Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Thị trường Tết: Không lo thiếu hàng

DTVN 06:07 24/01/2020

Do chuẩn bị tốt nguồn hàng và triển khai rộng Chương trình bình ổn thị trường nên nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá bán ổn định.

Đến thời điểm này, không khí mua sắm hàng hóa phục vụ Tết đã khá sôi động, sức mua dự báo sẽ tăng khoảng 15 - 20% so với các tháng bình thường trong năm. Tuy nhiên, do chuẩn bị tốt nguồn hàng và triển khai rộng Chương trình bình ổn thị trường nên nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá bán ổn định.

Sẽ không thiếu thịt lợn

Theo báo cáo, đến nay, về cơ bản, nguồn cung hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp Tết được đảm bảo. Mặc dù sức mua có tăng đối với một số mặt hàng như xăng dầu, thực phẩm…, các doanh nghiệp đều có kế hoạch dự trữ, chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nguồn cung hàng hóa khá dồi dào.

Tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 20 - 25% so với các tháng thường trong năm. Lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn cũng tăng khoảng 10% so với năm trước. Các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu…

Riêng với mặt hàng thịt lợn, các doanh nghiệp phân phối lớn đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng và dự trữ kho tương đối tốt, vì vậy, giá thịt lợn đã có xu hướng giảm khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg từ cuối tháng 12 và hiện đang giữ ổn định.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - thông tin: Các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường cam kết bán mặt hàng thịt lợn với giá thấp hơn giá thị trường 5%, không tăng giá trong dịp Tết, bán thịt lợn không lợi nhuận và thực hiện giảm giá tương ứng nếu giá thị trường giảm.

“Sự chung tay của các doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất tốt cho các hệ thống chợ truyền thống hay những điểm bán hàng bên ngoài” - ông Trần Duy Đông đánh giá.

Nhiều “đất” cho hàng Việt

Khảo sát tại các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Co.op mart, VinMart… cho thấy các loại hàng hóa mang nhãn mác Việt Nam chiếm số lượng không nhỏ từ hàng thực phẩm đến đồ gia dụng.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.op mart Hà Đông, năm nay các doanh nghiệp tiếp tục chú trọng cải thiện mẫu mã, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm hàng hóa phục vụ Tết, từ đó ngày càng khẳng định uy tín đối với người tiêu dùng. Hàng Việt, nhất là bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong hàng hóa phục vụ Tết.

Chị Nguyễn Thị Tâm (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, dịp Tết này, chị ưu tiên lựa chọn hàng nội địa do nguồn hàng phong phú, giá cả phải chăng. Gia đình tôi yên tâm và đánh giá cao hàng Việt Nam, bởi có xuất xứ rõ ràng, nhiều mặt hàng có mẫu mã, chất lượng không thua kém hàng ngoại.

Trên phạm vi cả nước, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các địa phương tổ chức hàng nghìn chuyến hàng lưu động đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhất là những phiên chợ xuân, phiên chợ lưu động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ cho người lao động, người công nhân không có điều kiện đi mua sắm Tết. Các đợt bán hàng lưu động cũng như các chương trình phiên chợ hàng Việt, phiên chợ Tết đều được các doanh nghiệp cũng như người dân địa phương hưởng ứng tích cực, mang lại hiệu quả cao trong việc góp phần bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân cả nước trong dịp Tết Canh Tý 2020.

Nhìn chung, thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.

Theo Mai - Trang/Báo Công Thương Điện Tử

Link gốc : https://congthuong.vn/thi-truong-tet-khong-lo-thieu-hang-131558.html

Bạn đang đọc bài viết Thị trường Tết: Không lo thiếu hàng tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường