Hà Nội, Thứ Ba Ngày 15/10/2024

Ồ ạt nhập khẩu thịt đông lạnh: Lợi bất cập hại

vietq 17:26 10/10/2021

Việc ồ ạt nhập khẩu thịt đông lạnh trong 9 tháng đầu năm 2021 đã khiến giá lợn hơi liên tục "lao dốc".

Ồ ạt nhập khẩu thịt đông lạnh

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong 9 tháng năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 125.600 tấn thịt lợn, chủ yếu từ các thị trường: Nga (33,80%), Đức (24,9%), Ba Lan (12,68%)…

Tổng đàn lợn đến hết tháng 9.2021 đã có khoảng 28 triệu con, nguồn cung lợn trong nước dư thừa, tuy nhiên Bộ NNPTNT lại cho phép nhập khẩu thịt lợn đông lạnh ồ ạt về Việt Nam, "làm khó" người chăn nuôi trong nước.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, từ trước đến nay, các sản phẩm chăn nuôi đều không có hạn ngạch mà do các doanh nghiệp khảo sát thị trường và tự đàm phán, nhập khẩu về theo quy định về quy định về an toàn thực phẩm.

“Nhập khẩu thịt đông lạnh không có hạn ngạch, doanh nghiệp nhập khẩu theo nhu cầu kinh doanh, thương mại của đơn vị mình”, đại diện Cục Thú y nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ NNPTNT không nên "thả nổi" việc nhập khẩu thịt đông lạnh để doanh nghiệp tự ý muốn nhập về bao nhiêu thì nhập. Bởi, năm 2019, khi giá lợn hơi cao chót vót 80.000-90.000 đồng/kg, Bộ NNPTNT đã họp với 16 doanh nghiệp vận động các doanh nghiệp này hạ giá lợn hơi để hỗ trợ người tiêu dùng. Nay, giá lợn hơi giảm "sập sàn", tại sao không thấy Bộ NNPTNT có động thái tương tự để hỗ trợ người chăn nuôi: Không những thế, Bộ NNPTNT vẫn để thịt lợn đông lạnh ồ ạt được nhập về, khiến nguồn cung trong nước càng thêm dư thừa.

Ảnh minh họa.

Chia sẻ về việc ồ ạt thịt đông lạnh nhập khẩu, chủ trại chăn nuôi Bình An tại Bình Thuận bức xúc: “Trong khi giá lợn hơi trong nước đang “rẻ như bèo”, việc nhập khẩu ồ ạt hàng trăm nghìn tấn thịt đông lạnh thực sự là động thái “chở củi về rừng”, gây rất nhiều hệ lụy cho ngành chăn nuôi trong nước và đẩy người chăn nuôi đến bờ vực phá sản”

Theo ông Đường Minh Thành ở Nghệ An, lợn đã vượt 120kg/con mà bóng dáng thương lái vẫn không thấy đâu. Nay giá lợn giảm sâu, mỗi con lợn lỗ gần 2 triệu đồng, muốn đẩy đi để cắt lỗ cũng không được.

Còn theo bà H.H (Hà Nội), người tiêu dùng ít mua thịt đông lạnh để chế biến cho bữa ăn gia đình, nên nói nhập khẩu thịt đông lạnh để người tiêu dùng có thêm lựa chọn là chưa chính xác.

"Đòn đau" với chăn nuôi trong nước

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhập khẩu ồ ạt thịt heo sẽ gây khó cho ngành chăn nuôi trong nước. Trong khi chất lượng thịt nhập khẩu cũng là vấn đề vì có loại giá về cảng Việt Nam thấp hơn cả giá heo hơi trong nước.

Chưa kể, nguồn thịt heo nhập khẩu từ Mỹ và Canada có thể còn dư lượng chất tạo nạc ractopamine. Ông Phạm Đức Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam - cho biết Việt Nam đã cấm sử dụng các chất tạo nạc gốc Beta-agonist (bao gồm clenbuterol, salbutamol và ractopamine) nhưng Mỹ và Canada vẫn cho sử dụng ractopamine trong chăn nuôi heo, bò, gà, ngựa...

Tất nhiên, quốc gia xuất khẩu thịt heo cũng có quy định ngưng sử dụng một thời gian trước khi đưa vào giết mổ và giới hạn tối đa hàm lượng cho phép. Nhưng tại Việt Nam là chất cấm nên về nguyên tắc, Việt Nam phải cấm nhập khẩu thịt được nuôi có dùng chất tạo nạc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngọc - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho rằng nếu mở cửa cho thịt nhập khẩu tràn vào sẽ là một đòn giáng mạnh vào nông dân vốn đã kiệt quệ do dịch bệnh.

Một khi thịt nhập chiếm lĩnh thị trường trong nước, ngành chăn nuôi sau dịch bệnh rất khó hồi phục. "Việt Nam không thiếu thịt nếu Nhà nước có chính sách điều tiết hợp lý. Trong khi thịt heo đang thiếu thì thịt gà, vịt và trứng nuôi trong nước lại đang thừa khiến nông dân lỗ nặng" - ông Ngọc cho hay.

Tiêu chuẩn quốc gia về thịt mát

Tiêu chuẩn TCVN 12429:2018 về thịt mát do Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, ban hành.

Theo quy định của tiêu chuẩn này, thân thịt ngay sau khi giết mổ ở dạng nguyên con hoặc xẻ đôi được đưa vào làm mát bảo quản đảm bảo tâm thịt ở phần dày nhất đạt nhiệt độ từ 0 đến 4 độ C trong thời gian không quá 24h sau giết mổ.

Đánh giá về sản phẩm thịt mát, TS. Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Kiểm chứng và Tư vấn chất lượng Nông lâm thủy sản cho rằng: “Sử dụng thịt mát sẽ đảm bảo các yếu tố: Thứ nhất là an toàn thực phẩm; thứ hai là đảm bảo chất lượng dinh dưỡng của sản phẩm; thứ ba là chất lượng cảm quan; và đặc biệt là có thời hạn bảo quản dài, giúp cho sản phẩm thịt mát khi đến tay người tiêu dùng sẽ có chất lượng cao và ổn định nhất”.

Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới còn sử dụng dạng thịt ấm ngay sau giết mổ, loại thịt mà sẽ ngay lập tức bị giảm chất lượng do không kìm hãm được hoạt động của vi sinh vật, enzyme và rất khó để kiểm soát tình trạng an toàn vệ sinh. Số liệu giám sát trên diện rộng những năm gần đây cho thấy, mặc dù tỷ lệ mẫu vi phạm có giảm, nhưng tỷ lệ mẫu vi phạm về các chỉ tiêu vi sinh như nhiễm E.Coli vượt mức cho phép, nhiễm Salmonella (khuẩn gây bệnh thương hàn) còn ở mức tương đối cao. Nguyên nhân ô nhiễm vi sinh cao là do khâu giết mổ, bảo quản, bày bán chưa được áp dụng chuỗi lạnh.

Thịt mát là xu hướng phát triển của nền công nghiệp giết mổ, chế biến thịt cũng như xu hướng tiêu dùng mới tại Việt Nam. Chính nhờ áp dụng nguyên tắc “nhanh, lạnh, sạch” trong cả chuỗi - từ việc giết mổ lợn nhanh nhất có thể, rồi đưa vào làm lạnh ngay và tất cả các bề mặt tiếp xúc từ con người, dao thớt, cho đến mặt bàn… đều phải làm vệ sinh sạch sẽ để tránh ô nhiễm vi sinh - nên chất lượng thịt mát vẫn giữ nguyên chất lượng tươi ngon từ 7 - 15 ngày.

Link gốc : https://vietq.vn/o-at-nhap-khau-thit-dong-lanh-loi-bat-cap-hai-d192420.html

Bạn đang đọc bài viết Ồ ạt nhập khẩu thịt đông lạnh: Lợi bất cập hại tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường