Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, đối với các trường hợp nợ thuế quá 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước hoặc hết thời hạn chấp hành các quyết định hành chính về quản lý thuế, nhưng người nộp thuế hoặc người bảo lãnh không tự nguyện chấp hành, Cục Thuế sẽ tiến hành công khai nợ thuế khi đảm bảo cơ quan thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ, doanh nghiệp không có phát sinh vướng mắc hoặc khiếu kiện, khiếu nại.
Đứng đầu danh sách nợ khó đòi là Công ty Cổ phần Nam Vang, có mã số thuế 0100598739; địa chỉ số 38, phố Đức Giang, Phường Đức Giang, Quận Long Biên, Hà Nội, nợ tới 37,2 tỷ đồng.
Được biết, Công ty Cổ phần Nam Vang đã từng đưa 16 triệu cổ phiếu lên niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội HNX từ cuối tháng 1/2008. Tuy nhiên, hơn 6 năm sau đó toàn bộ 16 triệu cổ phiếu NVC đã bị hủy niêm yết bắt buộc, do kết quả kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp. Đồng thời, lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2013 theo báo cáo tài chính kiểm toán, thuộc diện hủy niêm yết theo quy định.
Đứng thứ hai trong doanh sách có nợ thuế khó thu là Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh và Dịch vụ Nhà Hà Nội, có mã số thuế 0101622053, nợ 12,1 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Ô tô An Hưng nợ 3,6 tỷ đồng…
Còn lại 991 người nộp thuế có số thuế nợ khả năng thu là 641,702 tỷ đồng. Trong danh sách người nộp thuế nợ tiền sử dụng đất, hiện Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Prosimex có mã số thuế 0100107405 đang nợ lớn nhất, trên 62 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và thương mại Thăng Long, có mã số thuế 0101408807, nợ trên 35,1 tỷ đồng; trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu nợ 1,8 tỷ đồng.
Theo danh sách nợ tiền thuế, phí, tiền chậm nộp liên quan, đáng chú ý, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và thương mại Việt Tiến, mã số thuế 0102391183 nợ trên 42 tỷ đồng, Công ty TNHH Hoà Phát, mã số thuế 0106396016 nợ trên 12 tỷ đồng…
Cục Thuế Hà Nội vừa công khai gần 2.000 doanh nghiệp nợ thuế lần đầu. Ảnh minh họa |
Liên quan tới vấn đề trên, theo Cục Thuế Hà Nội, công tác quản lý nợ trong những năm qua đã được Cục Thuế Hà Nội triển khai rất quyết liệt theo đúng quy định, quy trình trên cơ sở phân loại đối tượng nộp thuế để áp dụng các biện pháp đôn đốc, quản lý nợ phù hợp.
Bên cạnh việc đôn đốc và kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định, Cục Thuế Hà Nội cũng tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, nộp dần nợ thuế; đồng thời, tổ chức các buổi làm việc, đối thoại với các đơn vị nợ thuế để đôn đốc thu nợ cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tiếp nhận những thông tin phản hồi từ người nộp thuế.
Qua đó, kịp thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế có thể khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh, có cơ hội hoàn thành nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước bằng các biện pháp gia hạn, nộp dần tiền nợ thuế.
Đối với các khoản thu còn vướng mắc về cơ chế, chính sách, Cục Thuế Hà Nội phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Với các doanh nghiệp, người nộp thuế gặp khó khăn về hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh, Cục Thuế đã triển khai kịp thời các chính sách giãn, giảm, gia hạn nộp thuế, khoanh nợ, xóa nợ theo quy định đối với người nộp thuế.
Theo Chất lượng Việt Nam Online