Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Thương hiệu online đua nhau bước ra đời thực nhờ dịch COVID-19

TÀI CHÍNH DN 11:22 07/12/2020

Hàng loạt thương hiệu online trong ngành bán lẻ ở Singapore đang tranh thủ xu hướng giảm giá thuê mặt bằng để mở các điểm bán thực.

Đại dịch COVID-19 thúc đẩy sự phát triển của các thương hiệu online. Từ khi đại dịch bùng phát, hoạt động kinh doanh của Jay, một người dân ở Singapore trở nên bất thường. Hồi tháng 8, khi nền kinh tế đình đốn do dịch, buộc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, anh đã thành lập công ty cà phê trực tuyến Got Drip? rồi bán đồ uống tại một tiệm cắt tóc nam.

Khi mà các doanh nghiệp khác chuyển hoạt động sang trực tuyến để giảm các chi phí phát sinh như tiền thuê mặt bằng, Jay lại thực hiện chiến lược trái ngược. Đầu năm sau, Got Drip? sẽ mở một quán cà phê ở Geylang.

Nhiều thương hiệu trực tuyến ở Singapore tranh thủ xu hướng giảm giá thuê mặt bằng để chiếm lĩnh những điểm bán đẹp. Ảnh: INC

Nhiều thương hiệu trực tuyến ở Singapore tranh thủ xu hướng giảm giá thuê mặt bằng để chiếm lĩnh những điểm bán đẹp. Ảnh: INC

Trong bối cảnh số người ở nhà và chọn đặt đồ ăn qua mạng cứ tăng dần, mở cửa hàng có vẻ ngược đời. Tuy nhiên, Jay tin động thái ấy sẽ đưa việc kinh doanh của anh lên một tầm cao mới.

"Yếu tố quan trong nhất là chất lượng của sản phẩm. Cách tốt nhất để thưởng thức cà phê là uống ngay khi mới pha, và chúng tôi tin rằng mọi người cũng sẽ muốn ra ngoài và thưởng thức cà phê mới pha tại chỗ. Mở cửa hàng là bước tự nhiên để xây dựng một thương hiệu cà phê bền vững về mặt thương mại", Jay lập luận.

Số lượng khách đến các trung tâm mua sắm và cửa hàng đã giảm sau đại dịch, buộc nhiều nhà bán lẻ phải chuyển hướng sang thương mại điện tử. Song, cũng như Jay, một số chủ doanh thương hiệu online ở Singapore đang vận động ngược xu hướng này. Những người khác tận dụng việc giá thuê đang thấp để mở cửa hàng thực.

Những hành động như thế diễn ra ngay khi ngành bán lẻ ở Singapore đang giảm mạnh. Số liệu mới nhất vào tháng 9 cho thấy doanh số bán hàng giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước. 457 công ty bán lẻ đã ngừng hoạt động trong tháng đó - cao nhất trong 10 tháng. Ngay cả những thương hiệu lâu đời cũng không tránh khỏi xu hướng.

Vào tháng 10, Robinsons - một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất của Singapore, thành lập năm 1858 - tuyên bố đóng hai trung tâm mua sắm cuối cùng của họ. Chuỗi cửa hàng thời trang Esprit của Hong Kong cũng hoàn tất việc đóng toàn bộ 12 cửa hàng tại Singapore vào tháng 4.

Các hãng bán lẻ trực tuyến trẻ hơn, nhanh hơn đã thay thế họ, tận dụng sự bùng nổ online của họ để bước ra đời thực. Vào tháng 9, khi các thương hiệu thời trang của Anh là Topshop và Topman đóng cửa hàng cuối cùng ở Vivocity - trung tâm mua sắm lớn nhất Singapore - và chuyển hoạt động sang trực tuyến, thương hiệu thời trang nổi tiếng của Singapore là Bonito lại ra mắt cửa hàng thứ tư tại đó. Họ cũng sẽ khai trương cửa hàng lớn tại ION Orchard vào tháng 12.

Rồi trong khi Robinsons giã từ bằng một đợt giảm giá tại cửa hàng ở Orchard Road, thì Beyond The Vines, một cửa hàng thời trang trực tuyến ra đời vào năm 2015, đã mở cửa hàng mới nhất tại Ngee Ann City.

"Các hãng bán lẻ trực tuyến thu hút những người mua am hiểu về kỹ thuật số. Nếu họ có hàng hóa, thương hiệu và biết cách tiếp thị, họ có lý do để tăng mức độ tiện lợi khi mua sắm theo kiểu truyền thống cho cùng nhóm khách hàng đó", Tiến sĩ Lynda Wee tại Trường Kinh doanh Nanyang thuộc Đại học Công nghệ Nanyang phát biểu.

Wee nói thêm rằng cách tiếp cận đó sẽ nâng cao giá trị thương hiệu thông qua việc trưng bày sản phẩm và dịch vụ tại cửa hàng thực.

Với những người có đủ khả năng tài chính, giá thuê mặt bằng rẻ là điều may mắn trong đại dịch. Thống kê từ Cơ quan Tái thiết Đô thị Singapore chỉ ra rằng giá thuê mặt bằng bán lẻ đã giảm trong suốt cả năm. Trong quý III, giá giảm 4,5% so với quý II. Đến nay, giá thuê đã giảm gần 10% so với năm ngoái.

Jay nhận thấy xu hướng ấy là thời cơ để anh thúc đẩy kế hoạch mở quán cà phê. "COVID-19 khiến giá cho thuê mặt bằng rẻ hơn một chút, cho phép chúng tôi tiến nhanh hơn dự định", anh nói.

Giáo sư Sing Tien Foo, Giám đốc Viện Nghiên cứu Bất động sản và Đô thị tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), tin rằng giá mặt bằng có thể giảm hơn nữa, đặc biệt là ở các khu mua sắm chính như Orchard Road.

Một số nhà bán lẻ trực tuyến đã chớp thời cơ để chuyển đến đây. The Closet Lover, một thương hiệu thời trang địa phương, là một trong những khách thuê mới đây nhất tại Orchard Road, sau khi mở cửa hàng thứ 8 và là lớn nhất ở Ngee Ann City hai tuần trước. Hãng còn có các cửa hàng ở Malaysia và Campuchia.

Nhà đồng sáng lập Bertilla Wong tin rằng các cửa hàng thực vẫn quan trọng. "Mua sắm thực mang lại sự hài lòng ngay lập tức, đặc biệt ở châu Á. Người mua hàng vẫn thích thú khi có thể thử sản phẩm, sờ và cảm nhận các loại vải và mua hàng ngay lập tức", cô nói.

Dù phải giải quyết bài toán về COVID-19 và tổng chi phí, cô tiết lộ doanh thu tổng thể đã phục hồi nhanh hơn dự kiến sau khi Singapore dỡ bỏ các biện pháp giãn cách.

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thuong-hieu-online-dua-nhau-buoc-ra-doi-thuc-nho-dich-covid-19-d17298.html

Bạn đang đọc bài viết Thương hiệu online đua nhau bước ra đời thực nhờ dịch COVID-19 tại chuyên mục Tin tức 24h. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h
Cô gái vô tư với ước mơ làm người mẫu Đỗ Thị Hà đã trở thành Hoa hậu Việt Nam mở ra một thập kỷ hương sắc mới. Cuộc thi cũng đã mở ra những ước mơ mới cho nữ sinh viên ngành Luật, ĐH Kinh tế Quốc dân.