Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Những đột phá chiến lược của kinh tế Cà Mau

DTVN 07:46 19/06/2021

Với những mục tiêu và chiến lược hiệu quả, Cà Mau đang dần chuyển mình và khẳng định vị thế của mảnh đất mũi giàu tiềm năng kinh tế.

Nhiều năm về trước, Cà Mau trong mắt nhiều người chỉ là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước, người dân sinh sống và làm ăn dựa trên các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản.

Nhưng đến nay, Cà Mau đã và đang quy hoạch xây dựng 4 khu công nghiệp, thu hút sự quan tâm của không ít nhà đầu tư. Công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở địa phương này đã dần chứng minh hiệu quả.

Tăng trưởng cả chiều rộng lẫn chiều sâu

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, quá trình tái cơ cấu kinh tế nơi đây gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng cả chiều rộng và chiều sâu, từ đó nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thực tế, trong những năm qua, Cà Mau không ngừng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng khu vực dịch vụ và giảm dần tỉ trọng khu vực ngư, nông, lâm nghiệp. Nếu như năm 2015, thương mại, dịch vụ chỉ đóng góp 28,54% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), thì sau 5 năm, tỉ lệ này đã được nâng lên gấp 1,5 lần, đạt 41,7%.

Cà Mau có nhiều khởi sắc về du lịch.

Tốc độ tăng trưởng hàng năm của khu vực này đạt 9,94%. Trong đó, ngành du lịch cũng từng bước phát triển tốt với hơn 7,3 triệu lượt khách giai đoạn 2015-2020, trong đó có 135.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch từ đó tăng 3,6 lần so với 5 năm trước đó, đạt hơn 9.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa Cà Mau từ bỏ thế mạnh của tỉnh. Thủy sản vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn với sản lượng 5 năm đạt 2,7 triệu tấn, bình quân tăng trưởng 3,7%/năm. Riêng 5 tháng đầu năm nay, bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản vẫn đạt hơn 252 nghìn tấn, tăng 3,79% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó nuôi trồng tôm tăng đến 10,68%.

Thủy sản vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của Cà Mau.

Những thành quả này có được nhờ sự chú trọng liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số kể cả trong ngành ngư, nông nghiệp. Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết đang triển khai bước đầu hạ tầng IoT, cho phép các thiết bị cảm biến đặt ở nhiều địa điểm khác nhau để đo mực nước, độ mặn... truyền theo thời gian thực về trung tâm dữ liệu của tỉnh để lưu trữ và xử lý. Các dữ liệu này được kết nối với hệ thống khác của sở TN&MT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Với những giải pháp mang tính đột phá, từ vị trí gần chót bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015, Cà Mau đã tăng 10 bậc đến năm 2019 đạt vị trí 49 và năm 2020 ở vị trí 43. Cà Mau đồng thời là tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực ĐBSCL.

GRDP theo giá so sánh của tỉnh tăng bình quân gần 7%/năm với quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 60.000 tỉ đồng, tăng gấp 1,35 lần so với năm 2015. Theo đó, GRDP bình quân đầu người cũng tăng khoảng 1,3 lần, đạt gần 51 triệu đồng/năm (tương đương 2.182 USD).

Khi các khu công nghiệp Khánh An, Hòa Trung, Năm Căn và Sông Đốc đi vào hoạt động, Cà Mau sẽ khoác lên mình một diện mạo mới và phát huy tốt hơn vị thế là một “cực tăng trưởng” của ĐBSCL.

Một môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng hoàn thiện

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết nhiều nhà đầu tư đang tìm hiểu và có ý định đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là các dự án thuộc danh mục ưu tiên mời gọi đầu tư như hạ tầng, thủy sản, lâm nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, năng lượng tái tạo, lấn biển...

Đến nay, toàn tỉnh có 398 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 129.600 tỉ đồng, trong đó có 10 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 156 triệu USD. Dự báo trong năm nay, thu hút đầu tư của tỉnh sẽ đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu cả về số lượng dự án lẫn tổng mức đầu tư so với năm 2020.

Cà Mau đang chuyển hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã và đang nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

Song song đó, công tác cải cách hành chính cũng cần được nâng cao. Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025 có 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Đồng thời, 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ cấp huyện và 60% hồ sơ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Để làm được điều này, bên cạnh việc hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, tỉnh cũng chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức hàng năm để sẵn sàng chuyển đổi sang môi trường làm việc số.

Cà Mau đang hướng đến hoàn thiện kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư.

Những hoạt động này đã góp phần giúp công tác thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại của Cà Mau trong những năm qua trở nên sôi động hơn. Ngay từ đầu năm nay, tỉnh đã ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử và Không gian khởi nghiệp Cà Mau, bên cạnh việc tăng cường xúc tiến đầu tư bằng hình thức trực tuyến.

Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư cho các dự án trọng điểm như cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, hạ tầng Khu kinh tế Năm Căn, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, U Minh Hạ, Khu du lịch Mũi Cà Mau… Đặc biệt, địa phương cũng ưu tiên xúc tiến đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm đáp ứng yêu cầu nhập khẩu vào thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/nhung-dot-pha-chien-luoc-cua-kinh-te-ca-mau-56548.html

Bạn đang đọc bài viết Những đột phá chiến lược của kinh tế Cà Mau tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương