Năm 2019 là năm thứ hai, nền kinh tế đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát được Quốc hội đề ra. Trong ảnh: Nhà máy của UMC Electronics tại Hải Dương. Ảnh: Đ.T |
Bệ phóng 2019
Hôm nay (21/10), Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV chính thức khai mạc và như thông lệ, Chính phủ sẽ có báo cáo quan trọng về tình hình kinh tế - xã hội 2019, kế hoạch 2020. Không quá khó để nhận ra, Việt Nam sẽ tiếp tục có một năm thành công, khi cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, có 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra và quan trọng là năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã được tăng 10 bậc.
“Năm 2019, tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Các con số cụ thể là tăng trưởng GDP đạt mức khá cao, ước đạt 6,8%, trong khi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm được kiểm soát ở mức thấp (2,7-3%). Quy mô kinh tế mở rộng, đạt khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.786 USD (năm 2018 là 2.590 USD).
Quan trọng hơn, chất lượng tăng trưởng duy trì đà cải thiện; tốc độ tăng năng suất lao động đạt khá (gần 5,9%), giúp duy trì mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 5,8%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm (5,5%/năm). “Tăng trưởng giảm dần phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tăng trưởng tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khá (42,7%)”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi thẩm tra báo cáo kinh tế cũng cho rằng, dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp hơn năm 2018..., nhưng kinh tế Việt Nam năm 2019 đã đạt được “những chuyển biến tích cực, toàn diện” trên nhiều khía cạnh.
“Đây là năm thứ hai, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát được Quốc hội đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, lạm phát đạt dưới 3% và bội chi ngân sách đạt 3,4% GDP trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, khó dự báo được đầy đủ từ trước”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận xét.
Ngay trước thềm Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2019, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi khi năm thứ hai liên tiếp, kinh tế - xã hội Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã nhấn mạnh việc nền kinh tế đạt được những kết quả “toàn diện và khá tích cực”. Thậm chí, nếu cố gắng, tăng trưởng kinh tế có thể đạt gần 7%, quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người đều tăng.
“Kinh tế vĩ mô xét trên cả 4 mặt là lạm phát, cán cân xuất nhập khẩu, bội chi và nợ công, lao động và việc làm đều ổn định và có bước tiến triển tốt”, ông Phùng Quốc Hiển nói.
Thành tựu kinh tế - xã hội 2019 chính là “bệ phóng” để nền kinh tế tiếp tục về đích kế hoạch năm 2020.
Sức bật của năm 2020
Cùng với việc đánh giá cao thành tựu đã đạt được của năm 2019, các phác thảo ban đầu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2020 đã được xây dựng và trình Quốc hội. Mục tiêu được đặt ra rất rõ ràng, đó là sẽ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...
Đồng tình với các mục tiêu này, song Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Chính phủ phải làm rõ hơn căn cứ xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng GDP thông qua các yếu tố đóng góp vào GDP năm 2020, như tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, chi tiêu của Chính phủ, đầu tư tích lũy tài sản.
Đặc biệt, theo ông Vũ Hồng Thanh, cần làm rõ về chỉ tiêu tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 7%, cũng như mục tiêu tỷ lệ nhập siêu dưới 3% kim ngạch xuất khẩu. Lý do là, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu vẫn ước tăng 7,9% trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ chậm lại dẫn đến kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam giảm hoặc tăng chậm lại...
Tương tự, đã 3 năm gần đây, Chính phủ đều trình Quốc hội tỷ lệ nhập siêu bằng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng kết quả thực tế là xuất siêu. “Phải làm rõ cơ sở của việc xác định chỉ tiêu này hàng năm để phù hợp với kết quả trong thực tế”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiêm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, năm 2020 là năm cuối của Chiến lược 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Do vậy, cần “nói rõ” năm 2020 phải làm gì để đạt mục tiêu Kế hoạch 5 năm và Chiến lược 10 năm. “Phải phân tích rõ liệu kết thúc năm 2020, chúng ta có đạt được các mục tiêu này không”, ông Định nói.
Liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trước hết, cần quan tâm tiếp tục thực hiện các giải pháp để thực hiện tốt Kế hoạch 2019, tạo bệ phóng cho kinh tế 2020. Trong đó, nhiều vấn đề cần làm rõ và tiếp tục có giải pháp, như giải ngân vốn đầu tư công chậm, tăng trưởng xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài...
Dự kiến một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2020 GDP tăng khoảng 6,8% so với năm 2019 CPI bình quân tăng dưới 4% so với bình quân năm 2019 Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7% so với năm 2019 Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP |