Sau một tháng triển khai gói hỗ trợ giảm tiền điện, giá điện do Bộ Công Thương đề xuất, nhiều người dân, doanh nghiệp tiếp tục đánh giá cao về sự hỗ trợ hết sức thiết thực, giúp họ giảm bớt khó khăn về tài chính.
Người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi
Theo chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, từ đầu tháng 5 đến nay, công tác triển khai gói hỗ trợ giảm giá điện cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tích cực triển khai. Theo ghi nhận của Báo Công Thương, hiện nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp đã được áp dụng giảm 10% giá điện đối với hóa đơn tiền điện của tháng 4 tương ứng với kỳ hóa đơn của tháng 5. Đa số người dân cho biết, mặc dù số tiền giảm không nhiều nhưng cũng phần nào giảm bớt khó khăn, đặc biệt là thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Chị Nguyễn Thị Tú Oanh, Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: Nhà chị vừa được giảm 10% tiền điện của tháng 4. Số tiền giảm là 150 nghìn đồng trên tổng hóa đơn 1,5 triệu đồng. “Mặc dù số tiền giảm không nhiều nhưng cũng giúp gia đình tôi tiết kiệm chút ít bù vào hóa đơn tiền nước. Trong những tháng cao điểm nắng nóng, lượng điện tiêu thụ sẽ nhiều hơn, do đó, sự hỗ trợ này rất thiết thực”, chị Oanh bày tỏ.
Đa số người dân vui mừng với gói hỗ trợ giảm giá điện do Bộ Công Thương đề xuất. |
Còn theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Quản lý chợ Long Biên, Ba Đình, Hà Nội –cho biết: “Trung bình một tháng toàn chợ tiêu thụ hết khoảng 100.000 kWh, tương đương 300 triệu đồng/tháng. Trong kỳ hóa đơn điện tháng 4, ban quản lý chợ đã được công ty điện lực Hà Nội giảm 10%, tương ứng 30 triệu đồng. Dù mức hỗ trợ không nhiều so với tổng chi phí nhưng nó cũng phần nào chia sẻ khó khăn với tiểu thương lúc kiệt quệ kinh tế".
Là doanh nghiệp dệt may, lượng tiêu thụ điện hàng tháng khá lớn, nhận được tin giảm giá điện trong 3 tháng, bà Nguyễn Thị Hồng Phương, Giám đốc Công ty TNHH May Phương Thảo (Hai Bà Trưng, Hà Nội) rất phấn khởi. Hàng tháng công ty bà sử dụng hết khoảng 100 triệu tiền điện. Trong hóa đơn tiền điện tháng 4, công ty đã được giảm trực tiếp 10 triệu đồng/tổng hóa đơn. “Tôi rất đồng tình với gói hỗ trợ này. Bản thân tôi thấy mức hỗ trợ này là hợp lý, được lòng người dân”, bà Thảo giãi bày.
Với dây chuyền hoạt động sản xuất liên tục, tiêu tốn khá nhiều điện năng, hàng tháng Công ty Cổ phần NPG Hưng Yên phải chi trả hơn 3 tỷ đồng tiền điện. Trong kỳ hóa đơn tháng 5, công ty đã được giảm 300 triệu đồng tiền điện. Anh Dương Quang Hiện, Giám đốc Công ty Cổ phần NPG Hưng Yên cho biết: “Sự vào cuộc kịp thời, linh hoạt của Bộ Công Thương trong việc khởi xướng giảm giá điện trong lúc nền kinh tế đang khó khăn có tác dụng rất lớn với các doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất trở lại, thúc đẩy phát triển kinh tế sau dịch”.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước, trong số các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp người dân (ngoài gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho đối tượng yếu thế) thì đây là một gói hỗ trợ trực tiếp, kịp thời và hiệu quả nhất, có thể cân đong đo đếm được.
Tiếp sức cho người lao động, người nghèo
Khu nhà trọ của ông Ngô Văn Ngãi (đường Man Thiện, quận 9, TP. Hồ Chí Minh) hiện có 2 dãy phòng trọ với 20 phòng phục vụ chủ yếu cho công nhân làm việc tại các nhà máy thuộc Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Khi dịch bệnh bất ngờ xảy ra, nhiều công nhân trọ tại khu này đã bị giảm thu nhập đáng kể vì công ty rơi vào khó khăn.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Ngô Văn Ngãi cho biết, gần đây khi biết thông tin Thủ tướng đồng ý giảm giá điện theo đề xuất của Bộ Công Thương, người thuê khu này ai nấy đều phấn khởi. Bởi lẽ khu trọ nhà ông Ngãi trung bình trả khoảng 6-7 triệu đồng tiền điện/ tháng, riêng tháng nắng nóng có thể nhiều hơn. Nay theo thông báo của ngành điện, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt được giảm 10% giá bán lẻ điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 nên ông Ngãi sẽ giảm lại cho người thuê trọ. “Tôi sẽ căn cứ trên hóa đơn chung và chỉ số đồng hồ mỗi phòng trọ để giảm lại cho người thuê theo khung đã được thông báo. Nhìn chung mỗi phòng thuê cũng giảm được vài chục ngàn, dù ít dù nhiều đây cũng là sự hỗ trợ động viên tinh thần họ trong lúc khó khăn”, ông Ngãi nói.
Nhân viên ngành điện thông báo việc giảm giá tiền điện trong 3 tháng cho người dân. |
Bà Nguyễn Thị Hạnh (thuê trọ tại khu phố 4, đường Lê Văn Việt, quận 9) - cho hay, trung bình hàng tháng gia đình bà trả khoảng 400 ngàn tiền điện. Nếu tính bình quân giảm 10% thì mỗi tháng cũng giảm được 40.000 đồng. Bà Hạnh cho rằng, việc giảm giá điện đã kịp thời hỗ trợ người dân nhất là người nghèo, thu nhập thấp thể hiện sự quan tâm thiết thực của Chính phủ đến người dân.
Cũng như gia đình bà Hạnh, chị Phan Thủy (công nhân thuê trọ tại quận Thủ Đức) cho biết, gia đình chị mỗi tháng trả khoảng 400 ngàn đồng tiền điện. Vì lượng tiêu thụ điện vừa ở bậc 3 nên được khoảng 50 ngàn đồng/tháng. Ngoài được giảm giá điện, chủ nhà cũng giảm 30% tiền thuê nhà, cộng lại gia đình chị tiết giảm được khoảng 1 triệu đồng/tháng, gần đủ chi phí đóng tiền học cho con. “Do ảnh hưởng khó khăn của dịch bệnh, cách ly xã hội, nên lương tháng của vợ chồng tôi giảm khoảng 30% trong mấy tháng nay. Với việc được giảm giá điện, giảm giá thuê nhà trọ... ít nhiều giúp chúng tôi bớt khó khăn phần nào” - chị Thủy nói.
Dịch Covid -19 đã tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội, trong đó đối tượng người nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ông Trần Đức Hoa, người Đồng Nai hành nghề xe ôm đang thuê nhà trọ trên đường Trường Sa, quận Tân Bình cho biết, tính ra ngành điện chỉ giảm cho mấy chục ngàn nhưng với người nghèo đây là sự tiếp sức rất lớn trong lúc khó khăn vì dịch bệnh.
Trong khi đó, bà Trần Thị Ái Liên - giáo viên Trường trung học cơ sở Đồng Khởi (quận Tân Phú) - chia sẻ, dịch bệnh bùng phát trường học tạm nghỉ, thu nhập của giáo viên giảm. Vì thế khi được nhà nước hỗ trợ sẻ chia khó khăn thông qua gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tiền điện - với người làm công ăn lương là rất đáng quý.
Tại TP. Hồ Chí Minh, theo ước tính sơ bộ có hơn 3.800 hộ kinh doanh; hơn 284.000 người lao đông tự do - lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm vì dịch bệnh, chưa kể những người lao động bị giảm thu nhập vì doanh nghiệp khó khăn. Chính vì vậy cùng với những hỗ trợ từ ngân sách của UBND TP. Hồ Chí Minh, việc giảm giá điện được đánh giá là thiết thực, nhân văn bởi đã kịp thời động viên những người thất nghiệp, người nghèo bị ảnh hưởng vì dịch bệnh.
“Liều thuốc” trợ lực cho nền kinh tế
Đánh giá về sự nhập cuộc kịp thời của Bộ Công Thương trong việc cùng chung tay chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp vực dậy phát triển kinh tế, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhìn nhận: Tôi đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, Bộ Công Thương và ngành điện trong giai đoạn nền kinh tế bắt đầu khôi phục. Đây là một trong những giải pháp hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế vực lại sau dịch. Đặc biệt, trong những tháng cao điểm nắng nóng, hoạt động sản xuất tiêu thụ điện năng sẽ rất lớn. Việc Bộ Công Thương chỉ đạo đúng lúc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này cho thấy những nỗ lực rất lớn của Bộ trong việc chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19 cũng như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đặc biệt ông Ngãi nhấn mạnh, tiết kiệm điện là một yêu cầu hết sức quan trọng. Tiết kiệm năng lượng nói chung và điện năng nói riêng là mục tiêu cũng đã được Chính phủ đề ra, không chỉ trong hiện tại, mà còn về lâu dài. Do đó, để đảm bảo an ninh năng lượng, song song với nỗ lực gia tăng nguồn điện, tiết kiệm tối đa điện năng là một trong những giải pháp được đánh giá khá căn cơ, quan trọng trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia hoan nghênh và đánh giá cao chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương nhằm gỡ khó cho người dân và doanh nghiệp trong lúc khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. |
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, ông hoan nghênh và đánh giá cao chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương nhằm gỡ khó cho người dân và doanh nghiệp trong lúc khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, tinh thần tương thân tương ái, phát huy sự đoàn kết, sẻ chia trong khó khăn như “liều thuốc” trợ lực cho nền kinh tế vực dậy sau khủng hoảng.
Bên cạnh đó, ông Doanh cũng góp ý, ngoài những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Công Thương nên quan tâm, sát sao hơn nữa đảm bảo đời sống cho bà con, doanh nghiệp thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đồng thời các hiệp hội ngành hàng nên bám sát tình hình hoạt động kinh doanh của các đơn vị quản lý để cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn. Ngoài ra, để hồi phục đòi hỏi những nỗ lực rất lớn từ chính sự chủ động của mỗi đơn vị, doanh nghiệp bằng những đổi mới, sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội vươn lên.
Bộ Công Thương cho biết, để việc giảm giá điện được diễn ra công khai, minh bạch Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát các đơn vị điện lực thực hiện đúng các chỉ đạo, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân do tác động của dịch Covid-19.
Tổng số tiền EVN hỗ trợ dự kiến khoảng 11.000 tỷ đồng trong các nội dung giảm giá điện với toàn bộ 26,6 triệu hộ sử dụng điện sinh hoạt được giảm 10% giá bán lẻ điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4. Trong đó có hơn 22,8 triệu hộ sinh hoạt sử dụng dưới 300 kWh/tháng (chiếm 85,7% tổng số hộ sinh hoạt cả nước) được giảm 10% tiền điện. Đồng thời, có hơn 2 triệu khách hàng sản xuất, kinh doanh được giảm giá 10% giá bán lẻ điện. Ngoài ra, các khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch (theo qui định tại Luật Du lịch năm 2017) còn được giảm giá điện thông qua việc áp dụng giá điện cho các ngành sản xuất thay cho giá kinh doanh đang được áp dụng. |
Theo Báo Công Thương Điện Tử