Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, đến giữa tháng 5/2021, bộ này mới thông báo để các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xây dựng phương án đầu tư khoảng 2,24 triệu tỷ đồng. Trong đó, có trên 70% tổng vốn đầu tư công trung hạn được ưu tiên đầu tư vào ngành, lĩnh vực quan trọng như hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng.
Trong 5 năm tới, sẽ có hàng loạt dự án giao thông lớn được đầu tư bằng nguồn vốn công. Đó là 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay quốc tế Long Thành (phần giải phóng mặt bằng). Cụ thể, Chính phủ sẽ "rót" hơn 97,9 ngàn tỉ đồng cho 74 dự án trọng điểm, kết nối vùng, bố trí 8.100 tỷ đồng để hoàn thiện 10 dự án thuộc tuyến đường ven biển đoạn Quảng Ninh - Nghệ An...
Sân bay Long Thành |
Xây dựng, cầu đường được hưởng lợi
Kế hoạch trên được triển khai sẽ tạo ra tăng trưởng GDP của quý III và IV/2021. Nếu tất cả các dự án từ Bắc vào Nam đều đạt hiệu quả như kỳ vọng cả về tài chính, tiến độ và chất lượng thì các Doanh nghiệp giao thông, xây dựng cầu, đường đang nắm một cơ hội trực tiếp rất lớn, đáng để nắm bắt, để chuyển mình trên sân nhà.
Bà Huỳnh Thị Mỹ Nương, Chuyên gia Nghiên cứu và Phát triển (R&D), Phó tổng giám đốc Công ty Đào tạo Lãnh đạo và Dịch vụ Phát triển bền vững (SLDT) phân tích: “5.000 dự án từ Bắc tới Nam là con số không hề nhỏ, sẽ có nhiều doanh nghiệp giải quyết được bài toán tìm khách hàng, công ăn việc làm cho công nhân viên trong thời điểm dịch bệnh đang khó khăn…
Trước đây, các dự án lớn trọng điểm của Việt Nam đa phần đều do các chủ thầu nước ngoài làm tổng thầu với đội ngũ chuyên gia và nhân công chủ chốt của họ. Doanh nghiệp Việt Nam thường là thầu phụ. Việc đẩy mạnh đầu tư công vào hạ tầng – giao thông là cơ hội để Doanh nghiệp Việt Nam chủ động nâng mình sao cho đủ năng lực thầu các công trình không chỉ nhỏ mà cả lớn.
Trong trường hợp có cơ hội làm việc với các đơn vị, chuyên gia nước ngoài thì rất cần nắm bắt, học hỏi tất cả từ kỹ thuật, công nghệ tới cách quản lý, văn hóa... Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh đầu tư công tổng thể này sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng như vật liệu, logistics, dịch vụ...”
Cần làm gì để tận dụng tốt nguồn vốn đầu tư công?
Cơ hội thì rất rõ, nhưng cũng còn nhiều thách thức cho Doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục để tận dụng nguồn vốn đầu tư công một cách hiệu quả. Chuyên gia Huỳnh Thị Mỹ Nương cũng đưa ra một số lời khuyên cho Doanh nghiệp.
Đó là doanh nghiệp cần chủ động nâng tầm cả về quy mô, năng lực, uy tín và đầu tư tạo dựng thương hiệu.
Chủ động nắm bắt các thông tin chính sách của nhà nước về các dự án nhằm hiểu rõ những điều kiện, yêu cầu cần thiết để tăng năng lực trúng thầu khi cạnh tranh với các đơn vị thầu khác, đặc biệt là các đơn vị thầu nước ngoài, cũng như các quy định khác của pháp luật để hạn chế các rủi ro từ đó nâng cao năng lực theo những tiêu chuẩn cao để hòa nhập và phát triển trong cơ chế hội nhập mới.
Nghiên cứu các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) cũng rất cần thiết, nó giúp doanh nghiệp hiểu thêm bối cảnh toàn cầu, định vị được Việt Nam đang đón những cơ hội nào để tận dụng và thách thức nào để khắc phục. Đặc biệt, đối với những Doanh nghiệp xây dựng có ý định vươn ra nước ngoài nhưng đang vướng đại dịch covid-19 thì có thể điều chỉnh để tiếp tục khai thác thị trường trong nước.
Việc liên kết tạo chuỗi giá trị cả trong và ngoài ngành để tăng lợi thế cạnh tranh với các đơn vị nước ngoài và tạo thêm nhiều giá trị cộng hưởng khác cũng cần được thực hiện.
Một yếu tố rất quan trọng, có tính chất quyết định dẫn dắt, đó chính là “Tư duy và năng lực nhà lãnh đạo”. Một nhà lãnh đạo luôn bảo thủ theo truyền thống, không có tư duy mới như chuyển đổi số, trách nhiệm xã hội, các tiêu chuẩn cao của thời đại về công bằng, minh bạch, chất lượng... thì khó có thể dẫn dắt Doanh nghiệp đi xa. Ngoài ra, nếu năng lực lãnh đạo không đủ sức kiểm soát quản lý Doanh nghiệp, đặc biệt là nhân sự thì cần phải định vị, tái cấu trúc, không ngừng học hỏi nâng cấp chính mình.
Theo Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam