Nhãn hiệu là gì?
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Nhãn hiệu sẽ được pháp luật bảo hộ trong trường hợp chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký bảo hộ, nhãn hiệu là tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân và việc đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu là tự nguyện.
Một nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
– Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau và được pháp luật bảo hộ. |
Có các loại nhãn hiệu:
– Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
– Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
– Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.
– Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi.
Với chức năng là một công cụ marketing, nhãn hiệu truyền đạt tới người tiêu dùng uy tín của sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu được hình thành bởi trí tuệ, công sức, tiền của mà tổ chức, cá nhân đầu tư cho sản phẩm, dịch vụ đó.
Nhãn hàng hoá là gì?
Nhãn hàng hoá là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hoá.
Hàng hoá lưu thông trong nước, hàng hoá nhập khẩu, hàng hoá xuất khẩu bắt buộc phải ghi nhãn hàng hoá theo qui định của pháp luật về nhãn hàng hoá
Ghi nhãn hàng là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hoá lên nhãn hàng hoá để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hoá của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
Những hàng hoá sau không bắt buộc ghi nhãn:
– Hàng hoá là thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng;
– Hàng hoá là nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thuỷ sản, khoáng sản) vật liệu xây dựng (gạch, ngói, vôi, cát, đá, sỏi, xi măng, đất màu, vữa, hỗn hợp bê tông thương phẩm), phế liệu (trong sản xuất, kinh doanh) không có bao bì và bán trực tiếp theo thoả thuận với người tiêu dùng.
Nội dung ghi nhãn hàng hoá:
– Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hoá:
Tên hàng hoá; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; Xuất xứ hàng hoá (đối với hàng hoá nhập khẩu);
– Ngoài ra phải thể hiện trên nhãn hàng các nội dung bắt buộc tuỳ theo tính chất của mỗi loại hàng hoá, cụ thể như sau: Định lượng; Ngày sản xuất, hạn sử dụng; Thành phần hoặc thành phần định lượng; Thông số kỹ thuật; Thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.
Ngoài các nội dung bắt buộc, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá được phép ghi lên nhãn những nội dung khác. Những nội dung ghi thêm không được trái pháp luật và phải đảm bảo trung thực, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hoá, không che khuất, không làm sai lệch những nội dung bắt buộc ghi trên nhãn.
Nhãn hàng hoá phải được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá ở vị trí có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn hàng hoá mà không cần phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hoá. |
Phân biệt nhãn hiệu và nhãn hàng hóa
Sự khác nhau cơ bản giữa “nhãn hàng hóa” và “nhãn hiệu” được thể hiện ở một số khía cạnh như sau:
Chức năng
Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa dịch vụ của tổ chức này với hàng hóa dịch vụ của tổ chức khác và không phụ thuộc đó là loại hàng hóa gì, chỉ cần là của cùng một chủ thì sẽ có nhãn hiệu chung. Nhãn hàng hóa bao gồm các thông tin được thể hiện thông qua ghi nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật. Tức mỗi sản phẩm đều có nhãn hàng hóa riêng cho mình dù cùng một chủ sản xuất, tùy thuộc vào tính chất hàng hóa ấy là gì.
Như vậy, về bản chất “nhãn hàng hoá” chỉ thực hiện chức năng thông tin về hàng hoá cho người tiêu dùng, còn “nhãn hiệu” hàng hoá hay dịch vụ lại thực hiện chức năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại từ các nhà sản xuất khác nhau và có giá trị như một tài sản nếu được đăng ký bảo hộ.
Hình thức thể hiện
Nhãn hiệu hàng hóa được dể hiện dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc. Còn nhãn hàng hóa được thể hiện dưới dạng bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá.
Sử dụng nhãn hiệu/ nhãn hàng hóa
Việc sử dụng nhãn hiệu hàng hóa là quyền của cá nhân tổ chức. Các chủ thể này sử dụng nhãn hiệu không chỉ để làm dấu hiệu phân biệt mà còn sử dụng trong các hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, gây dựng thương hiệu cho sản phẩm, nói chung nhằm mụ đích kinh tế trong hoạt động thương mại.
Ngược lại, việc sử dụng nhãn hàng hóa là nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá phải thực hiện theo quy định của Nhà Nước.
Vai trò của nhãn hiệu/ nhãn hàng hóa
Nhãn hiệu hàng hóa được sử dụng để phực vụ cho mục đích thương mại của chủ thể kinh doanh, còn nhãn hàng hóa được sử dụng nhằm hướng tới bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cần chú ý tìm hiểu thông tin về hàng hoá được thể hiện trên nhãn hàng hoá. Hãy mua và sử dụng những loại hàng hoá có nhãn hàng hoá rõ ràng, đầy đủ các nội dung qui định, đó chính là cách tiêu dùng thông minh, góp phần cùng với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, các cơ quan quản lý nhà nước đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trên thị trường.
Nguồn: angkybaohothuonghieu.com/trademarks.vn