Mấy ngày qua, dư luận rất quan tâm đến việc, các địa phương đầu tư nhiều tỷ đồng để đặt mua máy xét nghiệm Covid-19. Đặc biệt một số địa phương chỉ định thầu với giá cao ngất ngưởng, có dấu hiệu của việc thổi giá.
Đỉnh điểm là việc, hàng loạt cán bộ tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội bị khởi tố.
Cụ thể, cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) xác định một số cá nhân tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã bắt tay doanh nghiệp trục lợi thông qua gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chiều 22/4, C03 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội) và một số đơn vị liên quan.
Đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện các lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với 7 người về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều 222 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Máy xét nghiệm Covid-19 có giá 3,7 tỷ đồng tại Thanh Hóa. |
Các bị can gồm PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán; Lê Xuân Tuấn, nhân viên Phòng Tài chính kế toán (CDC Hà Nội); Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại VN (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech và Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.
Sau khi hàng loạt cán bộ của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Hà Nội bị khởi tố, đến lượt tỉnh Quảng Nam, Quảng Ninh và một số tỉnh khác cũng phải báo cáo giải trình xung quanh việc mua máy xét nghiệm với giá cao bất thường.
Đối với tỉnh Thanh Hóa, theo ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, sau khi có yêu cầu của Bộ Y tế, Sở đã rà soát lại việc mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có hệ thống máy xét nghiệm Real-time PCR tự động.
Hệ thống này được mua với giá hơn 3,7 tỷ đồng, bao gồm thiết bị xét nghiệm Real-time PCR 96 giếng và máy tách chiết DNA/RNA tự động.
Việc mua thiết bị do Sở Y tế chủ trì, được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Công ty CP Thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa là đơn vị cung cấp, thiết bị được lắp đặt tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Thanh Hóa.
Giá bộ máy Thanh Hóa lắp đặt là phù hợp. Máy móc có nhiều loại, loại cấu hình thấp, loại cấu hình cao. Một số máy có 24 giếng, nhưng máy ở Thanh Hóa lắp đặt có 96 giếng, kỹ thuật xét nghiệm này có ưu thế nhanh chóng, độ chính xác cao, khi được thực hiện tại chỗ, giúp địa phương chủ động hơn trong kiểm soát dịch bệnh.
Ông Trịnh Hữu Hùng- Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa: "Tôi không nhớ nguồn gốc xuất xứ của máy". |
Liên quan đến sự việc này, trả lời PV Báo Pháp luật Việt Nam về nguồn gốc xuất xứ của máy xét nghiệm?
Ông Trịnh Hữu Hùng cho hay: “Ông không nhớ nguồn gốc xuất xứ của máy mua ở Quốc gia nào”?
Trả lời về việc vì sao nhiều tỉnh có thể mượn máy xét nghiệm hoặc đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ máy mà không cần phải mua, tại sao Sở Y tế Thanh Hóa không làm như vậy mà bỏ ra 3,7 tỷ đồng để mua máy?
Ông Trịnh Hữu Hùng cho rằng: “Mỗi địa phương có mỗi quan điểm khác nhau, không tỉnh nào giống tỉnh nào”?
Ngoài những câu trả lời chung chung, nhiều câu hỏi khác mà PV đặt ra cho vị giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa. Tuy nhiên vị giám đốc Sở này vẫn viện ra nhiều lý do để không trả lời khiến cho dư luận đặt hoài nghi về dấu hiệu tiêu cực trong phi vụ tiền tỷ này.
Được biết, hiện Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đang làm việc với Sở Y tế để làm rõ việc mua máy xét nghiệm Covid-19 này.
Theo Pháp Luật Plus