Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Giảm giá ảo ngày Black Friday, siêu thị điện máy được gì và mất gì?

Mai Hương 13:56 29/11/2019

"Họ sẽ đẩy giá gốc của sản phẩm lên cao, sau đó giảm giá thật mạnh", đó là công thức giảm giá ảo mà một số siêu thị điện máy đang sử dụng để thu hút khách hàng.

Công thức: Đẩy giá gốc lên cao sau đó giảm giá mạnh

Có thể coi đây là 'công thức' chung về cách các cửa hàng điện máy treo giá khuyến mãi. Ví dụ, chiếc TV sẽ được giảm giá khoảng 35% nếu cửa hàng bán với giá 45 triệu đồng. Một cửa hàng khác có thể giảm đến 50% nhưng giá niêm yết của sản phẩm lại là 60 triệu đồng.

Đó là trường hợp của anh Nguyễn Minh Tiến, nhân viên văn phòng tại TP HCM, khi trao đổi trên vnexpress, anh Tiến cho biết khi nhấp vào một mẫu quảng cáo giảm giá 50% thiết bị điện tử của một hệ thống điện máy lớn ngày Black Friday, anh lập tức bị thu hút bởi chiếc TV OLED đang được giảm giá còn nửa giá gốc.

Tiến lên Google, tìm thông tin về sản phẩm và bắt đầu hoang mang trong 'mê trận' giá. Giá niêm yết của nhà sản xuất là gần 60 triệu đồng, nhưng mỗi siêu thị điện máy lại giảm giá một cách khác nhau.

"Có nghĩa, họ sẽ đẩy giá gốc của sản phẩm lên cao, sau đó giảm giá thật mạnh", Tiến nói.

Đẩy giá gốc của sản phẩm lên cao, sau đó giảm giá thật mạnh là công thức chung khi sale ngày Black Friday.

Sau khi so sánh "giá Black Friday" của ba siêu thị điện máy lớn, Tiến ước chừng giá của mẫu TV mình đang tìm khoảng 35 - 40 triệu đồng. Anh quyết định ra vài cửa hàng nhỏ hơn để kiểm tra lại lần nữa. Một cửa hàng nhỏ lại đang chào bán đúng model anh tìm nhưng giá hơn 20 triệu đồng, bảo hành chính hãng, nguyên tem chưa bóc thùng - rẻ hơn ở siêu thị hơn 10 triệu đồng.

'Nếu không so sánh kỹ giá và chạy đi nhiều nơi kiểm tra, có lẽ mình đã 'lỗ' cả chục triệu đồng bởi 'tham' giảm giá', anh nói.

Nhiều mặt hàng công nghệ khác, như tủ lạnh, điều hoà và thậm chí điện thoại, cũng được treo giá 'ảo' tương tự mẫu TV và máy giặt nói trên.

Người tiêu dùng mất niềm tin

Chiêu trò khuyến mại ảo để "đánh lừa" người tiêu dùng rằng họ đang được sở hữu một món hời với chi phí tiết kiệm lên tới hàng chục triệu đồng thường được các siêu thị điện máy sử dụng với các chương trình ưu đãi ngắn hạn vào mùa cuối năm, Black Friday.
Điều này đã khiến nhiều người tiêu dùng vội vàng đặt mua sản phẩm khi thấy mức giảm giá lớn mà không tham khảo ở các cửa hàng khác, dẫn đến tình trạng nhiều người dùng không hài lòng về mức giá đã mua.

Theo Ngọc Can, một người buôn đồ điện tử lâu năm trên đường Nhật Tảo, nếu mua sắm trong những đợt giảm giá, người mua nên tỉnh táo kiểm tra hai tiêu chí. Đầu tiên, đây là hàng mới hay hàng tồn kho, trưng bày.

Tiếp theo, tìm hiểu và so sánh giá thực tế trên thị trường của sản phẩm với giá đã giảm của siêu thị điện máy. "Nhiều nơi họ lấy giá gốc ban đầu tăng lên rồi lại giảm mạnh theo phần trăm để thu hút người tiêu dùng", anh Can nói.

Không chỉ ở Việt Nam, nạn treo "giá ảo" trong ngày Black Friday còn diễn ra ở cả các nước phương Tây. Tờ The Wall Street Journal dẫn chứng, khoảng 1/5 số hàng giảm giá mà báo này theo dõi sẽ tăng giá 8% trước Black Friday. Thậm chí, đồ chơi và dụng cụ sẽ đội giá lên 23%. Vậy nghĩa là, không phải các mặt này được giảm giá khủng mà do mức giá ban đầu của chúng đã được đẩy cao.

Với những chiến dịch sale rầm rộ như vậy, có thể siêu thị điện máy sẽ thành công trong việc kéo khách hàng đến cửa hàng của mình, tuy nhiên, khi phát hiện những chiêu bài sale ảo, liệu khách hàng có còn tin tưởng vào những thương hiệu này?

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/giam-gia-ao-ngay-black-friday-sieu-thi-dien-may-duoc-gi-va-mat-gi-d66038.html

Bạn đang đọc bài viết Giảm giá ảo ngày Black Friday, siêu thị điện máy được gì và mất gì? tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh