Hà Nội, Thứ Năm Ngày 10/10/2024

Thói quen mua sắm khi đi siêu thị khiến người tiêu dùng thường xuyên 'cháy túi'

VIETQ 10:30 06/10/2021

Đi siêu thị mua sắm đã trở thành thói quen tiêu dùng quen thuộc. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần tỉnh táo để tránh dính vào “bẫy” mua sắm – khiến chúng ta dễ dàng bỏ ra số tiền nhiều hơn dự tính để mua

Đi siêu thị đã trở thành thói quen và sở thích của nhiều người tiêu dùng. Thế nhưng, nhiều người vẫn than thở sau mỗi lần đi siêu thị để mua sắm thường tốn rất nhiều tiền, thậm chí rơi vào cảnh “cháy túi”. Do đó, nếu biết cách đi siêu thị khôn ngoan và có tính toán một chút, người tiêu dùng có thể dễ dàng tiết kiệm được chi tiêu, không bị tiêu tiền quá với khả năng dự tính.

Dưới đây là một số sai lầm mua sắm người dùng thường mắc phải khi đi siêu thị. Nếu vẫn còn giữ một hoặc nhiều thói quen trong này, người tiêu dùng cần thay đổi sớm để bảo vệ túi tiền của mình.

1. Không lập danh sách thực phẩm cần mua

Kiểm tra lại thực phẩm còn trong tủ lạnh là công đoạn rất quan trọng trước khi đi siêu thị nhưng nhiều người tiêu dùng thường bỏ qua. Việc làm này giúp cho chúng ta nắm được số lượng thực phẩm còn lại hoặc những đồ vẫn có thể tiếp tục sử dụng. Từ đó lên danh sách các đồ dùng, vật dụng còn thiếu cần được bổ sung. Nếu không có danh sách hợp lí, người tiêu dùng sẽ dễ dàng chi tiêu quá tay, đôi khi đồ dùng còn thiếu lại không mua mà lại mua những thứ không hay sử dụng đến.

Chính vì vậy, việc kiểm tra lại thực phẩm, đồ dùng trước khi quyết định đi mua sắm là vô cùng cần thiết. Căn cứ vào những gì còn lại, người tiêu dùng hãy lập danh sách các món đồ thiết yếu cần phải bổ sung. Cách làm này sẽ giúp chúng ta mua đủ những thứ mình cần, không thừa cũng không thiếu.

2. Không giới hạn thời gian đi siêu thị

Nhiều người có thói quen dạo khắp siêu thị trong nhiều giờ xem các loại hàng hóa mặc dù không có nhu cầu mua chúng. Điều này tưởng như bình thường vì các siêu thị thường không giới hạn thời gian với khách hàng trong mỗi lần mua sắm. Thế nhưng, nhiều nghiên cứu thực tế đã chỉ ra rằng, chúng ta có xu hướng tiêu nhiều tiền hơn khi ở lại cửa hàng hoặc siêu thị quá lâu.

Nếu muốn “bảo vệ” túi tiền của mình, người tiêu dùng nên hạn chế việc nhàn nhã dạo quanh các kệ hàng mà không để ý thời gian. Điều này vô tình sẽ khiến chúng ta dễ tiêu tiền cho những món đồ mà bản thân không thật sự cần đến. Do đó, chúng ta nên giới hạn thời gian cho mỗi lần đi siêu thị của bản thân. Khi đã mua đủ đồ dùng cần thiết, hãy đến quầy thanh toán thay vì tiếp tục dạo quanh siêu thị để ngắm các món đồ mà chúng ta không có nhu cầu dùng đến.

3. Tần suất đi siêu thị quá nhiều

Cũng giống như việc ở lại siêu thị quá lâu, tần suất đi siêu thị càng lớn (nhiều hơn 1 lần / tuần) thì khả năng đưa ra các quyết định mua sắm thừa thãi ngày càng cao. Lí do bởi vì, khi trong nhà thiếu thứ gì đó, chúng ta thường muốn đi mua ngay lập tức để bổ sung. Điều này vô tình khiến cho tần suất ghé thăm siêu thị ngày một tăng lên. Trong những lần “vô tình” ghé thăm siêu thị ấy, thay vì chỉ mua món mình cần, nhiều người dễ có xu hướng mua thêm những thứ không cần thiết với lý do “mua thừa còn hơn thiếu”.

Để giải quyết vấn đề này, người tiêu dùng có thể trì hoãn kế hoạch mua sắm nếu món đồ đó không thực sự cần thiết. Nên giới hạn số lần đi siêu thị là 1 lần / tuần, nếu gia đình có nhu cầu mua sắm lớn cũng chỉ nên dừng ở con số 2.

4. Đi mua sắm khi đang đói

Điều này tưởng như vô lí nhưng lại là nguyên nhân khiến người tiêu dùng chi nhiều tiền hơn khi đi mua sắm. Mua hàng khi đang đói vừa khiến chúng ta mệt mỏi lại dễ rơi vào xu hướng mua nhiều hơn những thứ mình không cần – đặc biệt là đồ ăn. Bởi khi đói, chúng ta dễ có xu hướng muốn ăn rất nhiều để thỏa lấp cơn đói đang ập đến. Điều này vô tình sẽ khiến người dùng dễ dãi hơn trong việc chi nhiều tiền hơn để mua đồ ăn giúp xoa dịu cơn đói.

Ngoài ra, đồ ăn thử ở siêu thị có thể kích thích “cảm giác có đi có lại”. Cụ thể hơn, khi được ăn thử một món ngon, chúng ta thường cảm thấy nên “trả lại” thứ gì đó cho người bán hàng để không cảm thấy áy náy. Từ đó, những món đồ ăn thử miễn phí vô tình khiến chúng ta tự nguyện “trả phí” để mua sản phẩm đó.

Đây là những sai lầm khá “kinh điển” nhưng nhiều người vẫn mắc phải. Do đó, trước khi đến siêu thị, hãy chú ý ăn no hoặc lót dạ trước – vừa có sức lực để mua sắm vừa tránh được việc tiêu quá số tiền quy định. Một cái bụng “rỗng” khi đi siêu thị sẽ khiến người tiêu dùng khó mà bảo vệ được sự cân đối cho ví tiền của mình.

5. Chú ý thứ tự khi mua sắm

Nhiều người tiêu dùng có thói quen mua nhiều thực phẩm ăn vặt như bánh kẹo, snack ,... khi thấy giỏ hàng của mình còn vơi. Tuy nhiên, điều này khá sai lầm vì nó chỉ khiến cho chúng ta dễ sa đà vào việc lựa chọn các đồ ăn vặt mà không chú ý đến những thực phẩm mình thực sự cần mua.

Nếu không thể chịu được việc giỏ hàng còn trống, hãy ghé gian hàng trái cây, rau củ quả để lấp đầy giỏ hàng của mình. Trái cây, rau củ quả thường chiếm nhiều không gian trong giỏ hàng. Do đó, khi thấy không còn nhiều chỗ trống, người tiêu dùng sẽ không còn “tiện tay” lựa chọn những sản phẩm không thực sự cần thiết và không tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, khi mua sắm, hãy chọn những thực phẩm khô, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm trước. Những loại thực phẩm tươi sống như thịt, sữa, thực phẩm đông lạnh nên chọn sau cùng vì chúng dễ hỏng, nhiễm khuẩn nếu không được bảo quản đúng cách.

6. Mua hàng số lượng lớn khi có giảm giá

Các chương trình giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn thường khiến người tiêu dùng dễ dàng chi nhiều tiền hơn để mua số lượng lớn với giá cả phải chăng. Trước những chiến dịch khuyến mãi, người mua thường có xu hướng mua sắm tăng từ 30 đến 100% so với nhu cầu của mình. Mua số lượng nhiều để dùng dần giúp tiết kiệm số tiền đáng kể trong ngân sách thực phẩm. Bằng cách mua số lượng lớn khi các mặt hàng đó được giảm giá, người tiêu dùng sẽ có được mức chi phí thấp nhất.

Thế nhưng, người tiêu dùng nên kiên trì mua các sản phẩm với đúng nhu cầu của bản thân và với số lượng cần thiết. Trừ khi mặt hàng giảm giá đó là những loại có thể để đông lạnh hoặc bảo quản trong một thời gian dài. Nếu không phải mặt hàng có thời hạn sử dụng được lâu, việc “ôm” quá nhiều hàng giảm giá về nhà sẽ khiến người tiêu dùng không thể tiêu thụ, sử dụng được hết trước khi các sản phảm này hết hạn. Việc làm này vừa gây lãng phí tiền bạc vừa khiến các thực phẩm phải bỏ đi vô ích.

7. Mua sắm tại một siêu thị duy nhất

Việc trở thành khách hàng thân thiết của một hệ thống siêu thị nào đó sẽ giúp người tiêu dùng được hưởng nhiều ưu đãi, chính sách giảm giá hấp dẫn. Tuy nhiên, đây không phải là một phương án tốt.

Ngày càng có nhiều các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm được mở bán. Hàng hóa tại các siêu thị khác nhau có thể được bán với mức giá chênh lệch. Do đó, người tiêu dùng nên tham khảo thêm các sản phẩm ở những siêu thị khác để có thể mua được với giá rẻ hơn. Ngoài ra, việc chỉ mua sắm tại một địa chỉ khiến người tiêu dùng có thể bỏ lỡ cả loạt chương trình khuyến mại hấp dẫn từ siêu thị khác.

Người tiêu dùng cũng nên ghé qua các chợ truyền thống để mua sắm bởi vì giá cả ở chợ nông sản sẽ thấp hơn tại siêu thị và các chuỗi cửa hàng bán lẻ khác.

8. Không chú ý tới các ưu đãi

Vào các dịp đặc biệt, nhiều siêu thị, cửa hàng thường tổ chức những chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn. Người tiêu dùng nên chú ý các dịp này để tận dụng tối đa các ưu đãi, chiết khấu từ đơn vị bán hàng để có thể mua các sản phẩm vẫn có chất lượng tốt với mức giá “hạt dẻ”. Ngoài ra, mua sắm trên các ứng dụng trực tuyến cũng là một cách nhận được nhiều ưu đãi cùng với miễn phí vận chuyển.

9. Bỏ qua các mặt hàng thay thế

Nhiều người thường ngại thay đổi nên có thói quen chỉ sử dụng sản phẩm mình yêu thích của một nhãn hàng nhất định. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên để ý tới các mặt hàng cùng loại nhưng của các nhãn hàng khác nhau. Đó có thể là một sản phẩm đang được giảm giá hoặc đến từ thương hiệu kém nổi tiếng hơn. Điều này giúp tiết kiệm được khá nhiều tiền bằng cách thay thế món đồ yêu thích bằng mặt hàng khác có giá thành rẻ hơn, mà chất lượng không khác nhau nhiều. Hãy thử áp dụng cách này, người dùng sẽ thấy hóa đơn của mình giảm đi một khoản tiền không nhỏ.

10. Quá tin tưởng vào các tờ rơi khuyến mại

Những gì được viết trên tờ rơi khuyến mại của các siêu thị nhiều khi đang “đánh lừa” người tiêu dùng. Mọi người vào siêu thị mua sắm vì đọc được thông tin khuyến mại trên tờ quảng cáo, thế nhưng nhiều trường hợp khi đến nơi mới nhận ra chỉ có vài sản phẩm được giảm giá, còn lại là khuyến mại nhỏ. Mục đích chính của các tờ quảng cáo này là để đưa khách hàng vào bên trong siêu thị. Từ đó khiếu người tiêu dùng vô tình mua nhiều thứ không có trong dự định.

Chất lượng cuộc sống ngày một tăng lên khiến nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng ngày càng cao. Do đó, người dùng nên thay đổi một vài thói quen mua sắm, lựa chọn sáng suốt, tìm hiểu kĩ thông tin sản phẩm cũng như nhu cầu và mục đích sử dụng của bản thân và gia đình để tiết kiệm được chi tiêu, tránh “mất tiền oan” khi đi siêu thị mua sắm.

Link gốc : https://vietq.vn/thoi-quen-mua-sam-khi-di-sieu-thi-sai-lam-khien-nguoi-tieu-dung-thuong-xuyen-chay-tui-d191988.html

Bạn đang đọc bài viết Thói quen mua sắm khi đi siêu thị khiến người tiêu dùng thường xuyên 'cháy túi' tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường