Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Nợ cao gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu, Vinaconex 'vùng vẫy' ra sao?

DTVN 14:44 30/09/2019

Báo cáo tài chính của Vinaconex cho thấy, nợ phải trả của Vinaconex là 11.777 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu. nhưng phần lớn nợ phải trả là nợ ngắn hạn là 8.890 tỷ đồng, chiếm 76% tổng nợ.

Nhiều khoản nợ xấu có tuổi nợ trên dưới 3 năm

Báo cáo tài chính bán niên 2019 đã soát xét của Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex, mã VCG, sàn HNX) cho thấy, Vinaconex hiện vẫn còn khá nhiều khoản nợ xấu có tuổi nợ trên dưới 3 năm, với tổng giá trị gốc hơn 933,137 tỷ đồng.

Trong đó, đáng chú ý, giá trị được công ty đánh giá có khả năng thu hồi chỉ bằng một nửa, khoảng 480,558 tỷ đồng. Dự phòng rủi ro phải thu cho các khoản nợ xấu này lên đến 452,578 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp có nợ xấu đối với Vinaconex có thể kể đến Công ty CP Xây dựng IDG Việt Nam, Công ty Thủy điện Bản Chát, Công ty Đầu tư xây dựng thương mại An Phát, Công ty Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5, Công ty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội…

Đáng chú ý, hàng tồn kho cũng là gánh nặng của Vinaconex. Theo đó, giá gốc tồn kho cuối kỳ của Vinaconex là 3.184 tỷ đồng, trong đó, trích lập dự phòng tồn kho là gần 58 tỷ đồng. So với số tồn kho đầu kỳ là 3.484 tỷ đồng - con số tồn kho giảm không đáng kể.

Ngoài ra, các khoản nợ của các bên liên quan cũng là điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính bán niên của Vinaconex. Khoản phải thu khách hàng là bên liên quan chủ yếu nằm ở An Khánh JSC, đồng thời có một khoản nhỏ khác đối với các công ty như: An Quý Hưng, BOT Hà Nội - Bắc Giang, Vinaconex 11...

Không chỉ có các khoản nợ từ các quan hệ mua bán hàng hóa, Vinaconex còn có cả những khoản cho vay trực tiếp, trong đó, đáng chú ý nhất là khoản cho vay với Công ty CP Xi măng Cẩm Phả trị giá tới 1.203 tỷ đồng.

Một trong những khoản phải thu đáng chú ý là khoản phải thu khách hàng đối với Công ty TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh có giá trị gần 744 tỷ đồng. Đây là một công ty liên doanh của Vinaconex, trong đó các khoản nợ nần dây dưa của doanh nghiệp này đã từng được Ban Kiểm soát đề cập tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trước đây, nhưng đến nay, những con số trên cho thấy, tình trạng này chưa được Công ty khắc phục.

Dự phòng rủi ro phải thu cho các khoản nợ xấu của Vinaconex lên đến 452,578 tỷ đồng. (Ảnh: Thanh niên)

Một “điểm sáng” được nhắc đến của Vinaconex trong 6 tháng đầu năm là lợi nhuận sau thuế của Vinaconex đạt hơn 312 tỷ đồng, tăng gần 130 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 71,02% so với cùng kỳ năm 2018.

Nguyên nhân chính là do trong quý II/2019, lĩnh vực kinh doanh bất động sản của công ty mẹ và Công ty TNHH MTV Vinaconex đầu tư có kết quả tốt hơn. Bê cạnh đó, kết quả kinh doanh của lĩnh vực xây lắp và các lĩnh vực khác của công ty mẹ và các công ty con, công ty liên doanh, liên kết vẫn đang duy trì ở mức ổn định và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm so với cùng kỳ năm 2018.

Vinaconex vẫn bị treo một khoản công nợ chưa xác định

Phần trên là những vấn đề liên quan đến công nợ phải thu, trong khi nợ phải trả của Vinaconex cũng có những điểm “lờ mờ” chưa xác định được rõ ràng.

Báo cáo tài chính của Vinaconex cho thấy, nợ phải trả của Vinaconex là 11.777 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ nợ dù chưa cao đối với một doanh nghiệp kinh doanh xây lắp, nhưng phần lớn nợ phải trả là nợ ngắn hạn, với giá trị 8.890 tỷ đồng, chiếm 76% tổng nợ.

Tuy nhiên, các con số trên bảng cân đối kế toán chưa phản ánh được hết tình trạng công nợ của đại gia ngành xây lắp, bởi còn có khoản công nợ chưa xác định tồn tại từ khi cổ phần hóa. Tại báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính bán niên soát xét, Công ty Kiểm toán Deloitte nêu ý kiến nhấn mạnh người đọc về thuyết minh số 44.

"Vinaconex phát sinh một khoản công nợ chưa xác định được giá trị một cách đáng tin cậy liên quan đến tiền sử dụng đất đối với diện tích các nhà nối của Tổng công ty xây trên đất lưu không tại khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính" - Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình

Cụ thể, tại thuyết minh báo cáo tài chính, Vinaconex cho biết, đến thời điểm lập báo cáo tài chính bán niên, vẫn đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng về ý kiến kết luận của Thanh tra Chính phủ (từ năm 2008) và ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về xử lý sau thanh tra (từ năm 2016).

Đó là những nội dung liên quan đến việc thực hiện thu tiền sử dụng đất đối với diện tích các nhà nối của Vinaconex trên đất lưu không tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội). Thông báo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu, UBND Hà Nội và Vinaconex phải có chính sách hỗ trợ phúc lợi phù hợp cho cộng đồng dân cư sống ở khu vực này. Bối cảnh trên khiến Vinaconex vẫn bị treo một khoản công nợ chưa xác định được giá trị một cách đáng tin cậy.

Ngoài vấn đề công nợ, các quan hệ kinh tế lòng vòng giữa Vinaconex với các đơn vị liên quan và các công ty con trong nội bộ Vinaconex không được tập hợp đầy đủ cũng làm sai lệch số liệu khi hợp nhất báo cáo tài chính.

Trong văn bản giải trình với cổ đông về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng Giám đốc Vinaconex cũng thừa nhận, một số giao dịch nội bộ giữa các đơn vị liên quan được đơn vị kiểm toán rà soát và tập hợp thêm dẫn đến số liệu trên bảng cân đối kế toán hợp nhất và báo cáo kết quả kinh doanh giữa niên độ soát xét thay đổi so với báo cáo tài chính quý II tự lập.

Theo Báo Kinh tế Đô thị

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/no-cao-gap-15-lan-von-chu-so-huu-vinaconex-vung-vay-ra-sao-d62256.html

Bạn đang đọc bài viết Nợ cao gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu, Vinaconex 'vùng vẫy' ra sao? tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh