Tháng 4, doanh thu vận tải khách đường sắt chỉ bằng hơn 16% so với cùng kỳ. |
Tin từ Tổng công ty Đường sắt VN, trong tháng 4/2020, sản lượng, doanh thu vận tải đường sắt sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là vận tải khách.
Cụ thể, toàn ngành vận tải đường sắt vận chuyển hơn 119 nghìn lượt khách, chỉ bằng 16,8% so với cùng kỳ 2019. Vận tải hàng hóa có khả quan hơn do có nhiều giải pháp đẩy mạnh hàng liên vận quốc tế sang Trung Quốc, hàng bưu kiện, chuyển phát nhanh… Tuy nhiên chỉ đạt hơn 377 nghìn tấn, bằng 86,4% cùng kỳ.
Tính chung doanh thu vận tải, bao gồm khách và hàng được 172 tỉ đồng, chỉ bằng 50,7% cùng kỳ.
Tổng công ty Đường sắt cho hay, từ 1/4 - 15/4, thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về việc giãn cách xã hội, phòng lây lan dịch Covid-19 trong cả nước, toàn Tổng công ty chỉ được tổ chức chạy duy nhất 1 đôi tàu khách Hà Nội - Sài Gòn mang số hiệu SE3/SE4, hủy bỏ toàn bộ kế hoạch chạy tàu khách còn lại trên tất cả các tuyến đường sắt.
Việc sụt giảm doanh thu, vắng khách, ngừng hoạt động trong thời gian dài đã khiến hàng nghìn lao động của ngành bị mất việc. Cụ thể, tại Công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, hơn 3.200 lao động phải nghỉ, tạm hoãn hợp đồng lao động.
Số lao động mất việc tập trung chủ yếu ở các đoàn tiếp viên với trên 70% lao động. Tại các chi nhánh vận tải, số lượng lao động xin nghỉ, tạm hoãn hợp đồng lao động xấp xỉ trên 50%. Các lao động này do không bố trí được việc làm nên không có lương.
Điều đáng nói, mặc dù việc giãn cách xã hội đã được dỡ bỏ hoàn toàn, các hoạt động vận tải được khôi phục khai thác bình thường nhưng do không có khách nên ngành đường sắt vẫn thực hiện chạy tàu hạn chế. Hiện nay, đơn vị này chỉ khôi phục lại một số đôi tàu khách nên không đủ việc làm cho toàn bộ người lao động phải nghỉ việc.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cũng đã phát động cuộc vận động quyên góp, hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, đường sắt Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành nghề chịu thiệt hại nặng nề nhất: Sản lượng, doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng, hàng nghìn lao động mất việc, tạm hoãn hợp đồng. Việc phục hồi được kinh doanh vận tải sau dịch được dự báo là cần nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn bởi ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát thì vận tải vẫn tiếp tục phải đối mặt với khó khăn lớn khác khi dự án 7.000 tỉ đi vào thi công ảnh hưởng đến biểu đồ chạy tàu, làm giảm năng lực thông qua, kéo theo đó là ảnh hưởng đến tốc độ chạy tàu, tỉ lệ tàu đi đến đúng giờ…
Mặc dù gặp nhiều khó khăn song có thể khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Đường sắt Việt Nam đã triển khai kịp thời và hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch khi không có ca lây nhiễm nào là hành khách đi tàu và cán bộ, nhân viên ngành Đường sắt an toàn trước dịch bệnh. Hình ảnh các đoàn tàu, nhà ga được vệ sinh khử trùng, hành khách được đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển đã và đang được xã hội ghi nhận tích cực…
Theo Mai Anh/Tạp chí Kinh tế Môi trường