Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Điểm lại các thương vụ nội bộ tại 'hệ sinh thái' Kiến Á

DTVN 14:22 12/11/2024

Giữa các công ty thành viên trong hệ sinh thái Kiến Á với công ty mẹ có không ít thương vụ nội bộ đáng chú ý.

Kiến Á Group tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kiến Á, được biết đến là doanh nghiệp bất động sản đình đám tại TP.HCM khi sở hữu loạt dự án tên tuổi như: Khu dân cư Vĩnh Phước; Thương hiệu nhà phố biệt lập Citibella; dự án Lavila De Rio, Lavila Đông Sài Gòn 1 và 2, Lavila Nam Sài Gòn 1 và 2....

Ngoài ra, Kiến Á Group cũng nắm nhiều dự án bất động sản tại một số địa phương ngoài khu vực TP.HCM, như: Dự án Alila Bai Om Resort quy mô 50ha (Sông Cầu, Phú Yên), dự án Hyat regency Cam Ranh bay Resort and Spa (Lô D5 Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh),….

Theo giới thiệu trên website, Kiến Á đang sở hữu quỹ đất hơn 200ha với hơn 36 thành viên. Giữa các công ty thành viên trong hệ sinh thái Kiến Á với công ty mẹ có không ít thương vụ nội bộ đáng chú ý.

Kiến Á - Vĩnh Phú

Thương vụ nổi bật giữa Kiến Á và Công ty TNHH Đầu tư Vĩnh Phú là dưới vai trò nhà phát triển - nhà đầu tư tại loạt dự án nổi danh họ "Citi" thuộc KDC Cát Lái tại lô H2-04 và lô H2-01 thuộc Khu chung cư cao tầng và thương mại-dịch vụ-văn phòng (tên thương mại Citialto; Lô H1-09 thuộc dự án Citiesto (7.488 m2); và lô H1-07, có tên thương mại là CitiGrand.

Vĩnh Phú được biết đến là doanh nghiệp có nhiều mối liên hệ với Kiến Á. Theo tìm hiểu của PV, Vĩnh Phú được thành lập vào tháng 3/2007.

Theo đăng ký thay đổi hồi tháng 3/2014, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp có sự thay đổi đáng kể. Lúc này, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông Vĩnh Phú gồm: ông Lê Hải Dương (4,5%), ông Lê Đăng Tuấn (5,84%), ông Lê Vĩnh Phước (2,16%), bà Trương Thị Truyên (87,5%).

Thang 2/2015, bà Truyên giảm tỷ lệ sở hữu xuống 86,5%, Công ty TNHH Đầu tư Đại Hưng Phú 1%. tỷ lệ sở hữu của 3 cổ đông còn lại không thay đổi.

Sau nhiều lần điều chỉnh, tại đăng ký thay đổi gần đây nhất (tháng 5/2021), vốn điều lệ Vĩnh Phú ở mức 28,8 tỷ đồng, gồm các cổ đông: bà Trương Thị Truyên (86,5%), ông Lê Hải Dương (5,5%), ông Lê Đăng Tuấn (5,84%), ông Lê Vĩnh Phước (2,16%).

Ông Phước vẫn là Chủ tịch HĐTV, Người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Mối quan hệ giữa Kiến Á và Vĩnh Phú còn "sâu sắc" hơn khi lãnh đạo cấp cao tại 2 doanh nghiệp này phát sinh không ít giao dịch có giá trị lớn.

Đầu tiên phải kể đến ông Lê Vĩnh Phước- Chủ tịch HĐTV Vĩnh Phú. Ông Phước được biết đến là cổ đông sáng lập nắm 15% vốn tại CTCP Kiến Á Hoàn Mỹ (nay là CTCP Đạt Phước Hoàn Mỹ)- chủ đầu tư dự án Rivana (TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương). Các cổ đông sáng lập khác của Kiến Á Hoàn Mỹ gồm: CTCP Kiến Á (25%), bà Phạm Vũ Thị Như Hoàng (25%) và ông Nguyễn Bá Đạt (35%). Bà Như Hoàng được biết đến là một "mắt xích" quan trọng trong "hệ sinh thái" Kiến Á.

Ông Lê Vĩnh Phước cũng từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc, đại diện pháp luật của doanh nghiệp này thay ông Huỳnh Bá Sỹ Hào. Ông Huỳnh Bá Sỹ Hào (Bill Huỳnh) được biết đến là là con trai út của Chủ tịch Huỳnh Bá Lân.

Điểm lại các thương vụ nội bộ tại 'hệ sinh thái' Kiến Á- Ảnh 1.

Phối cảnh Dự án Lavila De Lago.

Quay trở lại với mối quan hệ giữa Kiến Á và nhóm cổ đông Vĩnh Phú, tháng 6/2021, Công ty TNHH Đầu tư Vĩnh An, ông Huỳnh Bá Lân (Chủ tịch Kiến Á Group), ông Bùi Tường Thụy (CEO Kiến Á Group) và ông Trương Văn Ngần đồng loạt thoái vốn tại Công ty TNHH Sài Gòn An Phú- chủ đầu tư Khu nhà ở Lavila De Lago (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM).

Cổ đông lúc này của Sài Gòn An Phú là ông Lê Hải Dương (cổ đông Vĩnh Phú) 99% và ông Hoàng Xuân Trường 1%.

Tuy nhiên, chỉ sau đó 3 tháng (tháng 9/2021), ông Lê Hải Dương và ông Hoàng Xuân Trường đã thoái toàn bộ vốn tại Sài Gòn An Phú cho CTCP Kiến Á (99%) và bà Trần Thị Tường Viên (1%).

Tính đến tháng 6/2021, ông Lê Hải Dương còn là cổ đông nắm tới 96% vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Phước Kiển- chủ đầu tư dự án Lavila Nam Sài Gòn 1 (đường Nguyễn Hữu Thọ, Phước Kiển, Nhà Bè, TP.HCM).

4% vốn còn lại của Đầu tư Phước Kiển do ông Huỳnh Trương Phất sở hữu. Ông Phất được biết đến là một thể nhân quan trọng trong "hệ sinh thái" Kiến Á.

Một cổ đông khác của Vĩnh Phú cũng phát sinh nhiều giao dịch với Kiến Á là bà Trương Thị Truyên.

Theo tìm hiểu, bà Truyên từng nắm 86,486% vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Giáo dục và Công nghệ Duy Tân. Tháng 6/2020, bà Trương Thị Truyên đã chuyển nhượng số cổ phần này cho bà Huỳnh Thúy Phương - con gái ông Huỳnh Bá Lân, Chủ tịch HĐQT Kiến Á.

Kiến Á Galleria - Đầu tư Giáo dục và Công nghệ Duy Tân

Công ty TNHH Kiến Á Galleria (trước đó là Công ty TNHH Phát triển Tây) - một công ty thành viên của Kiến Á Group, đã ký hợp đồng mua bán công trình thương mại - dịch vụ thuộc dự án The Headquarter của Kiến Á Galleria với Công ty TNHH Đầu tư Giáo dục và Công nghệ Duy Tân.

Đáng chú ý, Đầu tư Giáo dục và Công nghệ Duy Tân cũng có nhiều mối liên hệ với nhóm Kiến Á. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 12/2009, hiện ông Trương Văn Ngần (SN 1966) là Giám đốc, người đại diện pháp luật.

Sau khi nhận chuyển nhượng từ bà Trương Thị Truyên, đến tháng 6/2022, bà Huỳnh Thúy Phương tiếp tục nâng sở hữu tại Đầu tư Giáo dục và Công nghệ Duy Tân lên 99,977%.

Tại đăng ký thay đổi hồi tháng 11/2023, doanh nghiệp có vốn điều lệ 88,8 tỷ đồng; trong đó bà Huỳnh Thúy Phương nắm tỷ lệ chi phối 99,977% còn ông Trương Văn Ngần chỉ sở hữu 0,023%.

Bà Thúy Phương hiện đang là Phó Tổng Giám đốc Kiến Á Group. Ngoài ra, bà Thúy Phương còn đứng tên tại Công ty TNHH MTV Sài Gòn Bến Nghé, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Thế giới Mới (đơn vị gián tiếp sở hữu dự án Lavila De Rio tại Phước Kiển, Nhà Bè, TP.HCM);..

Điểm lại các thương vụ nội bộ tại 'hệ sinh thái' Kiến Á- Ảnh 2.

Phối cảnh dự án Lavila De Rio. Ảnh: Kiến Á

Không chỉ giữ vị trí quan trọng tại nhiều doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" Kiến Á, Huỳnh Thúy Phương hiện còn đang là Phó Chủ tịch Thường trực, Phó Hiệu trưởng Điều hành Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT). Đây là ngôi trường mà thời điểm thành lập, doanh nhân Huỳnh Bá Lân- Chủ tịch Kiến Á Group giữ chức Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng nhà trường.

Kiến Á - Sài Gòn Phú Minh

Tương tự Vĩnh Phú, CTCP Sài Gòn Phú Minh phát sinh các giao dịch thỏa thuận bồi thường Thửa đất số 775, Thửa đất số 746, Thửa đất số 686 (thuộc tờ bản đồ số 50, Xã Phước Kiển, Huyện Nhà Bè, TP.HCM) với nhiều thể nhân có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái Kiến Á gồm: ông Huỳnh Bá Lân và bà Phạm Vũ Thị Như Hoàng

Về Sài Gòn Phú Minh, doanh nghiệp này ban đầu có tên Công ty TNHH Sài Gòn Phú Minh, được thành lập vào ngày 7/8/2014, trụ sở chính đặt tại lầu 2, tòa nhà Imperia, số 5 đường Đông Tây 1, khu phố số 5, đường An Phú, quận 2, TP.HCM.

Vốn điều lệ 36 tỷ đồng, danh sách thành viên góp vốn gồm: Ngô Trần Công Luận (15%), Bùi Tường Thụy (12%), Bùi Bá Nghiệp (12%), Huỳnh Trương Phát (20%), Trần Đình Chiến (5%) và 36% còn lại thuộc về bà Lê Thị Phương Thảo. Người đại diện theo pháp luật là ông Cao Minh Trí (SN 1977)- Giám đốc.

Tháng 12/2015, doanh nghiệp tăng vốn lên 216,5 tỷ đồng; cơ cấu cổ đông lúc này gồm: Nguyễn Ngọc Anh Thu (55%) và Nguyễn Lê Diễm (45%). Bà Anh Thư (SN 1977) là Chủ tịch HĐQT.

Theo đăng ký thay đổi hồi tháng 2/2018, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty CP Sài Gòn Phú Minh; vốn điều lệ của Sài Gòn Phú Minh vẫn ở mức 216,5 tỷ đồng nhưng cổ đông có sự thay đổi. Thời điểm này, Công ty Cổ phần Kiến Á (Tập đoàn Kiến Á) sở hữu 60% vốn, Công ty Cổ phần Sài Gòn Xây dựng sở hữu 10% vốn và bà Nguyễn Lê Diễm (SN 1990) với 30% vốn. Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Nghĩa (SN 1971) còn Chủ tịch HĐTV là ông Huỳnh Bá Lân (SN 1956).

Tại đăng ký thay đổi gần đây nhất (tháng 5/2022), bà Phạm Vũ Thị Như Hoàng (SN 1979) thay ông Huỳnh Bá Sĩ Hào là Tổng Giám đốc, đại diện pháp luật của Sài Gòn Phú Minh.

Theo thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 13/4/2021, Sài Gòn Phú Minh phát hành 440 tỷ đồng trái phiếu mã SPJCH2126001 kỳ hạn 5 năm. Lãi suất phát hành thực tế là 11,25%/năm.

Mục đích phát hành là để bổ sung vốn thực hiện dự án Khu chung cư cao tầng- thương mại - dịch vụ - văn phòng (Lavila 5) tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu bao gồm: 78 quyền sử dụng đất tại phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM thuộc sở hữu của Công ty TNHH Đầu tư Việt Thăng Long; 2 quyền sử dụng đất tại thửa đất số 1243, 1244, tờ bản đồ số 50, Bộ địa chính xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM thuộc sở hữu của Công ty TNHH Lavila Phước Kiển; quyền sử dụng đất tại thửa đất số 164, tờ bản đồ số 18 tại đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP. HCM thuộc sở hữu của Công ty TNHH Kiến Á Galleria; quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất (căn biệt thự) tại thửa đất số 182, tờ bản đồ số 18 tại số 27, phân khu số 18A Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP. HCM thuộc sở hữu của ông Huỳnh Bá Lân và bà Trần Thúy Nga; hợp đồng tiền gửi trị giá 15,3 tỷ đồng mở tại HDBank.

Khối tài sản đảm bảo nêu trên được định giá 583,5 tỷ đồng.

Có mối quan hệ mật thiết với Kiến Á, vậy nên việc lô trái phiếu SPJCH2126001 của Sài Gòn Phú Minh được đảm bảo bằng tài sản của nhóm doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Kiến Á; ông Huỳnh Bá Lân và bà Trần Thúy Nga (vợ ông Lân) cũng là điều dễ hiểu.

Link gốc : https://antt.nguoiduatin.vn/diem-lai-cac-thuong-vu-noi-bo-tai-he-sinh-thai-kien-a-205241111145141765.htm

Bạn đang đọc bài viết Điểm lại các thương vụ nội bộ tại 'hệ sinh thái' Kiến Á tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn