chia sẻ dữ liệu; xác định, định danh Chính phủ điện tử, Nghị định về bảo mật thông tin cá nhân; văn thư lưu trữ… và sớm có Luật về Chính phủ điện tử…
Cần có nền tảng Chính phủ điện tử, khung kiến trúc để các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Đặc biệt, bắt buộc phải phát triển nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia trong các lĩnh vực như dân cư, đất đai, doanh nghiệp…
Các cơ quan của Chính phủ cũng đang hoàn thiện các hệ thống ứng dụng công nghiệp thông tin (CNTT) thay đổi lề lối và phương thức làm việc đánh giá vấn đề chất lượng, lấy người đân làm trung tâm phục vụ, tạo mọi thuận lợi cho người dân doanh nghiệp.
"Hiện Văn phòng Chính phủ đang tích cực xây dựng cổng dich vụ công quốc gia, dự kiến đến cuối năm 2019 khai trương, kết nối và tích hợp cổng dịch vụ công các bộ ngành địa phương, trên cơ sở đó, phát triển trục liên thông văn bản quốc gia…", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ.
Nhấn mạnh vào nền tảng cơ bản là hạ tầng thông tin, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Đăng Dũng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel thừa nhận, việc xây dựng hạ tầng này lại đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn do thiếu hụt về cơ chế chính sách xây dựng hạ tầng cho chuyển đổi số.
“Để xây dựng nền kinh tế số phải liên kết dữ liệu với hạ tầng siêu băng rộng và độ tin cậy siêu cao. Mạng viễn thông này phải được xây dựng trước. Tuy nhiên hiện nay chúng ta chưa có đủ điều kiện pháp lý xây dựng như giấy phép thiết lập mạng, tần số vô tuyến,…”, ông Lê Đăng Dũng bày tỏ.
Theo ông Lê Đăng Dũng, thời điểm này, cấp phép nhanh và kịp thời là quan trọng nhất, nên chọn phương án cấp phép nhanh gọn nhất, không nên đặt quá nặng việc thu ngân sách,doanh nghiệp nào đầy đủ nguồn lực thì đi trước, doanh nghiệp mới thì đi sau.
“Một hạ tầng quan trọng không thể thiếu nữa là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, tài nguyên quốc gia,…, chúng ta đã quá chậm trong việc này, cần nhanh chóng bắt tay với các doanh nghiệp có đủ năng lực về tài chính, con người, công nghệ để tiến hành ngay các dự án này”, lãnh đạo Viettel phân tích.
Cùng quan điểm với ông Lê Đăng Dũng, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CMC khẳng định để phát triển trong cuộc cách mạng này, không chỉ cần hạ tầng thông tin mà còn cần hạ tầng pháp lý.
Để tránh đầu tư lãng phí, Bộ Thông tin và Truyền thông có thể phải giám sát yêu cầu doanh nghiệp tập trung đầu tư công nghệ mới nhất như 4G, 5G. Cần nhanh chóng cấp phép dịch vụ tiền đện tử trên di động (Mobile money), chuyển mạch tài chính số, thử nghiệm sản phẩm dịch vụ mới để sử dụng hiệu quả những hạ tầng chúng ta xây dựng ở trên.
“Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đề cập cơ chế để doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư mạo hiểm và chúng tôi mong muốn thực sự có cơ chế đầu tư mạo hiểm theo đúng nghĩa là đầu tư mạo hiểm chứ không phải theo cơ chế đầu tư với thủ tục phức tạp như hiện nay”, ông Chính đề xuất.
Theo Báo Chính Phủ