Hiện nay, trước tác động của đợt bùng phát dịch thứ 4, nhiều chuyên gia cho biết, có thể hình dung thực trạng cộng đồng doanh nghiệp bằng cụm từ "thiếu sức khỏe" hoặc "thiếu sức đề kháng". Nhiều khó khăn từ những đợt dịch trước nay càng trầm trọng hơn đối với hầu hết doanh nghiệp là sự mất cân đối thu - chi, chuỗi liên kết sản xuất bị đứt gãy, gián đoạn hay các áp lực về chi phí phát sinh để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch như xét nghiệm cho nhân viên, tổ chức khu cách ly, tái cấu trúc cung đường vận chuyển hàng hóa,... Một số ngành như du lịch, hàng không gần như "đóng băng" hoạt động.
Chính sách hỗ trợ không chỉ mang tính "cấp cứu diện rộng", mà còn cần là đòn bẩy cho quá trình phục hồi của doanh nghiệp. Ảnh minh họa. |
Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết: Trong bối cảnh này, chúng tôi kiến nghị một số hướng hỗ trợ mà doanh nghiệp đang rất trông chờ từ Nhà nước. Ưu tiên khẩn trương tiêm vắc xin cho lực lượng giữ vai trò "duy trì và phát triển kinh tế" trong mục tiêu kép Chính phủ đặt ra. Vừa qua, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cùng nhiều Hiệp hội doanh nghiệp mạnh dạn kiến nghị với Chính phủ cơ chế cho phép tư nhân tham gia mua và triển khai tiêm vắc xin cho người lao động trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế.
“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế xem xét mở rộng lực lượng tiêm phòng để đáp ứng nhu cầu triển khai "chiến lược vắc xin" trên diện rộng, cân nhắc khả năng tham gia của các bệnh viện, trung tâm y tế. Việc Thủ tướng quyết định tiêm ngay vắc xin cho 300 nghìn lao động tại các khu công nghiệp của Bắc Giang, Bắc Ninh cũng như tuyên bố hiệu triệu mọi nguồn lực, vai trò của cả khối công và tư trong quá trình mua vắc xin, là tín hiệu rất mừng cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Bình nói.
Hỗ trợ tiếp theo là các chính sách giúp doanh nghiệp hạn chế dòng tiền chi ra, giữ lại nguồn vốn đã rất mỏng manh để tiếp tục duy trì hoạt động và giữ chân người lao động. Ðây là hướng Chính phủ đã thực hiện thông qua việc ban hành nhiều chính sách tài khóa, tài chính thời gian qua, gần đây nhất là Nghị định số 52/2021/NÐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng các chính sách tới đây có thể cân nhắc kỹ hơn biên độ phục hồi của từng ngành để sự hỗ trợ không chỉ mang tính "cấp cứu diện rộng", mà còn là đòn bẩy cho quá trình phục hồi của doanh nghiệp. Ðồng thời, với những luồng chi phí lớn, phát sinh ngay tới đây mà rất nhiều doanh nghiệp phản ánh như việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (dự kiến áp dụng từ ngày 1/7); yêu cầu triển khai lắp đặt đồng loạt camera trên các xe ô tô kinh doanh vận tải trước thời hạn 1/7;... rất mong Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, làm rõ tính cấp thiết việc áp dụng tại thời điểm này, cân đối với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh dịch để ra quyết định thấu đáo. Tất cả những vấn đề nêu trên đều là thách thức mà tự thân doanh nghiệp không thể gánh đỡ, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo từ phía Chính phủ, các bộ, ngành.
Theo Chất lượng Việt Nam Online