Trong giai đoạn 2017-2020, nhằm nâng cao nhận thức phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu trong tình hình mới, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị, hội thảo triển khai dự án để vận động, phổ biến cho các đối tượng tham gia, giới thiệu các công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, các kết quả điển hình của các doanh nghiệp (DN) đã áp dụng.
3 năm qua, Chi cục đã tập huấn cho hơn 800 DN cách thức xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn (tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia…), phương pháp áp dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng, hệ thống quản lý chất lượng, khai thác các thông tin có liên quan. Xây dựng và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá; phát triển và duy trì trang thông tin điện tử để cung cấp rộng rãi thông tin, kiến thức về năng suất và chất lượng, các mô hình điểm đến các cơ quan quản lý và các tổ chức, DN.
Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về năng suất và chất lượng cho cán bộ và DN, đào tạo kỹ năng làm việc, áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng cho người lao động trong các DN. Đồng thời, Chi cục đã hỗ trợ các DN chứng nhận và công bố hợp chuẩn, hợp quy; xây dựng áp dụng và chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO 9001, ISO 14001, ISO/IEC 27001, ISO 22000, ISO50001, ISO/ IEC 17025, OHSAS 18000, SA 8000 HACCP…); áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng (5S, QCC, 7 công cụ, Kaizen, GHK, KPI.. .).
Triển khai thực hiện dự án, Chi cục đã nỗ lực đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DN, phát triển dự án thành phong trào, góp phần tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa, năng lực cạnh tranh của DN. Từng bước cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế dựa trên cơ sở nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).
“Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN đã có những tác động tích cực đối với cộng đồng DN. Các DN đã nhận thức được đầy đủ hơn tầm quan trọng của năng suất chất lượng đối với sự phát triển. Vấn đề cải tiến năng suất, chất lượng xuất hiện nhiều hơn trong tư duy và hành động của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý DN. Năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động tại các DN tham gia dự án tăng rõ rệt, giảm thiểu lãng phí, tiết kiệm nguyên liệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, DN. Phong trào năng suất và chất lượng đang được hình thành trong cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh”, Chi cục trưởng Lý Thái Hùng cho hay.
Nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương đã được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất do tỉnh này triển khai. Ảnh minh họa |
Từ hiệu quả về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua ứng dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, mô hình công cụ cải tiến đã góp phần tuyên truyền sâu rộng về vai trò của khoa học, công nghệ đối với nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khả năng cạnh tranh của DN. Các DN đã được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, tạo sự gắn kết giữa khoa học và sản xuất, đời sống.
Các doanh nghiệp tham gia dự án đã tăng được năng suất, chất lượng, giảm thiểu lãng phí, tiết kiệm nguyên liệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều DN đã phát triển thương hiệu sản phẩm, mở rộng thịphần, bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ quátrình sản xuất, tỷ lệ sản phẩm đạt yêu cầu đã được nâng lên và giảm những chi phí khác nhằm giảm giáthành sản phẩm.
Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Chi cục, Công ty TNHH Cường Phát (TP.Thuận An) đã áp dụng các công cụ 5S, quản lý hàng ngày (KPIs), 7 công cụ kiểm soát chất lượng trong sản xuất, kinh doanh, đã mang lại hiệu quả cho đơn vị. Ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty TNHH Cường Phát, cho biết với chương trình cải tiến năng suất, chất lượng do Sở KH&CN, Chi cục triển khai, công ty đã có sự lựa chọn giải pháp tốt nhất để nâng cao hiệu quả sản xuất, có thể thực hiện trong điều kiện thực tế của công ty mà không phải tốn nhiều chi phí đầu tư. Trong quá trình thực hiện, công ty áp dụng các công cụ năng suất, chất lượng 5S (sàng lọc - sắp xếp - sạch sẽ - săn sóc - sẵn sàng), kaizen (cải tiến liên tục)…, kết quả đã tiết kiệm chi phí cho công ty hơn 2,5 tỷ đồng.
Việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nung gốm sứ giúp DN khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nung đốt bằng lò than, đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm. “Qua việc áp dụng kaizen, công ty đã cải tiến lò nung, triển khai thu hồi đất từ bùn thải. Nhờ đó, hàng năm công ty tiết kiệm được hơn 600 triệu đồng chi phí nguyên liệu nung, tiết kiệm trung bình gần 26 triệu đồng/tháng cho chi phí nguyên liệu sản xuất”, ông Lý Ngọc Bạch nói.
Liên quan tới vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030.
Với mục tiêu hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chương trình quốc gia về hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2030 được triển khai trên phạm vi cả nước.
Chương trình tập trung hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và khả năng cạnh tranh thông qua áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, đặc biệt là các tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh trong bối cảnh mới của hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các giải pháp về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ… được phối hợp, lồng ghép với Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và các chương trình khác có liên quan của bộ, ngành, địa phương.
Các nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển từ Chương trình giai đoạn đến năm 2020, bổ sung, cập nhật các nội dung mới phù hợp với chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đổi mới, tái cấu trúc DN trong bối cảnh hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gồm 06 nhóm giải pháp sau:
Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, trong đó, tập trung xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đề xuất các giải pháp thúc đẩy năng suất trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cơ chế, chính sách thúc đẩy nâng cao năng suất quốc gia, ngành, địa phương và DN.
Tăng cường công tác thông tin truyền thông về năng suất chất lượng, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hỗ trợ DN; tổ chức các hoạt động tôn vinh, khen thưởng; Hỗ trợ DN áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh;
Đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Mở rộng đào tạo kiến thức về năng suất chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; Tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đẩy mạnh cơ chế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp ở các cấp độ;
Tăng cường hợp tác quốc tế về năng suất chất lượng, chú trọng khai thác, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án năng suất của Tổ chức Năng suất Châu Á.
Theo Chất lượng Việt Nam Online