Giá thịt heo đang giảm mạnh, doanh nghiệp chung tay cùng Chính phủ
Sau chuỗi ngày tăng và có nơi chạm đỉnh 100.000 đồng một kg, hai ngày nay, giá heo hơi đang giảm 10.000-15.000 đồng.
Cụ thể, tại miền Bắc, giá heo hơi nhiều tỉnh giá rơi từ 90.000 đồng xuống 80.000-83.000 đồng một kg. Giá tại Phú Thọ giảm đến 6.000 đồng một kg so với hôm qua, xuống 82.000 đồng một kg. Tuyên Quang giảm giá còn 83.000 đồng, Hưng Yên - tỉnh có giá heo vọt lên 100.000 đồng cũng đã xuống mức 89.000 đồng một kg.
Với miền Trung và Tây Nguyên, giá heo cũng hạ nhiệt thêm 5.000 đồng xuống bình quân còn 83.000-86.000 đồng một kg heo hơi. Trong đó, Nghệ An, Thanh Hoá, giá heo hơi hôm nay đã rớt xuống còn 82.000 đồng một kg. Kon Tum, Đắk Lắk giá hạ nhiệt xuống 85.000 đồng, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà giá heo giao dịch ở mức từ 81.000- 86.000 đồng một kg.
Tại miền Nam, giá heo hơi còn 77.000 - 83.000 đồng một kg. Là thủ phủ chăn nuôi heo lớn nhất cả nước với tổng thiệt hại đàn chiếm trên 40% nhưng giá heo hơi tại Đồng Nai cũng đã nhanh chóng "lao dốc" xuống còn 83.000 đồng một kg. Ngay chợ đầu mối Hóc Môn, sườn non giảm 10.000 đồng xuống 130.000 đồng, giò heo còn 93.000 đồng một kg, giảm thêm 2.000 đồng so với ngày trước đó.
Hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp chăn nuôi và bán lẻ cho biết, với mức giá trên họ có thể chỉ hòa vốn. Tuy nhiên, đây là động thái các doanh nghiệp muốn chung tay đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn trong việc bình ổn giá và chia sẻ với người tiêu dùng.
Big C cũng cam kết bán giá vốn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết, trong khi Sài Gòn Co.Op sẽ bán mặt hàng thịt ba chỉ với giá thấp hơn thị trường 20%, sườn non thấp hơn 8%, xương đùi thấp hơn 25%, xương ống thấp hơn 35%.
Gia tăng nhập khẩu thịt heo đón Tết
Ngày 3-1, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, lượng thịt lợn nhập khẩu trong tháng 10 và 11/2019 tăng mạnh. Riêng tháng 11, lượng thịt lợn nhập khẩu đạt hơn 15 nghìn tấn, tăng 164% về lượng so cùng kỳ năm 2018.
Chủng loại thịt lợn nhập khẩu về chủ yếu là thịt cốt-lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương…, từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Ba Lan, Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Hà Lan…
Để bình ổn giá thịt lợn ở thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, các Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam để đa dạng hóa nguồn cung thịt lợn.
Ngoài ra, các Sở Công thương và lực lượng Quản lý thị trường tại khu vực biên giới cũng tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, mua bán trái phép lợn sống và các sản phẩm từ lợn qua biên giới. Đồng thời, chủ động ứng phó với hiện tượng đầu cơ, tích trữ, gây bất ổn đến thị trường trong nước.
Vẫn cần gia tăng rà soát kỹ
Trao đổi trênVnExpress, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai nêu 4 nguyên nhân tác động mạnh khiến giá thịt heo đi xuống.
Thứ nhất là sự can thiệp của Chính phủ trong việc rà soát chặt chẽ nguồn heo trong nước.
Thứ hai là tăng nguồn thịt heo nhập khẩu.
Thứ ba là, người tiêu dùng bắt đầu có xu hướng chuyển sang ăn thịt mát nên sản phẩm đông lạnh nhập khẩu về bắt đầu được người tiêu dùng đón nhận.
Cuối cùng là khi giá heo được các công ty dẫn dắt thị trường điều chỉnh đi xuống thì người chăn nuôi, trang trại nhỏ lẻ bắt đồng loạt bán ra giúp nguồn cung tăng và giá heo được hạ nhiệt.
Ngoài ra, ông Công tiết lộ thêm, heo sống được nhập lậu từ Thái về ngày càng nhiều. Trong khi đó, dịch tả heo châu Phi cũng đang xuất hiện tại một số tỉnh ở Thái Lan. Do đó, theo ông Công, Chính phủ cần cẩn trọng và rà soát kỹ bởi đây là vấn đề quan trọng cho an toàn của ngành chăn nuôi.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ