Chi phí xây dựng dở dang gần 6.100 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (TISCO, UpCOM:TIS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022. Theo đó, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 24,2% so với cùng kỳ, đạt hơn 3.733 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn với mức 26,1% nên biên lợi nhuận giảm từ 5,2% xuống 3,7%.
TISCO II vẫn là một dự án dang dở, hoang tàn sau hơn chục năm. |
Ở Kỳ này, chi phí tài chính giảm 16,7% do lãi vay giảm, song doanh thu tài chính tăng 233,3% lên gần 1 tỷ đồng do công ty ghi nhận gần 731,5 triệu đồng từ chênh lệch tỉ giá. Chi phí bán hàng giảm 24,3% còn 11,2 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 24,5% lên 60 tỷ đồng.
Kết quả, doanh nghiệp gang thép này thu về hơn 29 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 34,1% so với cùng kỳ.
Năm nay, TISCO đặt kế hoạch doanh thu năm 2022 đạt 20.105 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2021 song lợi nhuận lại dự kiến chỉ đạt 90 tỷ đồng, giảm mạnh 42% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, sau quý I, doanh thu đạt 18,6% còn lợi nhuận hoàn thành 41,3% kế hoạch năm.
Tại thời điểm ngày 31/3/2022, TISCO có 11.100 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 7,5% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng 1,5%, đạt mức 260,3 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn giảm 32,7% còn 664 tỷ đồng; hàng tồn kho gấp 1,7 lần lên hơn 2.435 tỷ đồng.
Phần chiếm gần 55% cơ cấu tài sản là chi phí xây dựng cơ bản dở dang với 6.098 tỷ đồng, trong đó 99,7% là chi phí cải tạo TISCO giai đoạn 2. Tổng giá trị đầu tư của dự án là 6.075 tỷ đồng. Trong đó, lãi vay vốn hóa là 2.788,7 tỷ đồng, chi phí phát sinh chủ yếu trong quý I năm nay là chi phí lãi vay vốn hóa.
Hiện tại, dự án đã kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu, ban lãnh đạo TISCO cùng Tổng Công ty Thép Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với các nhà thầu và phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan để tháo dỡ các khó khăn cho dự án.
Về nguồn vốn, TISCO giảm vay ngắn hạn từ 2.533 tỷ đồng xuống 2.498 tỷ đồng; giảm vay dài hạn từ 1.789 tỷ đồng xuống 1.742 tỷ đồng. Tổng nợ vay giảm 1,9%, nhưng vẫn ở mức gấp đôi vốn chủ sở hữu.
Công ty hiện nay đang còn khoảng 2.200 tỷ đồng nợ gốc và lãi vay phải trả ngân hàng liên quan đến Dự án Gang thép giai đoạn 2 đã quá hạn thanh toán nhưng chưa có nguồn trả nợ.
Lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến cuối quý I/2022 của công ty chỉ đạt vỏn vẹn 309 tỷ đồng. Gánh nặng nợ lớn là nguyên nhân khiến TISCO 10 năm liên tiếp không chia cổ tức cho cổ đông.
Nguồn: Đan Nguyên tổng hợp. |
Về kế hoạch đầu tư trong năm nay, TISCO dự kiến đầu tư vào 3 dự án trong năm 2022, bao gồm dự án cải tạo mở rộng khai thác hầm lò Nam Làng Cẩm, dự án khai thác than mỡ hầm lò khu Bắc Làng Cẩm và dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác quặng sắt khu Hòa Bình (thuộc xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên).
Về dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, TISCO khẳng định sẽ tiếp tục triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, các ban, bộ ngành của Tổng Công ty Thép Việt Nam.
TISCO II vẫn "ngốn" thêm trăm tỉ đồng dù đang "đắp chiếu"
Theo tìm hiểu từ nhiều nguồn tin trước đó từ năm 2021 cho thấy, chi phí xây dựng mở rộng sản xuất giai đoạn II Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO II) đã tăng hơn 241 tỷ đồng so hồi đầu năm, mặc dù dự án này vẫn trong tình trạng "đắp chiếu".
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 của TISCO, tính đến ngày 30/9, chi phí xây dựng của Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II (TISCO II) là hơn 5.906 tỷ đồng, tăng hơn 241 tỷ đồng so với đầu năm.
Sau 14 năm xây dựng, mở rộng, đến nay, TISCO II vẫn đang trong trình trạng "đắp chiếu" và là dự án đầy tai tiếng của Gang thép Thái Nguyên.
TISCO II có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 3.800 tỷ đồng nhưng trên thực tế đến nay, số tiền đổ vào dự án này đã lên tới gần 6.000 tỷ đồng. Tuy vậy, đổi lại chỉ là cỏ dại mọc khắp nhà máy, ống thép, khung nhà, thiết bị hoen gỉ phơi nắng mưa.
Cuối tháng 4/2021, các cơ quan tố tụng đã tiến hành điều tra xét xử “đại án” gây thất thoát 830 tỷ đồng đối với gần 20 bị cáo xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty CP Gang thép Thái Nguyên với những bản án thích đáng.
TISCO phải chịu áp lực ngày càng lớn, thậm chí đang đứng trước bờ vực đổ vỡ, bởi hậu quả do TISCO II để lại. Một số chuyên gia nhận định, nếu tiếp tục kéo dài tình trạng “đắp chiếu” thì thời gian tới nhiều khả năng TISCO sẽ không trụ vững.
Cùng với đó là dàn máy móc, thiết bị với giá trị vài nghìn tỷ đồng đã được đầu tư sẽ không còn giá trị bởi hư hỏng theo thời gian và lạc hậu về công nghệ.
Hơn 1 thập kỷ "không về đích" Dự án TISCO II khởi công tháng 9/2007, với tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng; đơn vị trúng thầu thiết kế, lắp đặt, chuyển giao (gói thầu EPC số 01) là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC), thời gian thực hiện dự án là đến hết năm 2014. Tháng 5/2013, Chủ tịch HĐQT TISCO quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên hơn 8.104 tỷ đồng (tăng 4.261 tỷ đồng). Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án nằm bất động vì không bố trí được vốn. Trên thực tế, gói thầu EPC số 01 do MCC thực hiện đã tạm dừng thi công từ năm 2013, các hạng mục đều đang xây dựng dở dang, cả dự án “đắp chiếu”; nhưng tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho dự án là khoảng 4.421 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng là gần 3.900 tỷ đồng, còn lại là vốn tự có. |