Tại khu vực phía Nam, nơi mà dịch bệnh đang bùng phát với mức độ cao nhất thì nhiều doanh nghiệp buộc phải thích ứng, vừa chống dịch mà vẫn phải đáp ứng việc sản xuất hàng hóa, chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm Covid-19 trên cả nước. Địa phương đang trong những ngày giãn cách theo nguyên tắc của Chỉ thị 16. Do đó, các doanh nghiệp trên địa phương phải khẩn trương thực hiện vừa cách ly, vừa ổn định sản xuất với kịch bản chống dịch ở mức cao nhất nhằm cố gắng duy trì chuỗi cung ứng liền mạch.
Tiếp đến phải ổn định tâm lý công nhân, nhiều đơn vị trên địa bàn đã đăng ký cho công nhân ăn nghỉ, làm việc tại nơi sản xuất. Có những doanh nghiệp đã đảm bảo nơi ăn, chốn ngủ cho hơn 1.000 lao động ở nhà máy. Hay tiêu biểu là trường hợp của Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn đã cử công đoàn đi chợ thay người lao động. Những phiên chợ trong nhà máy cũng được thành lập, giúp công nhân yên tâm sản xuất, đảm bảo đời sống.
Không chỉ tại Tp.HCM mà các doanh nghiệp Đồng Nai cũng đang gấp rút thực hiện Thông báo số 175/TB-VPCP về thông báo kết luận của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thúc đẩy sản xuất kinh doanh vào ngày 27/6. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Đồng Nai cần quyết tâm, kiên trì thực hiện "mục tiêu kép", đặc biệt không để dịch lây lan vào các khu công nghiệp, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Theo thông tin từ Báo Đồng Nai, mô hình "3 tại chỗ" (ăn, ở, sản xuất tại chỗ) để phòng dịch đang được nhân rộng trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Được biết, ngay khi nhận thấy dịch bệnh bắt đầu có dấu hiệu bùng phát tại Tp.HCM thì để bảo đảm sức khỏe, thu nhập của NLĐ cũng như không để gây tác động tiêu cực đến tiến độ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Ban Quản lý KCN Đồng Nai đã chỉ đạo các DN đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch, kiểm soát tốt không để dịch bệnh lây lan vào KCN. Các DN cần có phương án sẵn sàng khi có trường hợp F0 để ứng phó kịp thời, đảm bảo việc ổn định sản xuất.
Chỗ ngủ tại nơi làm việc cho người lao động. Ảnh: Báo Đồng Nai |
Phương án "3 tại chỗ" được chính lực lượng công nhân đánh giá cao, đơn cử như trường hợp tại Công ty TNHH Sơn Ocean Việt Nam (H.Long Thành) mang lại sự an tâm cho người lao động bởi chỗ ngủ, nghỉ tại doanh nghiệp vô cùng thoáng mát, đầy đủ tiện nghi đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết, mô hình “3 tại chỗ” tại công ty bước đầu đã mang lại hiệu quả nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Đặc biệt, những lao động tạm lưu trú tại đây đều thực hiện tốt các quy định phòng dịch và đảm bảo yêu cầu công việc để không dẫn đến tình trạng lây nhiễm rồi dẫn đến gián đoạn sản xuất. Sơn Ocean Việt Nam chủ động giãn cách khu vực làm việc ở các phân xưởng, tách biệt khối hành chính, sản xuất để đề phòng dịch lây lan. Hiện công ty đã xây dựng nhiều kịch bản, phương án cho số lượng lớn người lao động làm việc và ăn ở tại chỗ nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn.
Tuy dịch bệnh không bùng phát nghiêm trọng như tại các tỉnh, thành phía Nam nhưng không vì thế các doanh nghiệp tại Lào Cai có dấu hiệu lơ là, chủ quan với dịch bệnh.
Cụ thể, theo thông tin từ Báo Tài nguyên và Môi trường, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã triển khai nhiều giải pháp khác nhau để nhằm vượt khó qua giai đoạn hiện tại.
Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường |
Chi nhánh mỏ tuyển đồng Sin Quyền thuộc Tổng công ty khoáng sản Việt Nam ngay khi nghe tin dịch Covid trở lại đã nghiêm túc kích hoạt ngay các biện pháp phòng dịch và đối phó nhằm đảm sản xuất, chống đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho 100% công nhân lao động và đều nhận về kết quả âm tính. Đồng thời, tiến hành đánh giá nguy cơ lây nhiễm thường xuyên theo các nội dụng: Mật độ người lao động ở các phân xưởng, tỷ lệ người lao động được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào phân xưởng, tổ chức ăn ca cho công nhân, tổ chức đưa đón người lao động, phương án ứng phó phòng, chống dịch, vệ sinh khử khuẩn môi trường tại nơi làm việc... đó chính là những biện pháp là chi nhánh Sin Quyền sử dụng nhằm đem lại sự ổn định cho hoạt động sản xuất.
Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Lào Cai cũng đã thành lập các tổ công tác liên ngành tiến hành kiểm tra về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và xét nghiệm toàn diện người lao động. Bên cạnh đó, tổ công tác đã triển khai đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2194 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19.
Kết quả cho thấy hầu hết các doanh nghiệp đều chấp hành tốt các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của tỉnh, chưa phát hiện nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại các doanh nghiệp. Các đơn vị sản xuất cũng cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19; thực hiện nghiêm việc giám sát chặt chẽ lịch trình đi lại, làm việc của đội ngũ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, các chương trình làm việc với các đối tác.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam