Kết thúc quý 2, Samsung công bố kết quả tài chính cho thấy công ty đã vượt qua những khó khăn của mùa dịch: doanh thu công ty giảm nhẹ, nhưng lợi nhuận lại tăng. Đó là một thành quả cực kỳ đáng khâm phục, bởi theo Samsung, "Covid-19 đã khiến các cửa hàng và các khu vực sản xuất phải đóng cửa trên phạm vi toàn cầu".
Nhưng nói đến Covid-19 không chỉ là nói đến những khó khăn. Cũng như nhiều ông lớn khác của làng công nghệ, Samsung đã vô tình được Covid-19 "giúp đỡ" theo nhiều cách
Bất chấp Covid-19 lợi nhuận quý 2/2020 của Samsung tăng 23%
Theo CNBC, lợi nhuận trong quý 2/2020 của Samsung đã tăng mạnh 23% lên 8,1 nghìn tỷ won, tương đương 6,8 tỷ USD. Con số này vượt xa mức dự báo của các nhà phân tích Refinitiv SmartEstimate khi nhận định Samsung sẽ đạt 6,4 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, doanh số hợp nhất có khả năng giảm hơn 7% so với cùng kỳ xuống còn 52 nghìn tỷ won, Samsung cho biết.
Tuy nhiên, công ty Hàn Quốc chưa báo cáo về thu nhập ròng và tình hình lợi nhuận của các mảng kinh doanh như điện thoại thông minh, sản xuất chip... Kết quả báo cáo kinh doanh đầy đủ sẽ được Samsung công bố vào cuối tháng này.
Kết quả kinh doanh quý II của Samsung tăng rất mạnh do được thúc đẩy trong mảng kinh doanh điện thoại thông minh và điện tử tiêu dùng cũng như trong đơn vị bộ nhớ, Sanjeev Rana, nhà phân tích cao cấp tại CLSA, cho biết trên SquBC Box Asia của CNBC. Các thành phần bộ nhớ được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu và trong điện thoại thông minh góp phần cho mảng lợi nhuận chính của Samsung.
Theo SCMP, mặc dù đã cảnh báo về sự sụt giảm lợi nhuận trong quý 2/2020 do đóng cửa nhà máy, cửa hàng, nhưng Samsung đã cố gắng giảm thiểu bằng cách cắt giảm chi phí tiếp thị cũng như bán TV và màn hình cho những người phải làm việc, giải trí ở nhà do dịch Covid-19.
Rana cho biết ông dự kiến sẽ có một quý tăng trưởng mạnh mẽ khác cho gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc trong quý 3/2020, nhờ khoản thu nhập liên quan đến bộ nhớ cao hơn và nhận được các lô hàng điện thoại thông minh trong nửa cuối năm. Mảng hiển thị của Samsung được cho cũng có thể được hưởng lợi từ việc cung cấp các bộ phận cho Apple cho iPhone 12.
Đáng chú ý, theo PhoneArena, thị trường chip của Samsung đang bị đối thủ TSMC vượt mặt trong việc gia công chip 5G. TSMC hiện đang dẫn đầu trong việc sản xuất chip 5G, Nikkei Asian Review. Về thị phần chung trong quý 2/2020, TSMC có 51% thị trường đúc toàn cầu, còn Samsung là 18,8%. Các vị trí còn lại thuộc về Global Foundries (7,4%), UMC (7,3%) và SMIC (4,8%).
Các nhà phân tích trước đây đã nói rằng nhu cầu chip bộ nhớ đã được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19, khiến hàng triệu người phải làm việc tại nhà và mua hàng trực tuyến.
Tuy nhiên, Rana đưa ông cảnh báovề giá chip bộ nhớ sẽ có sự điều chỉnh trong ngắn hạn. “Trong nửa cuối năm 2020, có thể giá bán trung bình của chip bộ nhớ sẽ giảm. Sự điều chỉnh sẽ là tạm thời, kéo dài tối đa hai quý và tôi hy vọng giá chip sẽ phục hồi vào năm 2021” – Rana cho biết
Lý do giúp đem đến mức tăng trưởng thần tốc cho Samsung là gì?
Đầu tiên và đáng chú ý nhất là mảng bán dẫn, vốn là nguồn sinh lợi nhuận quan trọng nhất của Samsung trong nhiều năm. Theo số liệu công bố, lợi nhuận từ mảng này đã tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2019.
Lý do giúp đem đến mức tăng trưởng thần tốc này không gì khác ngoài… Covid-19: khi dịch bệnh bùng nổ, người dân các nước phải chuyển sang làm việc từ xa, trẻ em phải thực hiện việc học từ nhà. Vì vậy, sức ép dành cho các trung tâm dữ liệu và các nhà cung ứng đám mây cũng gia tăng, kéo theo nhu cầu DRAM và SSD cho máy chủ tăng mạnh so với cùng kỳ 2019.
Một hệ quả khác của xu thế làm việc/học tập từ xa là nhu cầu máy laptop tầm trung/giá rẻ. Theo Samsung, nhu cầu DRAM và SSD cho laptop đã "tăng mạnh" trong quý vừa qua. Trong quý này, các nhà sản xuất PC đã tăng mạnh sản lượng để bù đắp cho quý 1, khi nhu cầu của người dùng đã gia tăng nhưng lại không được đáp ứng do các nhà máy buộc phải đóng cửa. Khi toàn bộ ngành công nghiệp PC được "cởi trói" để tăng trưởng, Samsung đã hưởng lợi nhờ vị thế là một trong những nhà cung ứng RAM và SSD hàng đầu.
Smartphone Samsung cũng giảm doanh thu và giảm lợi nhuận, nhưng là theo một cách khác. Khi sức mua smartphone của người tiêu dùng giảm sút, Samsung cũng đã cắt giảm mạnh tay các hoạt động marketing và khuyến mại. Chi phí hoạt động vị thế giảm mạnh hơn doanh thu, cho phép lợi nhuận tăng 25% dù rằng doanh số bị giảm tới 20%.
Nhắc đến smartphone, Covid-19 cũng đã vô tình giúp cho Samsung hưởng lợi bằng cách... buộc đối thủ phải trả tiền khi thua lỗ. Mảng kinh doanh yếu nhất của Samsung hiện tại là mảng linh kiện hiển thị, vốn có tỷ suất lợi nhuận rất mỏng khi sánh cùng các mảng khác. Ấy vậy mà quý 2 vừa qua, chìm trong khó khăn của ngành công nghiệp smartphone, mảng này lai gia tăng lợi nhuận thu về so với cùng kỳ 2019.
Samsung không ngần ngại khẳng định lý do đem đến sự tăng trưởng đầy bất ngờ này là "một khoản thu một lần". Theo nhiều nguồn tin, "khoản thu một lần" mà Samsung nhắc đến không gì khác ngoài khoản tiền bồi thường của Apple . Trong khuôn khổ thỏa thuận giữa 2 đối thủ và cũng là 2 đối tác lâu năm, Apple buộc phải mua một lượng màn hình OLED nhất định. Do nhu cầu iPhone cao cấp suy giảm - hay nói chính xác hơn là do người dùng chuyển sang mua iPhone 11 và iPhone SE , Apple đã không đạt được đến con số cam kết và buộc phải trả tiền phạt cho Samsung.
Như thế, trên khắp các mảng kinh doanh, Samsung đều chứng kiến khoản tiền thu về bị suy giảm nhưng khoản lãi nhận được lại gia tăng. Gã khổng lồ Hàn Quốc đã thực hiện những bước đi lão luyện để đứng vững trong lúc kinh tế thế giới đang suy thoái, thất nghiệp gia tăng và chiến tranh thương mại vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ