Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Cần có thứ tự ưu tiên hợp lý trong việc triển khai các dự án vùng dân tộc thiểu số

Mai Hương(T/H) 09:36 13/06/2020

Nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến về vấn đề phân bổ nguồn vốn tham gia chương trình theo thứ tự ưu tiên hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tránh dàn trải nhằm đảm bảo các mục tiêu đã đề ra.

Chiều 12/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến về vấn đề phân bổ nguồn vốn tham gia chương trình theo thứ tự ưu tiên hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tránh dàn trải nhằm đảm bảo các mục tiêu đã đề ra.

ĐBQH Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An) nêu, theo dự toán của Chính phủ, tổng ngân sách thực hiện giai đoạn 2021-2025 là 114.970 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương tối thiểu là 104.954 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 10.016 tỷ đồng.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An).

Với dự toán như vậy, đại biểu cho rằng, việc bố trí ngân sách trung ương để đảm bảo thực hiện chương trình đã khó, việc địa phương đối ứng kinh phí để đảm bảo thực hiện chương trình còn khó hơn. Theo đại biểu, đa số các tỉnh được thụ hưởng chính sách đều là tỉnh nghèo, đang hưởng trợ cấp ngân sách trung ương.

Vì vậy, để tránh tình trạng không thực hiện được chính sách ban hành cần xây dựng lộ trình theo giai đoạn hoặc theo từng năm. Có thể chọn một số dự án trọng tâm, trọng điểm, mang tính cấp thiết, đột phá, có tính dẫn dắt để làm trước thay vì thực hiện cùng một lúc 10 dự án.

Thay vì thực hiện cùng một lúc 10 dự án như trong dự thảo chương trình, trong giai đoạn đầu chỉ nên tập trung một số dự án như giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; dự án ổn định sắp xếp lại dân cư; dự án phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng và dự án phát triển giáo dục. Có như vậy mới đảm bảo được nguyên tắc 88/2019/QH14 của Quốc hội đã đặt ra, đó là ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả, hiệu lực đầu tư”, bà Hoàng Thị Thu Trang nhấn mạnh.

"Điển hình như cơ chế tài chính, cần tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ thuế, các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, thuế với các dự án trên địa bàn miền núi sẽ tạo động lực cho các địa phương chăm lo nuôi dưỡng nguồn thu trên địa bàn”, bà Hoàng Thị Thu Trang tiếp lời.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) đề nghị Chính phủ xây dựng thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án.

Giai đoạn đầu nên tập trung vào dự án giải quyết 5 vấn đề cơ bản, mang tính chất nền tảng như: giáo dục và đào tạo; thiếu đất sản xuất; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; sắp xếp ổn định dân cư; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và tạo sinh kế cho đồng bào.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn cho rằng tỷ trọng kinh phí hỗ trợ hoạt động chi thường xuyên khá lớn so với các chương trình đã và đang thực hiện, có thể dẫn đến khó khăn trong việc duy trì hiệu quả của chương trình trong dài hạn. Mặt khác, định mức một số khoản chi được nâng lên gấp từ 1,5 đến 2 lần so với định mức hiện hành.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đề nghị cần rà soát lại, bố trí theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm các khoản chi trực tiếp để thực hiện tốt chủ trương của Nhà nước là Nhà nước và nhân dân cùng làm; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/can-co-thu-tu-uu-tien-hop-ly-trong-viec-trien-khai-cac-du-an-vung-dan-toc-thieu-so-d77604.html

Bạn đang đọc bài viết Cần có thứ tự ưu tiên hợp lý trong việc triển khai các dự án vùng dân tộc thiểu số tại chuyên mục Tin tức bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức bộ ngành