Central Retail cam kết bán thịt heo không lợi nhuận
Thời gian gần đây, giá thịt heo tăng cao kỷ lục. Sự tăng giá phi mã này đã tác động không nhỏ đến bữa cơm gia đình, kéo theo sự tăng giá rất cao của nhiều ngành thực phẩm khác kể cả không phải những sản phẩm chế biến từ thịt heo và gây khó khăn cho việc kinh doanh của người dân. Đặc biệt, nhu cầu về thịt heo trong dịp Tết 2020 tăng nhanh khiến giá cả mặt hàng này càng trở nên khó kiểm soát.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail, cho biết: "Việc tăng giá thực phẩm nói chung và thịt heo nói riêng gây ra ảnh hưởng không nhỏ cho khách hàng, đặc biệt là trong dịp Tết này, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, chúng tôi cam kết bán thịt heo không lợi nhuận, giúp cuộc sống khách hàng dễ dàng hơn, đón Tết trọn vẹn hơn".
-- |
Theo đại diện Central Retail, đây là nỗ lực của tập đoàn trong việc đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu bình ổn giá thịt heo giai đoạn này nói riêng và giá thực phẩm nói chung trong giai đoạn cao điểm của Tết Nguyên đán nói chung.
Ngoài hành động cụ thể chung tay cùng Chính phủ trong việc bình ổn giá thịt heo, hệ thống Big C, GO! còn phối hợp với các Bộ, ban, ngành và các địa phương tổ chức các tuần hàng nông sản và đặc sản địa phương tại hệ thống của mình nhằm tăng thêm lựa chọn thực phẩm cho người tiêu dùng dịp cuối năm.
Giá thịt lợn hơi sẽ giảm trở lại mức giá an toàn 50.000-60.000 đồng/kg?
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, tình hình cung ứng thực phẩm cho nhu cầu trước, trong, sau Tết Nguyên đán 2020 thiếu không đáng kể do tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi các sản phẩm thực phẩm khác đều tăng nhanh bù lại nguồn thực phẩm từ thịt lợn.
Dự tính giá thịt lợn sau một thời gian tăng đột biến sẽ giảm trở lại mức giá an toàn từ 50-60.000 đồng/kg thịt lợn hơi.
Nguồn cung nội tại của Hà Nội đối với mặt hàng thịt lợn, thịt gà đáp ứng đủ nhu cầu thị trường Hà Nội trong điều kiện bình thường.
Tuy nhiên khi có dịch bệnh, nhu cầu đa dạng và tăng trong dịp Tết nên nguồn cung có sự thiếu hụt.
Đối với mặt hàng thịt lợn, nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội trong dịp Tết khoảng 22.300 tấn hơi/tháng (tăng khoảng 18-20% so với các tháng thường).
Về nguồn cung theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Hà Nội, ước tính tổng đàn lợn trên địa bàn đến hết tháng 10/2019 là 18.800 tấn hơi (tăng 4.600 tấn so với tháng 9).
Như vậy, so với nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết, sản lượng thịt lợn còn thiếu khoảng 3.500 tấn hơi.
Lượng thịt thiếu hụt sẽ được bảo đảm từ việc tăng sản lượng xuất chuồng trong thời gian tới, từ các sản phẩm thay thế khác tương đối dồi dào (sản lượng thịt bò tăng 0,6%, gia cầm tăng 18%, thủy sản tăng 5,9%) và khai thác từ các tỉnh thành lân cận.
Hà Nội đã có thỏa thuận phối hợp về công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật với 24 tỉnh, thành phố. Đồng thời, UBND thành phố cũng đã có chỉ đạo về triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn cung và bình ổn thị trường thịt lợn trên địa bàn thành phố.
Hiện đàn lợn của thành phố là hơn 1 triệu con, giảm 39,8% so với cùng kỳ 2018. trong đó trọng lượng xuất chuồng trung bình là 130-140kg tăng 30-35% so với cùng kỳ 2018.
Cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay dịch tả lợn Châu Phi cơ bản đã được khống chế, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã qua 30 ngày không phát dịch trở lại.
Việc tái đàn phát triển sản xuất bù lại lượng thịt lợn thiếu hụt đáp ứng cân đối cung cầu là cần thiết song phải tuân thủ nguyên tắc quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo chuỗi khép kín có kiểm soát. Sở NN&PTNT Hà Nội đã xử lý 105 hộ nuôi do tái đàn không đúng quy định, lập biên bản xử lý phạt 53.500.000 đồng, buộc tiêu hủy theo quy định và không hỗ trợ 551 con.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ