Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Thanh Hóa: Nguyên Tổng giám đốc Công ty dược viết tâm thư ngăn “chảy máu” nhà đất

DOANH NHÂN VN 09:29 16/06/2021

Mới đây, Thầy thuốc nhân dân Lường Văn Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Dược, vật tư y tế Thanh Hóa đã gửi tâm thư đến nhà chức trách tỉnh Thanh Hóa vì nguy cơ “chảy máu” bất động sản ở DN

Tâm thư của thủ lĩnh một thời doanh nghiệp anh hùng lao động

Thầy thuốc nhân dân Lường Văn Sơn đã dành cả cuộc đời mình để xây dựng nên Công ty CP Dược, vật tư y tế Thanh Hóa (Thephaco). Trong đó ông có hơn 30 năm làm Giám đốc, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp. Dưới sự lãnh đạo của ông, Thephaco chính là lá cờ đầu trong nghành dược tại khu vực phía Bắc. Doanh nghiệp đã vinh dự được trao tặng rất nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý.

Trong số đó, phải kể đến danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Năm nào, Thephaco cũng là doanh nghiệp có đóng góp cao cho ngân sách nhà nước, lợi nhuận cao và cổ đong được chia cổ tức hàng chục phần trăm. Đời sống cán bộ công nhân ổn định ở mức cao trong mặt bằng lao động ở Thanh Hóa.

Tuy đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn đau đáu với những hoạt động của doanh nghiệp này. Vài năm trở lại đây, nhóm cổ đông mới trực tiếp điều hành doanh nghiệp, doanh thu, lợi nhuận của công ty liên tục đi xuống.

Đáng buồn hơn, các cổ đông lâu năm không còn được chia cổ tức vì doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, lợi nhuận thấp hoặc đứng trước nguy cơ thua lỗ, phải bán tài sản, bất động sản để “làm đẹp” báo cáo tài chính. Mới đây, ông Sơn đã viết tâm thư gửi nhà chức trách địa phương để ngăn ngừa nguy cơ “chảy máu” bất động sản của doanh nghiệp.

Công ty Cổ phần Dược vật tư y tế là Công ty Nhà nước cổ phần hóa tháng 12/2002. Quá trình phấn đấu Công ty đã đạt được thành tích là một trong 6 doanh nghiệp Dược đầu tiên của cả nước được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động"; là một trong 10 doanh nghiệp Dược có doanh thu cao nhất Việt Nam; top 500 doanh nghiệp cổ phần có doanh thu lớn nhất Việt Nam (lúc đó gần 880 tỷ đồng/năm); top 1000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, là doanh nghiệp nộp ngân sách lớn cho tỉnh, đời sống thu nhập người lao động hằng năm tăng bình quân 10% trở lên, tạo việc làm cho 950 lao động. Chế độ cho người lao động đầy đủ như thưởng năng suất quý, năm và lễ tết.

Song từ năm 2016, Nhà nước bán vốn vốn nắm giữ, tư nhân vào điều hành Công ty. Từ đó Công ty đi xuống trầm trọng, doanh thu từ 880 tỷ đồng/năm nay chỉ còn xắp xỉ 500 tỷ đồng/năm; lao động chỉ còn xấp xỉ 800 người, thu nhập nhân viên hành chính giữ nguyên như năm 2016, không còn thưởng năng suất quý, năm. Nộp ngân sách cũng giảm mạnh.

Năm 2018 doanh nghiệp đã phải bán đất thế hệ trước mua tại Đà Nẵng xây dựng chi nhánh Miền Trung để cắt lỗ và chi thưởng tết cho người lao động. Thực tế từ năm 2018 và 2019 là lỗ ăn vào vốn (để tránh lỗ khoản chỉ gọi là "thưởng" cho người lao động đầu năm 2019: 5 tỷ đồng phải ghi vào khoản phải thu để tránh phải hạch toán lỗ, "đã chi thưởng" cho người lao động thì thu lại thế nào được?

Cổ tức trước kia 20%/năm, năm 2018 không có cổ tức, năm 2019 hạch toán lãi 3,5 tỷ đồng để chi cổ tức 4% (xấp xỉ 3 tỷ đồng), còn khoản chi tết 5 tỷ đồng năm 2019 vẫn hạch toán khoản phải thu để giấu lỗ. Trong khi đó, cũng cổ phần như Công ty CP Dược vật tư y tế Thanh Hóa thì Traphaco năm 2020 lãi tăng 30% so với 2019; Công ty Dược phẩm Hải Dương trước kia kém Công ty CP Dược vật tư y tế Thanh Hóa rất nhiều thì năm 2020 doanh thu vẫn giữ vững và có lãi ròng 30 tỷ đồng với 40 50 cán bộ, công nhân viên.

Trao đổi với phóng viên, ông Sơn cho hay: Nhiều cán bộ nói với tôi "Chắc do họ muốn kinh doanh đất" vì trụ sở công ty và các chi nhánh huyện, thị đều là đất vàng. Có người nói với tôi, họ đã đề nghị Sở Tài nguyên môi trường chuyển mục đích sử dụng một số mành đất, song Sở không đồng ý. Tôi không biết chính xác đến đâu.

Nhiều người hỏi tôi tại sao Công ty “suy tàn” đến như vậy? Tôi rất khó tìm câu trả lời thỏa đáng. Trước tình hình trên, nhiều ý kiến đề nghị, mặc dù đã 74 tuổi rồi, song với trách nhiệm của minh, đồng thời là cổ đông 50.000cp (500 triệu đồng), bằng 0,65% giữ từ khi cổ phần hóa đến nay, tôi đề nghị lãnh đạo Sở TNMT 2 nội dung.

Thứ nhất, các hợp đồng thuê đất của Công ty CP Dược vật tư y tế Thanh Hóa lúc đó tôi là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty ký với nội dung "Sản xuất kinh doanh dược" dài hạn 25 đến 50 năm. Những mảnh đất Công ty không kinh doanh dược thì tỉnh nên thu hồi (hiện tại đất chi nhánh dược Nông Cống đang bỏ không, đất ở Hải Thượng Lãn Ông đang cho thuê làm nhà trẻ ...).

Thứ 2, nếu chuyển mục đích kinh doanh dược sang kinh doanh ngành nghề khác phải có phương án có lợi cho dân sinh và đóng góp cho ngân sách tỉnh nhà, chống mọi hình thức núp bóng để chuyền tài sản của Nhà nước thu tiền vào túi nhà đầu tư.

Các bất động sản vàng Thephaco đang sở hữu

Theo tài liệu mà phóng viên có được hiện Thephaco đang sở hữu 35 bất động sản, rải rác khắp cả nước và nước bạn Lào. Trong đó có 31 bất động sản tại Thanh Hóa, đều thuộc diện đất vàng, đất kim cương nằm ở các vị trí đắc địa ở các thành phố, thị xã, thị trấn trong tỉnh. Một số bất động sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có giá trị kinh tế cao nhưng hiện nay chưa được quản lý, kinh doanh hiệu quả có thể kể đến như sau.

Trụ sở công ty, tổng kho, quầy kinh doanh thuốc rộng 2.027m2: Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 03/01/2006 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc gia hạn thuê đất cho Công ty CP Dược VTYT Thanh Hóa tại phường Lam Sơm, TP Thanh Hóa. Hợp đồng thuê đất số 77/HĐ/TD ngày 16/6/2006 giữa UBND tỉnh Thanh Hóa và Công ty. Hiện tại, Công ty đang trả tiền thuê đất hàng năm.

Văn phòng làm việc, kho quầy kinh doanh hiệu thuốc y học dân tộc, trung tâm dược phẩm, khám chữa bệnh diện tích 392.2m2: Quyết định số 21/QĐ-UBND ngày 03/01/2006 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc gia hạn thuê đất cho Công ty CP Dược VTYT Thanh Hóa tại phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa. Hợp đồng thuê đất số 75/HĐ/TĐ ngày 16/6/2006 giữa UBND tinh Thanh Hóa và Công ty. Hiện tại, Công ty đang trả tiền thuê đất hàng năm.

Trung tâm bán buôn thuốc tân dược diện tích 988m2: Quyết định số 2623/QĐ-UBND ngày 22/09/2005 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc cho Công ty CP Dược VTYT Thanh Hóa thuê đất tại P. Ngọc Trạo, Tp Thanh Hóa. Hợp đồng thuê dất số 72/HÐ TĐ ngày 16/6/2006 giữa UBND tỉnh Thanh Hóa và Công ty. Hiện tại, Công ty đang trả tiền thuê đất hàng năm.

Văn phòng làm việc, xưởng sản xuất, kho kiểm nghiệm diện tích 14.300m2: Quyết định số 3399/QĐ-UBND ngày 29/10/2004 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc cho Công ty CP Dược VTYT Thanh Hóa thuê đất tại phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa. Hiện tại theo thông bảo trả tiền thuê đất hàng năm của Cục thuế Thanh Hóa thì Công ty đang trả tiền thuê đất hàng năm cho lô dất này.

Quầy kinh doanh các mặt hàng Dược vật tư y tế Bỉm Sơn rộng 198,5m2: Quyết định số 3244/QĐ-UBND ngày 03/01/2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc cho Công ty CP Dược VTYT Thanh Hóa thuê đất tại phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Son, tỉnh Thanh Hóa. Với điện tích sử dụng là 198,5m2 theo hợp đồng thuê đất số 04/HĐTĐ ngày 10/01/2013 và Công ty đang trả tiền thuê đất hàng năm.

Cửa hàng kinh doanh dược phẩm Sầm Sơn rộng 544m2: Quyết định số 893/QĐ-UBND ngày 12/04/2001 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc cho Công ty CP Dược VTYT Thanh Hóa thuê đất tại phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn (nay là TP Sầm Sơn), tỉnh Thanh Hóa. Hợp đồng thuê đất số 20/HĐTĐ ngày 18/01/2007 giữa UBND tỉnh Thanh Hóa và Công ty, Hiện tại, Công ty đang trả tiến thuê đất hàng năm.

Nhà máy sản xuất Dược phẩm GMP- WHO diện tích 10.023m2: Quyết định số 4557/QĐ-UBND ngày 21/12/2009 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc cho Công ty CP Dược VTYT Thanh Hóa thuê đất tại Khu công nghiệp Tây Bắc ga, TP Thanh Hóa. Hợp đồng thuê đất số 16/HĐTĐ ngày 19/01/2010 giữa UBND tỉnh Thanh Hóa và Công ty. Hiện tại, Công ty đang trả tiền thuê đất hàng năm.

Nhà làm việc, kho, quầy kinh doanh hiệu thuốc tuyến 4 rộng 192,5m2: Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 03/01/2006 của UBND tỈnh Thanh Hóa về việc gia hạn thuê đất cho Công ty CP Dược VTYT Thanh Hóa tại xã Quảng Thắng (nay là phường Quảng Thắng), TP Thanh Hóa. Hợp đồng thuê đất số 97/HĐ/TĐ ngày 11/7/2006 giữa UBND tỉnh Thanh Hóa và Công ty. Hiện tại, Công ty đang trả tiền thuê đất hàng năm. Tại vị trí này công ty đang sử dụng đất sai mục đích khi cho đối tác thuê làm mầm non tư thục.

Đại diện doanh nghiệp nói gì?

Để tìm hiểu những nội dung trong tâm thư của TTND Lường Văn Sơn, phóng viên đã có buổi làm việc với đại diện doanh nghiệp. Tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch công đoàn Thephaco.

Ông Tuấn cho hay, thời ông Sơn làm, đúng là thời kỳ phát triển rực rỡ của doanh nghiệp, đó là thời vàng son của quá khứ. Công lao của người đi trước, mở đường mà TTND Lường Văn Sơn và các cộng sự luôn được các thế hệ sau này của Thephaco ghi nhớ.

Về phần kết quả kinh doanh đi xuống ông Tuấn cho rằng do nhiều khó khăn khách quan và chủ quan khác nhau. Đó là việc thị trường đấu thầu thuốc và vật tư y tế hiện nay rất khốc liệt, là ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid và các yếu tớ cạnh tranh trên thị trường dược phẩm. Tuy nhiên, điều căn bản nhất là do công ty thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh, lấy việc phát triển mạng lưới phân phối hàng công ty sản xuất là chủ đạo. Vì thế việc doanh thu giảm là nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp. Còn việc lợi nhuận giảm chủ yếu do khấu hao đầu tư máy móc cũng như mức độ cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

Về việc doanh nghiệp tham gia thị trường bất động sản, có kế hoạch chuyển một phần bất động sản đang kinh doanh dược phẩm sang kinh doanh bất động sản thì cũng đã từng được ban lãnh đạo tính tới nhưng chưa có kế hoạch cụ thể. Doanh nghiệp kinh doanh có quyền tham gia các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Chính vì thế công ty đã bổ sung một số ngành nghề kinh doanh mới trong đó có bất động sản. Tuy nhiên, trước mắt doanh nghiệp chưa có kế hoạch này, khi nào điều kiện chín muồi sẽ xin ý kiến cổ đông cụ thể.

Thanh Hóa: Nguyên Tổng giám đốc Công ty dược viết tâm thư ngăn “chảy máu” nhà đất - ảnh 3

Theo tìm hiểu, công ty này có 31 bất động sản tại Thanh Hóa, đều thuộc diện "đất vàng", "đất kim cương" nằm ở các vị trí đắc địa ở các thành phố, thị xã, thị trấn

Về việc 5 tỷ treo lương thưởng tết cho cán bộ, công đoàn công ty xét thấy đây là việc làm mang ý nghĩa động viên người lao động nên đã đề nghị ban giám đốc không truy thu của người lao động. Về vấn đề này, người viết đã tham gia đại hội cổ đông của doanh nghiệp tổ chức năm 2020. Khi đó, bị cổ đông chất vấn vấn đề này, ông Trần Thanh Minh, Tổng giám đốc đã hứa sẽ chịu trách nhiệm. Ông Minh cam kết sẽ bỏ tiền túi số tiền 5 tỷ đồng để trả lại cho cổ đông. Tuy nhiên, cho đến nay có vẻ ông Minh đã ‘’quên” lời hứa này.

Cần biết thêm, Chủ tịch Thephaco là ông Trần Văn Công. Vị doanh nhân này cũng tham gia điều hành góp vốn vào 2 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Đó là Công ty thương mại Hà Tây và Công ty Liên hiệp thực phẩm Hà Tây. Đây là 2 doanh nghiệp trước đây làm ăn rất hiệu quả, sở hữu quỹ đất lớn có giá trị cao. Sau khi cổ phần hóa, cả 2 doanh nghiệp đều làm ăn lao dốc, thua lỗ triền miên, âm cả vào vốn chủ sở hữu. Trụ sở của cả 2 doanh nghiệp này đều biến thành dự án bất động sản trong đó có tòa tháp đôi cao nhất quận Hà Đông.

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/nguyen-tong-giam-doc-cong-ty-duoc-viet-tam-thu--34227.html

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Nguyên Tổng giám đốc Công ty dược viết tâm thư ngăn “chảy máu” nhà đất tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương