Liên quan đến phản ánh của người dân về nội dung công văn 80 do Ban Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên ban hành, PV đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Cuộc phỏng vấn xoay quanh về tính pháp lý của văn bản cũng như việc áp dụng văn bản trong thực tiễn.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên): “Hiện nay chưa có và không có văn bản quy định về thẩm quyền xác định, công nhận cơ sở tín ngưỡng”. |
- Thưa ông, trong nội dung công văn 80 do Ban Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên ban hành nội dung xác định Đ.Đ.T là cơ sở tín ngưỡng có đề cập đến khái niệm “xác định cơ sở tín ngưỡng”. Vậy khái niệm “xác định” có cùng nghĩa với khái niệm “công nhận” không?
Theo tôi hiểu thì khái niệm công nhận, khái niệm xác định có nghĩa tương đối giống nhau. Điều này dẫn đến trong văn nói không được chặt chẽ. Hai khái niệm này gần đồng nghĩa, sát nhau nhưng không phải là một.
- Vậy công văn 80 đã dựa trên những căn cứ nào để xác định Đ.Đ.T là cơ sở tín ngưỡng, thưa ông?
Về phương diện chuyên môn, thứ nhất là căn cứ Khoản 2, Điều 3 Pháp lệnh tín ngưỡng và Khoản 4, Điều 2 Luật tín ngưỡng tôn giáo. Việc xác định cơ sở tín ngưỡng căn cứ vào văn bản của Luật để xác định.
Chỉ cần đáp ứng được đầy đủ hai điều kiện là có hoạt động tín ngưỡng từ năm 1943. Hoạt động này của nhân dân xóm Thai Thông, tổ 7, thị trấn Trại Cau trước đây, mục đích cầu sức khỏe.
- Nhưng tại thời điểm ban hành công văn số 80 là năm 2014, khi đó chỉ có Pháp lệnh tín ngưỡng và Luật tín ngưỡng tôn giáo tại thời điểm đó chưa ban hành thưa ông?
Đúng rồi.
- Hiện nay, thẩm quyền công nhận cơ sở tín ngưỡng đã quy định hay chưa? Nếu có xin ông cho biết?
Cơ sở tín ngưỡng không cần phải công nhận bởi niềm tin, đức tin của con người nó tồn tại mặc nhiên ngoài ý chí chủ quan.
Đối với cơ quan tôi chỉ có thẩm quyền xác định xem có phải là cơ sở tín ngưỡng hay không.
- Nhưng thưa ông, điều ông nói là tự do tín ngưỡng, không phải thẩm quyền công nhận?
Đúng rồi
- Vậy đến nay đã có văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành đề cập đến thẩm quyền công nhận, thẩm quyền xác định hay chưa, thưa ông?
Cho đến nay, chưa có và không có văn bản quy định về thẩm quyền công nhận, thẩm quyền xác định cơ sở tín ngưỡng.
- Theo phản ánh của người dân, tại một số văn bản do huyện Đồng Hỷ, thị trấn Trại Cau ban hành, thậm chí trong phát ngôn với người dân, báo chí có sử dụng thuật ngữ công nhận, xác định trong các văn bản, lời phát ngôn? Xin ông cho biết thêm?
Vì văn bản nhiều, nội dung đề cập chung chung. Nhưng theo tôi nhớ là không có đoạn nào sử dụng khái niệm công nhận. Nếu có thì là trong kết luận thanh tra có văn bản đề nghị tỉnh Thái Nguyên công nhận Đ.Đ.T là cơ sở tín ngưỡng. Tuy nhiên tại thời điểm đó căn cứ vào các văn bản liên quan, Pháp lệnh tín ngưỡng mới ra văn bản 80 nội dung xác định cơ sở tín ngưỡng.
Đối với phát ngôn, hai khái niệm có nghĩa tương đối giống nhau. Điều này dẫn đến trong văn nói không được chặt chẽ.
- Xin cảm ơn ông!
Trước đó, trao đổi với báo chí về nội dung công văn 80, ông Hoàng Ngọc Hưng, trưởng ban Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên cho biết, khái niệm xác định, khái niệm công nhận không hẳn là giống nhau và trong thủ tục hành chính hiện nay chưa có quy định hành chính về thẩm quyền xác định hay công nhận cơ sở tín ngưỡng.
Với việc Ban Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên ban hành công văn số 80 ngày 05/12/2014 có nội dung xác định Đ.Đ.T là cơ sở tín ngưỡng đã bị phản ánh có dấu hiệu bất cập về nội dung, pháp lý. Và nghịch lý là cơ quan ban hành văn bản lại không thể lý giải, trả lời thỏa đáng về nội dung công văn 80 đã đúng và phù hợp với chức năng, thẩm quyền hay chưa? |
Theo Nhóm PV/Sở hữu Trí tuệ