Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt đại dịch: Bắt đúng mạch phát triển, cần tầm nhìn đổi mới sáng tạo

CHẤT LƯỢNG VIỆT NAM ONLINE 10:56 05/07/2021

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, giải pháp hỗ trợ DN không phải chia tiền thế nào mà cần phải có tầm nhìn cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 khiến tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp hơn dự báo, mục tiêu tăng trưởng năm 2021 trở nên vô cùng thách thức. Chính phủ đã đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng ở mức cao nhất.

Chính phủ đã đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công “mục tiêu kép”. Ảnh minh họa.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa xây dựng hai kịch bản điều hành kinh tế 6 tháng cuối năm, tương ứng với các mục tiêu tăng trưởng cả năm 6% và 6,5% cùng hai nhóm giải pháp về y tế và kinh tế. Để tạo nền tảng cho tăng trưởng, nhóm giải pháp về y tế sẽ tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh triển khai tiêm vắc-xin, coi đây là giải pháp căn cơ để phục hồi sản xuất, kinh doanh, không bị đứt gãy, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế 6% với điều kiện dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trong tháng 7, không có ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các thành phố lớn không bị giãn cách xã hội (mục tiêu Quốc hội giao). Theo đó quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% và quý IV tăng 6,5%.

Kịch bản 2: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% với điều kiện dịch Covid-19 được khống chế trong tháng 6, không có ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố lớn không bị giãn cách xã hội (mục tiêu của Nghị quyết số 10/NQ-CP). Theo đó, mức tăng trưởng cần đạt trong quý III và IV lần lượt là 7% và 7,5%.
Đồng thời xây dựng kịch bản, lộ trình và điều kiện để mở cửa trở lại nền kinh tế, vừa giúp Chính phủ chủ động trong điều hành, vừa giúp người dân, doanh nghiệp chủ động phương án, chuẩn bị sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.

Kịch bản đề ra các dấu mốc quan trọng như: Mở cửa trở lại hoạt động hàng không, du lịch quốc tế, giảm thời gian cách ly đối với người đã tiêm vắc-xin. Mức độ mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ tương ứng với tình hình kiểm soát dịch bệnh và tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin…

Về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mục tiêu hàng đầu là tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, trước mắt tập trung điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.

Bộ KH&ĐT cũng đề ra các nhóm giải pháp tập trung vào từng lĩnh vực cụ thể, như công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại đã ký kết, thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

6 tháng đầu năm, khu vực công nghiệp và xây dựng, trong đó có công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Xác định ngành này tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng những tháng cuối năm, Bộ KH và ĐT đưa ra hàng loạt giải pháp đồng bộ, bảo đảm nguồn cung nguyên liệu đầu vào thông qua việc điều chỉnh chính sách thuế xuất, nhập khẩu, thuế phòng vệ thương mại; cắt giảm tối đa chi phí logistics, phí lưu kho, vận chuyển hàng hóa; xây dựng và ban hành, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tại các nhà máy, khu công nghiệp để bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh; ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp, địa phương, vùng kinh tế trọng điểm, có chính sách đào tạo lao động thích ứng.

Các giải pháp vừa phải có tác động ngay, đáp ứng yêu cầu ngắn hạn, vừa phải tạo điều kiện hỗ trợ tăng trưởng cho năm 2022 và xử lý căn cơ những khó khăn, vướng mắc đang cản trở quá trình tăng trưởng.

Đặc biệt, PGS. TS Trần Đình Thiên nhận định, cùng với thúc đẩy tăng trưởng, nhiệm vụ quan trọng lúc này là tìm mọi giải pháp giảm thiểu thiệt hại của đại dịch Covid-19 cho người dân và doanh nghiệp. Tại thời điểm này, các nền kinh tế lớn đang phục hồi mạnh mẽ sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 với năng lượng mới đến từ các ngành công nghệ cao, kinh tế số. Việt Nam cần nhận biết xu hướng này để có thể bắt đúng mạch phát triển. Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cho giai đoạn tới không phải chia tiền thế nào cho mỗi doanh nghiệp khó khăn mà phải có tầm nhìn cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo...

Theo Chất lượng Việt Nam Online

Link gốc : http://vietq.vn/giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-vuot-dai-dich-khong-phai-chia-tien-cho-moi-doanh-nghiep-d188658.html

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt đại dịch: Bắt đúng mạch phát triển, cần tầm nhìn đổi mới sáng tạo tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh