Hà Nội, Thứ Ba Ngày 07/05/2024

Tăng tuổi hưu, đảm bảo bình ổn quỹ Bảo hiểm xã hội trong lâu dài

DTVN 08:38 27/10/2019

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung nêu rõ, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát và lâu dài của đất nước.

Những mục tiêu tổng quát và lâu dài của đất nước, bao gồm tạo sự tăng trưởng để chống sự già hóa dân số, đảm bảo bình ổn quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) trong lâu dài cũng như tạo công ăn việc làm và sự tăng trưởng cho đất nước.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, phát triển quỹ BHXH theo nguyên tắc bảo toàn được quỹ, đồng thời cũng phải phát triển được quỹ.


Cần đối quỹ BHXH trên cơ sở bình đẳng chia sẻ

“Có nhiều ý kiến lo lắng rằng, vì sợ vỡ quỹ nên mới phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Tôi khẳng định, đây chỉ là tiến tới một mục tiêu tổng quát, lâu dài chứ không phải vì nguy cơ vỡ quỹ mà điều chỉnh tuổi nghỉ hưu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh thêm.

Đối với quỹ BHXH, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH khẳng định, đây là quỹ an sinh, quỹ lớn nhất của một quốc gia và quỹ này không bao giờ có khái niệm vỡ. Quỹ này do Nhà nước bảo lãnh và Nhà nước có trách nhiệm với quỹ.

Nhưng để bảo toàn phát triển quỹ, thì phải thực hiện trên cơ sở 3 nguyên tắc: Những người tham gia BHXH đóng hưởng; bình đẳng chia sẻ; trên cơ sở có sự điều chỉnh phối hợp giữa thế hệ này với thế hệ sau. Hiện nay, quỹ BHXH kết dư tương tối lớn (trên 700.000 tỉ đồng) cộng thêm quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trên 70.000 tỉ đồng.

Hiện nay, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Nhà nước cũng như Hội đồng quản lý Quỹ đều phải tính toán phương án, cách thức để bảo toàn quỹ BHXH, nhưng đồng thời sử dụng vào những công việc hợp lý để phát triển quỹ theo nguyên tắc bảo toàn được quỹ, nhưng đồng thời cũng phải phát triển được quỹ.

Thống nhất cao với phương án tăng tuổi nghỉ hưu, Chánh án Tòa án nhân dân Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho rằng, Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH đã nêu rõ “điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn, có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động, bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số, bình đẳng giới, cân đối Quỹ BHXH dài hạn, xu hướng già hoá dân số”…

Trên tinh thần nghị quyết, ông Chính tán thành với đề xuất điều chỉnh mức tăng tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi của Chính phủ.

Đang có sự nhầm lẫn giữa vấn đề thụ - hưởng

Theo ông Chính, dưới góc độ cân đối quỹ BHXH, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, Việt Nam cần phải tính toán cân đối quỹ BHXH, vì tuổi thọ trung bình đang tăng lên, trong khi thời gian đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu giữ nguyên, thời gian hưởng lương kéo dài thì ngân sách của quỹ khó đảm bảo chi trả.

Do đó, đòi hỏi việc xây dựng chính sách cân đối quỹ BHXH hợp lý giữa thời gian đóng BHXH và thời gian hưởng lương hưu là cần thiết.

Ông Chính nhấn mạnh, phương án tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý và phù hợp hơn cả. “Với giải pháp này sẽ góp phần đảm bảo cân đối quỹ BHXH trong tình hình hiện nay”, Chánh án Tòa án nhân dân Hà Nội nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến tăng tuổi nghỉ hưu, Phó Trưởng ban Dân Nguyện Lưu Bình Nhưỡng phân tích, hiện đang có sự nhầm lẫn giữa vấn đề thụ hưởng, bởi việc nghỉ hưu là tính thời điểm ở tuổi ấy sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) thông qua quỹ BHXH được coi là khoản tiền lương trả chậm. Người lao động cho dù được hưởng lương hưu, nhưng vẫn có thể tham gia vào hệ thống lao động.

“Tuy nhiên, nếu chúng ta quy định nghỉ hưu như hiện nay sẽ dẫn đến những hệ luỵ. Hệ luỵ lớn nhất, theo các nhà khoa học cả trong nước và nước ngoài là vào năm 2030- 2035 Quỹ BHXH có nguy cơ bị vỡ”, ông Nhưỡng nói.

Để chứng minh cho điều này, ông Nhưỡng nêu ví dụ, một người phụ nữ nghỉ hưu ở tuổi 55, nam ở tuổi 60, tuổi bình quân của chúng ta được gọi chẵn là 73 tuổi. “20 năm đóng bảo hiểm thì sẽ có 52,8 tháng lương nhưng khi về hưu theo tuổi bình quân sẽ hưởng 162 tháng, như vậy âm 109,2 tháng, đối với nam được hưởng 117 tháng thì còn âm 64,2 tháng. Tương tự như vậy nếu vào tuổi về hưu có 45 năm đóng bảo hiểm thì chúng ta có 118 tháng lương, như vậy nữ còn âm 43,2 tháng, nam lúc đó mới dư được 1,8 tháng”, ông Nhưỡng phân tích.

“Như vậy, toàn bộ phần còn lại của chúng ta là không ai lo cho, nên chúng ta phải tăng tuổi nghỉ hưu là để khắc phục một phần cho Quỹ BHXH. Từ chỗ là nhà nước bao cấp thì bây giờ là người lao động trước bao cấp cho người lao động sau. Điều này là quan trọng nhất, còn không ai cấm chúng ta lao động sau khi hết tuổi nghỉ hưu”, ông Nhưỡng cho hay và đề nghị hết sức lưu tâm đến việc cần thiết tăng tuổi nghỉ hưu, để xử lý các vấn đề nêu trên cho hài hòa.

Cần tổng kết thực hiện Điều 63 Luật BHXH để mở rộng diện bao phủ

Cũng liên quan đến lương hưu, tuổi nghỉ hưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề cập sâu đến việc thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Ông Lợi cho biết, năm nào Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng đi giám sát việc thực hiện chính sách BHXH.

“Qua giám sát cho thấy, từ năm 2014 đến 2018 (5 năm), khi Điều 60 Luật BHXH tạm dừng thực hiện, dẫn đến số người nhận BHXH một lần tăng lên 2,7 triệu người (cứ vào 2 người, lại ra hơn 1 người)- dẫn đến không đạt mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân. Đáng nói, 2,7 triệu người này sau này không còn khả năng lao động sẽ sống ra sao khi không có lương hưu, thậm chí họ phải chờ đến 80 tuổi mới được nhận trợ cấp xã hội (270.000 đồng như hiện nay)”, ông Lợi bày tỏ băn khoăn.

Do đó, ông Lợi kiến nghị, Chính phủ phải tổng kết Nghị quyết số 93 về thực hiện Điều 63 Luật BHXH để đảm bảo mở rộng BHXH theo Nghị quyết số 28.

Ngoài ra, vị Phó trưởng ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng chỉ rõ, mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện hiện chưa hấp dẫn người lao động, nên Chính phủ cần xem xét nâng mức hỗ trợ lên ít nhất 50- 50 (tức người lao động đóng 100.000 đồng thì Nhà nước hỗ trợ 100.000 đồng).

“Như vậy, người lao động vẫn có lợi khi được Nhà nước hỗ trợ, góp phần tăng trưởng quỹ BHXH cũng như tăng số người tham gia vào hệ thống BHXH”, ông Lợi khẳng định.

Theo Thành Công/Thanh tra

Bạn đang đọc bài viết Tăng tuổi hưu, đảm bảo bình ổn quỹ Bảo hiểm xã hội trong lâu dài tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự