Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

RMIT phát triển thành công loại da nhân tạo có thể cảm nhận nỗi đau như da thật

DTVN 21:11 11/12/2020

Loại da nhân tạo mới có tiềm năng mở ra hướng đi mới trong ngành sản xuất robot và các bộ phận nhân tạo thay thế trong tương lai.

Cảm giác đau là một cơ chế phòng vệ tinh vi và hiệu quả mà cơ thể dùng để nói cho chúng ta biết có điều gì không ổn và phải hành động ngay để tránh bị thương. Trong đó, da là bộ phận cơ thể lớn nhất giúp giám sát liên tục cảm giác đau của cơ thể. Da có thể giúp ta tự động có hành động tránh đau thông qua phản xạ. Ví dụ như ta rụt tay lại khi chạm vào thứ gì đó rất nóng.

Các nhà khoa học Australia mới đây đã thành công trong việc tạo ra một loại da nhân tạo có thể bắt chước cơ chế này. Bà Madhu Bhaskaran, Giáo sư kỹ thuật tại Đại học RMIT, người dẫn đầu dự án, cho biết, da nhân tạo được làm từ cao su silicon, có đặc điểm của da thật và rất giống da thật về tính chất cơ học. Da nhân tạo này có thể dẫn tới những đổi mới đột phá trong ngành robot và sản xuất bộ phận cơ thể giả.

Giống như da thật, da nhân tạo có thể phản ứng khi bị áp lực, nóng hoặc lạnh quá ngưỡng đau. Các mạch điện tử gắn cảm biến nằm giữa các lớp ngoài của da, làm nhiệm vụ phản ứng với kích thích bên ngoài.

Bà Bhaskaran nói: “Điều thú vị về cơ thể con người là nó gửi tín hiệu điện tử tới hệ thần kinh trung ương. Các mạch điện tử hoạt động tương tự và cũng nhanh như vậy”.

Khi con người chạm vào thứ gì đó nóng, các thụ thể cảm nhận cơn đau trên da sẽ gửi tín hiệu qua dây thần kinh lên não. Não gửi tín hiệu để kích hoạt phản ứng như rụt tay khỏi vật nóng. Bắt chước hoàn toàn cơ chế này, khi một cảm biến của da nhân do RMIT phát triển tạo hiện ra kích thích gây đau, nó sẽ gửi tín hiệu điện tử cho các bộ phận bắt chước cơ chế não được lập trình để kích hoạt hành động.

Vấn đề mấu chốt ở đây là ngưỡng đau. Mặc dù cơ thể cảm nhận ngay được kích thích gây đau nhưng chỉ phản ứng khi kích thích vượt quá ngưỡng chịu đựng. Não và da so sánh kích thích gây đau và xác định xem cái nào nguy hiểm. Khi tạo da nhân tạo, các nhà khoa học đã thiết lập ngưỡng đau cho thiết bị điện tử bắt chước não. Kết quả là da nhân tạo có thể phân biệt giữa cái chạm nhẹ của đầu kim và một nhát đâm mạnh.

Với những thành quả trên, da nhân tạo của các nhà khoa học tại RMIT có thể giúp thiết kế các bộ phận cơ thể giả thông minh với khả năng phản ứng khi bị đau như da thật và cho phép người sử dụng biết khi họ chạm vào cái gì đó có thể nguy hiểm.

Vì các bộ phận cơ thể giả truyền thống không có da nên chúng không cảm nhận được sự nguy hiểm bên ngoài. Do đó, nếu được bọc da nhân tạo biết đau, các bộ phận sẽ hoạt động giống thật hơn.

Ngoài ra, da nhân tạo cũng có tiềm năng được sử dụng làm da ghép tạm thời hoặc lâu dài trong phẫu thuật nếu sử dụng da thật không khả thi.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cho biết da nhân tạo do nhóm phát triển còn có thể được dùng trong sản xuất găng tay phẫu thuật thông minh, giúp bác sĩ có được cảm nhận chính xác nhất cho dù đang đeo găng tay.

Đặc biệt, loại da nhân tạo mới được kỳ vọng sẽ giúp tạo ra những robot có chức năng như thật. Robot có thể cảm nhận cơn đau không chỉ là bước tiến quan trọng về kỹ thuật mà còn về mặt triết học.

Theo Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/rmit-phat-trien-thanh-cong-loai-da-nhan-tao-co-the-cam-nhan-noi-dau-nhu-da-that-d86028.html

Bạn đang đọc bài viết RMIT phát triển thành công loại da nhân tạo có thể cảm nhận nỗi đau như da thật tại chuyên mục Tin tức 24h. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h